Ma-rốc sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam

Ma-rốc cởi mở với mọi triển vọng hợp tác mới, dù là về đầu tư hay thương mại, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân tới Vương quốc Ma-rốc từ ngày 24-27/7/2025, ngày 25/7/2025 tại Rabat, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi làm việc với Tổng Thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc Taoufiq Moucharraf.

Tham dự buổi làm việc, về phía Ma-rốc có ông Abderrahim Taibi, Giám đốc Viện Tiêu chuẩn hóa Ma-rốc (IMANOR) trực thuộc Bộ Công Thương Ma-rốc, đại diện Bộ Ngoại giao Ma-rốc; về phía Việt Nam có đại diện Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân với Tổng Thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc Taoufiq Moucharraf

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân với Tổng Thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc Taoufiq Moucharraf

Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Tại buổi làm việc, hai Bên đã chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp của mỗi nước, rà soát tình hình hợp tác thương mại song phương và trao đổi về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư.

Hai bên nhất trí đưa ra một số lĩnh vực hợp tác công nghiệp có nhiều tiềm năng như: công nghiệp ô tô, phân bón, hóa chất, năng lượng tái tạo, điện tử, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có thực phẩm Halal...

Theo đề xuất của phía Ma-rốc, hai Bên sẽ thông qua kênh Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán hai nước, Thương vụ Việt Nam tại Casablanca để xác định, thống nhất các hoạt động như tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối thương mại, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, tăng cường hợp tác công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn sản phẩm, tổ chức khu gian hàng chuyên đề hoặc khu gian hàng Halal tại các hội chợ thực phẩm ở mỗi nước...

Cũng trong buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vị trí địa chiến lược của Ma-rốc, là cửa ngõ vào thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc và Trung Phi.

Thứ trưởng cho rằng, những năm gần đây trao đổi thương mại giữa hai nước đang phát triển tích cực. Bên cạnh lĩnh vực thương mại, còn rất nhiều tiềm năng hợp tác công nghiệp, năng lượng, đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp hai Bên bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên việc trao đổi đoàn vẫn còn hạn chế.

Về cơ chế hợp tác giữa hai Bộ, hai Bên đã tổ chức thành công 2 Kỳ họp Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp. Kỳ họp gần đây nhất vào tháng 11/2024. Hai Bộ cần tiếp tục sự phối hợp chặt chẽ để sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026 để thảo luận, xây dựng kế hoạch hợp tác cũng như khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với tình hình, bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẵn sàng tiếp đón Bộ trưởng Bộ Công Thương Ma-rốc và Ngài Tổng Thư ký sang Việt Nam làm việc và tham dự Kỳ họp. Cùng đó, đề nghị Bộ Công Thương Ma-rốc cử đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam nhân dịp Kỳ họp lần thứ 3 của Tiểu ban.

Thứ trưởng đã giới thiệu một số hội chợ, triển lãm lớn được tổ chức những tháng cuối năm tại Việt Nam, trong đó có Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2025 tổ chức tháng 9/2025, Hội chợ Công nghiệp Thực phẩm Vietnam Foodexpo 2025 tổ chức tháng 11/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Bộ Công Thương Ma-rốc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cử đoàn doanh nghiệp Ma-rốc sang tham dự hội chợ, tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị hai Bên tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự phối hợp để xây dựng, củng cố khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, công nghiệp và các lĩnh vực tiềm năng khác.

Tổng Thư ký Taoufiq Moucharraf tặng quà lưu niệm Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân

Tổng Thư ký Taoufiq Moucharraf tặng quà lưu niệm Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân

Cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Tổng Thư ký Taoufiq Moucharraf bày tỏ sự vui mừng trước việc đoàn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm chính thức Ma-rốc và chào mừng Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đến làm việc với Bộ Công Thương Ma-rốc.

Ông cho rằng Việt Nam và Ma-rốc đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có chiến lược phát triển đúng đắn, đang nắm giữ một số chuỗi giá trị công nghiệp. Ngành công nghiệp của hai nước có một số tương đồng nhất định nhưng có thể bổ trợ cho nhau, do đó có nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm. Ví dụ: dệt may, điện tử, ô tô, chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, nhựa...

Ma-rốc đã biến vị trí chiến lược của mình thành một tài sản và lợi thế so sánh. Ma-rốc cũng đã tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do, các thỏa thuận ưu đãi thương mại, mang lại quyền tiếp cận mạng lưới người tiêu dùng rộng lớn. Ma-rốc có thể tận dụng những điều kiện thuận lợi này để thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp, đầu tư với Việt Nam.

Ông cho rằng cả Ma-rốc và Việt Nam đều đang có môi trường chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định. Điều này mang lại cho các nhà điều hành một tầm nhìn rõ ràng. Ma-rốc mong muốn là đối tác tin cậy, có uy tín, trách nhiệm, coi thành công của nhà đầu tư là ưu tiên của mình. Ma-rốc có chính sách cởi mở, đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác, đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến kinh doanh tại Ma-rốc.

Ông bày tỏ sự ấn tượng trước sự phát triển bùng nổ về kinh tế của Việt Nam. Trường hợp Việt Nam hiện đang được rất nhiều người Ma-rốc biết đến. Ông khẳng định Ma-rốc cởi mở với mọi triển vọng hợp tác mới, dù là về đầu tư hai thương mại, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam.

Tổng Thư ký nhất trí cao với những ý tưởng, đề xuất của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, đặc biệt là về sự cần thiết phải tăng cường giao lưu thương mại, trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa hai Bên. Ông đề nghị hai Bên phối hợp thu xếp các chuyến thăm, làm việc thông qua kênh Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán.

Tại Kỳ họp thứ 3 của Tiểu ban về Hợp tác thương mại và công nghiệp sắp tới, hai Bên sẽ trao đổi nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực liên quan ở cấp Lãnh đạo Bộ, cấp kỹ thuật và giữa các doanh nghiệp. Kỳ họp cũng sẽ là cơ hội tốt để hai Bên rà soát, thảo luận về một khung pháp lý phù hợp với bối cảnh, điều kiện hiện nay, để tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Để chuẩn bị, hai Bên cần sớm thống nhất các chủ đề thảo luận, xác định thành phần đoàn doanh nghiệp theo những lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng.

Ông bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dành nhiều quan tâm hơn cho thị trường Ma-rốc, sớm có kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất ở Ma-rốc, để tận dụng vị trí thuận lợi, gần và dễ tiếp cận, kết nối với thị trường châu Âu, châu Phi, Hoa Kỳ. Do Ma-rốc đang chuẩn bị cho World Cup 2030, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại đây. Ma-rốc sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam.

Ông cũng cho rằng việc tham dự hội chợ, triển lãm hết sức quan trọng và đề nghị hai Bên cùng đẩy mạnh việc này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tham dự các hội chợ, triển lãm ở cả Việt Nam và Ma-rốc.

Mở rộng dư địa hợp tác sang lĩnh vực Halal

Tại buổi làm việc, hai Bên cũng đã dành thời gian thảo luận về các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và Halal. Ông Abderrahim Taibi, Giám đốc Viện Tiêu chuẩn hóa Ma-rốc (IMANOR) trực thuộc Bộ Công Thương Ma-rốc nhấn mạnh sự cần thiết của tạo thuận lợi hóa cho thương mại.

Theo đó, hai Bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn Halal. Ông cho biết đã từng tham dự Hội nghị Halal toàn quốc tại Việt Nam tháng 10/2024. Tại Hội nghị Ma-rốc là nước châu Phi duy nhất cử đại biểu tham gia. Viện Tiêu chuẩn hóa Ma-rốc sẵn sàng tăng cường sự trao đổi, hợp tác với Việt Nam.

Về hợp tác Halal, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Việt Nam đang rất mong muốn được tiếp cận, mở rộng thị trường Halal. Việt Nam đã có Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HACERT), đã tổ chức nhiều hội nghị, trao đổi với nhiều quốc gia về lĩnh vực Halal. Việt Nam có thế mạnh về sản phẩm Halal và tin tưởng hoàn toàn có đủ năng lực cung cấp sản phẩm Halal cho các nước Hồi giáo.

Trường hợp phía Ma-rốc cử đoàn sang Việt Nam nhân dịp Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (FoodExpo Viet Nam), hai Bên có thể phối hợp tổ chức triển lãm, hội nghị, hội thảo về Halal, hoặc có thể bố trí một khu trưng bày riêng cho sản phẩm Halal và tổ chức kết nối giao thương cho đoàn doanh nghiệp Ma-rốc. Sự kiện này sẽ nhận được nhiều quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam và Ma-rốc đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có chiến lược phát triển đúng đắn, đang nắm giữ một số chuỗi giá trị công nghiệp. Ngành công nghiệp của hai nước có một số tương đồng nhất định nhưng có thể bổ trợ cho nhau, do đó có nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm. Ví dụ: dệt may, điện tử, ô tô, chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, nhựa..

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ma-roc-san-sang-chao-don-cac-nha-dau-tu-viet-nam-412403.html
Zalo