Malaysia Airlines: bán hay đóng cửa?
Chính phủ Malaysia đang cân nhắc các phương án quyết định số phận của hãng hàng không quốc gia Malaysia (Malaysia Airlines), bao gồm bán lại cho các nhà đầu tư khác, thậm chí đóng cửa.
Dù chọn phương án nào, đây cũng là một cái kết đau đớn nhưng tất yếu đối với một hãng hàng không từng được nhiều giải thưởng uy tín như Malaysia Airlines sau nhiều năm thua lỗ triền miên chủ yếu do các quyết sách sai lầm và áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ hàng không giá rẻ.
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 20-3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết chính phủ Malaysia đã nhận được sự quan tâm của một số công ty trong và ngoài nước về việc mua lại Malaysia Airlines (MAB).
Ông nói: “Có một số bên nhất định muốn mua lại MAB nên chúng tôi không loại bỏ phương bán bán hãng hàng không này. Dù chúng tôi đã thuê các quản lý nước ngoài nhưng MAB vẫn đối mặt với thua lỗ. Vậy nên, một trong những phương án là bán”.
MAB đã chứng kiến hai giám đốc điều hành người nước ngoài phải rời ghế trước hạn hợp đồng kể từ khi hãng hàng không này hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2014.
Ông Mahathir Mohamad chua chát nói: “Tôi yêu MAB. Tôi muốn MAB phải là hãng hàng không quốc gia nhưng dường như chúng ta không đủ sức để duy trì nó nữa”.
Tuần trước, ông Mahathir nói rằng chính phủ Malaysia cân nhắc nhiều phương án bao gồm đóng cửa, bán hoặc giải cứu MAB bằng cách rót thêm tiền đầu tư.
Dù vậy, các chuyên gia hàng không nhận định dù có khả năng MAB bị đóng cửa nhưng phương án có khả năng được lựa chọn cao nhất là tái cấu trúc MAB để giảm chi phí.
Trong những năm gần đây, MAB nỗ lực thay đổi các hoạt động để quay trở lại có lợi nhuận sau khi bị tác động nặng nề bởi hai thảm họa rơi máy bay trong năm 2014. Đầu tiên là máy bay MH370 mất tích bí ẩn và vẫn chưa tìm ra và sau đó, máy bay MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thua lỗ triền miên, khả năng có lãi trong năm 2019 vẫn mờ mịt khi MAB đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không Malaysia khác bao gồm Hãng hàng không giá rẻ AirAsia cũng như chi phí nhiên liệu ngày càng tăng cao.
Năm ngoái, MAB “đóng góp” phân nửa cho khoản lỗ 1,5 tỉ đô la của Quỹ đầu tư quốc gia Malaysia, Khazanah Nasional, công ty mẹ của MAB.
Khả năng bán ít xảy ra
Các chuyên gia hàng không cho rằng bán MAB là kịch bản khó xảy ra vì các nhà đầu tư tiềm năng, dù là trong nước hay nước ngoài, có rất ít lợi lộc khi mua nó.
Nếu xét trong nước, hãng hàng không giá rẻ AirAsia có đủ nguồn lực tài chính để mua lại MAB. AirAsia là hãng hàng không lớn nhất ở Malaysia, chiếm gần 55% thị phần hành khách ở Malaysia hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Mohshin Aziz, Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities, nói có rất ít khả năng AirAsia mua lại MAB sau khi nỗ lực hợp tác giữa hai hãng hàng không này gặp thất bại cách đây vài năm.
Ông cho rằng AirAsia đã có gần như mọi thứ mà hãng này mong muốn từ thị phần cho đến khả năng thâm nhập thị trường. Vì vậy, mua lại MAB chỉ mang lại rất ít lợi ít cho AirAsia.
Khả năng các nhà đầu tư nước ngoài mua MAB cũng rất thấp vì quy định của Malaysia chỉ cho phép các công ty nước ngoài nắm giữ tối đa 48% cổ phần của MAB, do vậy, họ không thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn MAB.
Ông Mohshin nói rằng chẳng hãng hàng không nước ngoài nào muốn bỏ ra một số tiền lớn để mua cổ phần của MAB nhưng lại không có quyền kiểm soát nó.
Nếu đóng cửa, 12.000 người sẽ mất việc
Một số nhà phân tích cũng cho rằng ít có khả năng chính phủ Malaysia sẽ đóng cửa MAB. Ông K Ajith, Giám đốc nghiên cứu vận tải châu Á ở Công ty UOB Kay Hian Research, chỉ ra rằng với 12.000 việc làm bị mất nếu MAB đóng cửa, chính phủ Malaysia có thể không có đủ ý chí chính trị để ra một quyết định như vậy.
Ellis Taylor, biên tập viên ở trang tin tức hàng không FlightGlobal, nhận định không có khả năng MAB sẽ bị đóng cửa vì nó được xem là “biểu tượng quốc gia của Malaysia”.
Tuy nhiên, ông Mohshin lại có cách nhìn nhận khác. Ông nói nếu như thế hệ lớn tuổi ở Malaysia xem MAB là niềm tự hào thì giới trẻ Malaysia không có cùng quan điểm như vậy. “MAB không phải là sự lựa chọn của họ vì có nhiều phương án bay rẻ hơn”, ông cho biết.
Ông cũng cho rằng chính phủ Malaysia khó mà tiếp tục bơm tiền giải cứu MAB. Các thay đổi về môi trường quản lý hàng không ở Malaysia trong những năm gần đây chẳng hạn việc thành lập Ủy ban Hàng không Malaysia vào năm 2016 đồng nghĩa với việc MAB giờ đây phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định quốc tế nghiêm ngặt hơn.
Ông Mohshin cho biết Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) không chấp nhận các khoản trợ cấp hay bất cứ hành vi phi cạnh tranh mà một chính phủ dành cho các hãng hàng không trong nước. “Vì vậy, tôi không nghĩ chính phủ Malaysia sẽ lặp lại hành động giải cứu MAB như trước đây”, ông cho biết thêm.
Sẽ tái cấu trúc để giảm chi phí?
MAB có thể tái cấu trúc để cắt giảm chi phí hoạt động, theo nhận định của một số nhà phân tích. Ellis Taylor, biên tập viên ở trang tin tức hàng không FlightGlobal, cho rằng MAB có thể đánh giá lại chiến lược và tái định vị như là một hãng hàng không khu vực thay vì hãng hàng không quốc tế để giảm chi phí.
Theo ông, MAB cần phải dồn nỗ lực thu hút hành khách bay đến Malaysia, thay vì cạnh tranh với các hãng hàng không châu Á và Trung Đông khác đang nhắm đến khách đi lại giữa hai khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc MAB chấp nhận không còn là hãng hàng không lớn ở Malaysia nhưng sẽ giúp hành khách nước ngoài có nhiều sự lựa chọn bay đến Malaysia hơn và có thể thúc đẩy ngành du lịch nước này.
Trả lời báo chí hôm 21-3, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke nói rằng, Thủ tướng Mahathir Mohamad là người trực tiếp xử lý các phương án quyết định tương lai của MAB. Ông cho biết không có một thời hạn cụ thể để đưa ra quyết định này nhưng chính phủ Malaysia cần phải hành động càng sớm càng tốt vì MAB đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Lê Linh