Mái ấm vững chãi trên miền biên viễn giữa núi rừng Trường Sơn
Không chỉ là ngôi nhà mới, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tạo động lực cho các hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới xa xôi cách trở vươn lên phát triển kinh tế.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ triển khai đã đạt được những kết quả đáng kể trên toàn quốc. Đặc biệt, tại các xã miền núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Đà Nẵng mới (sáp nhập với tỉnh Quảng Nam).
Chương trình này không chỉ mang lại những ngôi nhà kiên cố, thay thế cho những mái nhà xập xệ giữa núi rừng Trường Sơn, mà còn là một biểu tượng mạnh mẽ của sự phát triển, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từ kêu gọi đến hành động
Xác định nguồn lực là nền tảng quan trọng nhất trong thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tháng 7/2024, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũ) đã viết thư kêu gọi toàn dân chung tay vào cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Với tinh thần “người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Thêm một bàn tay chìa ra, chúng ta sẽ có thêm một viên gạch làm vững chắc hơn nơi ở của hộ đồng bào nghèo.”
Từ đó, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, toàn tỉnh Quảng Nam (cũ) đã huy động được hơn 100 tỉ đồng, tạo nền tảng cốt lõi cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, không chỉ dừng ở kêu gọi, với đặc thù diện tích tự nhiên rộng lớn, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp đến từng nhà, thăm hỏi động viên và tìm hiểu thực tế nhu cầu và các khó khăn của người dân. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục, quán triệt và chỉ đạo các giải pháp toàn diện phù hợp đến từng xã, từng cán bộ ở cơ sở.




Ông Triết đặc biệt nhấn mạnh “Đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn nữa, phải cụ thể, sâu sát hơn nữa. Bí thư, Chủ tịch xã phải phục vụ, trực tiếp nắm địa chỉ, thông tin người dân để chỉ huy công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.”
Tây Giang đồng lòng hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm
Tại xã Tây Giang, một trong những xã khó khăn nhất với 97% dân số là đồng bào Cơ Tu của thành phố Đà Nẵng, chương trình xóa nhà tạm đã được triển khai mạnh mẽ.
Giai đoạn 2023-2025, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tây Giang, Thành phố Đà Nẵng) đã tiến hành sửa chữa và xây mới được 1.067 căn nhà, riêng 6 tháng đầu năm 2025 này đã bàn giao được 407 căn.
Từ ngày 1/7, khi vận hành chính quyền 2 cấp trên cơ sở sáp nhập 4 xã Lăng, Atiêng, Dang, Anông, toàn xã Tây Giang hiện đã hoàn thành xây dựng 175 căn, còn lại 32 căn đang trong quá trình thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7 năm nay.

Tây Giang mới có diện tích 400 km² và dân số gần 9.000 người sống rải rác tại 23 thôn giữa trập trùng núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Việc hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm tại đây là nỗ lực không nhỏ của chính quyền và nhân dân.
Chính quyền đã không chỉ cung cấp kinh phí hỗ trợ mà còn huy động sức lực của các đoàn viên thanh niên, dân quân,…. Sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã củng cố hy vọng, giúp các hộ dân vượt qua mặc cảm nghèo khó để vươn lên thực hiện ước mơ phát triển kinh tế, với nền tảng đầu tiên là ngôi nhà kiên cố giữa trập trùng núi rừng Trường Sơn.
Ông ARất Blúi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tây Giang cho biết, “sự đoàn kết, sự chung tay của cộng đồng và sự hỗ trợ giải ngân nguồn vốn kịp thời từ Trung ương đến thành phố đã giúp Tây Giang vượt qua mọi khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát.”
Nhà mới, cuộc sống mới - Động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu
Chương trình không chỉ là sự thay đổi về vật chất mà còn là bước ngoặt lớn trong cuộc sống tinh thần của bà con. Những ngôi nhà mới đã giúp người dân không còn lo sợ mưa bão.
Gia đình Chị Alăng Thị Thước, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Achiing, xã Tây Giang, là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ chương trình xóa nhà tạm. Trước đây, ngôi nhà cũ của gia đình chị rất tạm bợ, có đến 10 nhân khẩu sinh sống. Mỗi mùa mưa, nhà dột khắp nơi, khiến chị không thể ngủ yên.
Nhờ chương trình hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình chị đã vay mượn thêm để xây dựng lại ngôi nhà mới. “Cảm giác khi gia đình tôi chuyển vào nhà mới thật tuyệt vời. Tôi không còn lo sợ mỗi khi mưa đến."
"Tôi cảm thấy tự tin hơn khi con cái được sống trong một không gian thoáng mát. Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực trong công việc” chị chia sẻ.

Chị Alăng Thị Thước hạnh phúc cùng các con sống trong ngôi nhà mới. (Ảnh: Thanh Phong/Vietnam+)
Tại thôn Tà Vàng, gia đình chị Chị Rađêl Thị Tin, người Cơ Tu, xã Tây Giang được duyệt hồ sơ muộn hơn, nên hiện tại vẫn đang xây dựng ngôi nhà mới.
Chị Tin chia sẻ trong lúc phụ thợ trộn vữa giữa cái nắng mùa hè: “Mặc dù rất vất vả, nhưng công sức của cả gia đình đã dồn vào đây. Ngôi nhà dần thành hình và tôi rất mừng."
"Đây là một điều kỳ diệu đối với chúng tôi. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ và chính quyền địa phương.”
Câu chuyện của 2 hộ dân trên cũng là sự hân hoan chung của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Đà Nẵng được hưởng lợi từ chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ.
Với những ngôi nhà mới, bà con bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn, phấn đấu để xây dựng tương lai tốt đẹp cho gia đình và thế hệ sau.
Chương trình xóa nhà tạm: Mang lại niềm tin và hy vọng
Chính phủ không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn tạo ra một chương trình mang tính nhân văn cao, thắp lên niềm tin và hy vọng cho người dân.
Anh Bling Tăng, người Cơ Tu ở thôn Pơr’ning, chia sẻ: “Nhà tạm trước đây đủ thứ khó khăn, điện, nước rồi mưa dột và vợ sinh đẻ nữa, không thể kể hết nỗi khổ. Nay được hỗ trợ, gia đình cũng xác định Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ 1 lần thôi, hai vợ chồng quyết tâm lắm, từ tiền dành dụm, rồi vay mượn thêm xây nên ngôi nhà kiên cố này”
Anh Pơloong Nghêl, người Cơ Tu ở thôn Achiing, cho biết: “Trước thì mưa gió, cuộc sống rất khó khăn, nhà cũ cứ dột và ngập úng, phải nâng đồ hay di dời cặp bùn đất nữa thì quá tội. Ngôi nhà không chỉ che mưa, nắng mà còn là động lực để hai vợ chồng cố gắng phát triển kinh tế. Rất cảm ơn Đảng và Nhà nước.”




Hai ngôi nhà mới của gia đình anh Bling Tăng,thôn Pơr’ning (2 hình phía trên) và gia đình anh Pơloong Nghêl, thôn Achiing (2 hình phía dưới). (Ảnh: Thanh Phong/Vietnam+)
Đà Nẵng hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm vào tháng 8/2025
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành 12.290/12.340 ngôi nhà tạm, đạt gần 99,6%. Chương trình xóa nhà tạm đang được triển khai mạnh mẽ, với mục tiêu hoàn thành trước ngày 15/8/2025.
Mặc dù các địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai, đặc biệt là với các hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng chính quyền thành phố khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, đặc biệt là huy động sự tham gia của cộng đồng để không ai bị bỏ lại phía sau. Thể hiện cam kết của chính quyền đối với cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa.
Thành phố Đà Nẵng mới (sáp nhập với tỉnh Quảng Nam cũ) sẽ có động lực từ sự ủng hộ của người dân, qua đó triển khai các giải pháp chiến lược đưa các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn của thành phố vươn lên phát triển kinh tế, an sinh xã hội và nhất là bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của đất và người nơi đây./.
