M&A trong giáo dục: Tìm cấu trúc bền vững về tài chính và chất lượng đào tạo

Việc mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực giáo dục giúp những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính có thể duy trì hoạt động, sau đó có kế hoạch phát triển hoặc chuyển đổi. Tuy nhiên việc cân đối giữa hoạt động kinh doanh và chất lượng đào tạo sau các thương vụ vẫn là điều nhiều người lo ngại.

Thị trường cho nhà đầu dài hạn

Theo trang DealStreetAsia, vừa qua, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã chào bán cổ phần của Trường Đại học Hoa Sen và Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Tập đoàn giáo dục này muốn huy động vốn với mục tiêu khoảng 150-200 triệu đô la Mỹ cho mỗi trường.

Tập đoàn Nguyễn Hoàng tìm cách chào bán các trường đại học này trong bối cảnh không huy động được vốn như mong đợi. Bởi trước đó, vào tháng 7-2022, tập đoàn đã ủy quyền cho JP Morgan bán cổ phần doanh nghiệp với mức định giá 1 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, đến tháng 12-2022, Nguyễn Hoàng đã tạm dừng việc bán cổ phần vì giá thầu thấp hơn định giá, Reuters đưa tin.

Được biết, tập đoàn này đã mua lại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vào năm 2015 và Trường Đại học Hoa Sen vào năm 2018.

Nhiều thương vụ M&A giữa các trường tư thục được thực hiện thành công trong những năm qua cho thấy, đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam đang là một thị trường có nhiều dư địa phát triển. Những năm trước đó, Công ty du lịch Vietravel từng công bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF) với giá hơn 100 tỉ đồng, Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến khoảng 100 tỉ đồng.

Trao đổi với KTSG Online về tiềm năng thị trường này, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn giáo dục Equest, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, cho rằng vận hành trường đại học tư thục là một lĩnh vực khó khăn. Trên thực tế, số lượng trường đại học tư thục có vị thế trong giáo dục đại học Việt Nam còn khiêm tốn. Số lượng trường ở trạng thái quy mô nhỏ và ít danh tiếng vẫn chiếm đa số.

Một điều dễ nhận thấy là các trường có uy tín hay thành công đều mang những nét riêng biệt, góp những giá trị khác so với các trường công lập thì mới có thể đi đường dài. Đơn cử như Trường Đại học RMIT Việt Nam, FPT, VinUni, Anh Quốc, Duy Tân, Đông Á… cũng đã có hành trình hoạt động kéo dài hàng thập niên. Thực tế hiện nay, nhu cầu giáo dục đại học tư thục vẫn đang tăng, tiềm năng thị trường vẫn còn nhưng chỉ những nhà đầu tư có kế hoạch rõ ràng và dài hạn mới có thể tạo giá trị trên thực tiễn.

Sau khi có nhà đầu tư mới, các trường đại học tư thục phải nâng cao chất lượng đào tạo mới có thể cạnh tranh và tồn tại. Ảnh minh họa: DNCC

Sau khi có nhà đầu tư mới, các trường đại học tư thục phải nâng cao chất lượng đào tạo mới có thể cạnh tranh và tồn tại. Ảnh minh họa: DNCC

Những năm trước đây, trường đại học tư thục được chuyển nhượng hoặc có nhà đầu tư mới đều là những đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả như Trường Đại học Yersin Đà Lạt (Tập đoàn Thành Thành Công – TTC Group mua lại), Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM (được Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech mua lại)….

Tuy nhiên, cũng có một số trường được chào bán đều tạo ra nguồn thu lớn mỗi năm. Đơn cử như Trường Đại học Hoa Sen và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Dù chưa công bố doanh thu năm 2023 nhưng theo báo cáo “ba công khai” do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường đại học công bố, doanh thu của Trường Đại học Hoa Sen vào năm 2022 đạt trên 918 tỉ đồng. Trong đó doanh thu từ học phí hơn 680 tỉ đồng, nguồn thu hợp pháp khác 237,7 tỉ đồng. Còn nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ 97 triệu đồng. Cũng năm 2022, doanh thu của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là 886 tỉ đồng. Cả hai trường này đều nằm trong nhóm những trường đại học có doanh thu cao nhất cả nước.

Về vấn đề này, ông Minh nhận định, thời gian qua, việc chuyển nhượng sở hữu phần vốn góp tại các trường đại học tư thục hầu hết đều mang màu sắc tích cực. Các trường đại học có được nhà đầu tư mới tham vọng, am hiểu về giáo dục và đầu tư có tầm nhìn hơn.

“Việc chào bán công khai hai trường đại học thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng có thể là vấn đề tài chính của công ty mẹ, chứ không nằm ở bản thân các trường. Việc chuyển nhượng các trường đa phần do chủ sở hữu không còn đủ năng lực tài chính và chuyên môn để phát triển trường hơn. Do đó, họ mong muốn rút khỏi việc điều hành”, ông Minh nói.

Chuyên gia giáo dục này cho hay, việc mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc là xu hướng cho tất cả các lĩnh vực, không chỉ giữa những nhà đầu tư giáo dục tư thục. Có thể thấy đây là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất trong quản trị. Tuy nhiên, điều này cũng đem lại nhiều giá trị nhất, giúp những doanh nghiệp đang gặp “khủng hoảng” có thể vượt qua khó khăn, sau đó có thể phát triển hoặc chuyển đổi.

Với những quốc gia phát triển, các nghiệp vụ này là một mảng vô cùng quan trọng không thể thiếu, Việt Nam cũng cần quen với điều này, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Thực tế ở Việt Nam đang quá thiếu các chuyên gia về tái cấu trúc doanh nghiệp để thị trường vận hành một cách tối ưu. Đặc biệt với lĩnh vực đặc thù như giáo dục thì nhân tố này lại cực kỳ quan trọng bởi các thương vụ không chỉ giới hạn trong hoạt động kinh doanh mà còn liên quan đến vấn đề xã hội khác.

Cân bằng các chiều lợi ích

Sau các thương vụ, không phải trường nào cũng có tiến trình tái cấu trúc thành công. Thực tế cho thấy, có trường đang phát triển nhưng khi chuyển sang nhà đầu tư mới lại gặp vấn đề phức tạo hơn như Trường Đại học Hùng Vương TPHCM, Đại học Văn Hiến. Ngược lại, có trường từ khó khăn nhưng khi có nhà đầu tư mới lại phát triển mạnh hơn như Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng…

Tuy vậy mối lo chung của các bên liên quan là chất lượng đào tạo giáo dục có thể bị ảnh hưởng sau những lần mua bán, chuyển giao chủ sở hữu. Dù chất lượng đào tạo vẫn là tiêu chí cơ bản, nhưng các trường ngoài công lập vẫn phải đảm hoạt động đầu tư có lời. Việc cân đối giữa chất lượng đào tạo và tăng trưởng kinh doanh không phải dễ và đây là bài toán mà nhiều nhà đầu tư cần giải quyết một cách hợp lý. Hơn nữa, chất lượng giáo dục của mỗi trường có thể phụ thuộc vào tư duy của từng chủ sở hữu nên những cam kết về dài hạn vẫn rất cần thiết.

Trước mối lo này, ông Minh cho biết, đa phần các trường đại học tư thục sau khi có nhà đầu tư mới đều phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Cùng với việc các trường đại học công lập được tự chủ, việc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học về cơ bản đã khác trước rất nhiều. Thậm chí các trường đại học tư phải có chất lượng đào tạo tốt hơn mới có thể cạnh tranh và tồn tại được. “Bàn tay vô hình” của kinh tế sẽ điều chỉnh hành vi và đưa về đúng quỹ đạo tích cực.

“Chúng ta không phải quá lo lắng về việc các thương vụ chuyển nhượng làm giảm chất lượng của từng trường nói riêng và cả hệ thống nói chung. Ngược lại, chúng ta nên khuyến khích chuyển nhượng và có thêm những nhà đầu tư có chất lượng, có thêm nguồn lực để nâng tầm giáo dục đại học tư thục hơn”, chuyên gia giáo dục này cho hay.

Như vậy, việc mua bán trường đại học hiện nay có hướng phát triển tích cực nhiều hơn tiêu cực. Đây là cơ hội để trường đại học tư thục phát triển tốt những mặt mà họ đang có. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Các trường tốt ngày càng phát triển hơn, còn những trường kém hơn sẽ lùi bước.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm tái cấu trúc và đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho rằng xu hướng mua bán, sáp nhập các trường đại học hoặc cao đẳng trong thời gian tới sẽ khá ảm đạm. Bằng chứng là những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chưa có một thương vụ nào được xem là đáng chú ý.

Các tập đoàn giáo dục gặp khó khăn tài chính như Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã tìm kiếm nhà đầu tư trong nhiều năm nhưng không thành công, phải chào bán công khai. Sau thời gian chào bán công khai, mức độ quan tâm ở công chúng có cao hơn. Tuy nhiên, những nhà đầu tư thực thụ vẫn im lặng do quy mô đầu tư lớn và mức độ thành công sẽ không cao. Do đó, trong ngắn hạn, đây có thể chưa phải là sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Nếu có nhà đầu tư nào quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học tư thục, đó là tín hiệu đáng mừng.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ma-trong-giao-duc-tim-cau-truc-ben-vung-ve-tai-chinh-va-chat-luong-dao-tao/
Zalo