Lý do Phó Tổng thống Philippines rời nội các
Hôm 19-6, bà Sara Duterte - Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Giáo dục Philippines đã xin rút khỏi các chức vụ trong nội các của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Sự việc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ rạn nứt giữa hai gia tộc có ảnh hưởng nhất nước này trong những tháng gần đây.
Theo ông Cheloy Garafil - Bộ trưởng Truyền thông Philippines, Tổng thống Marcos đã chấp nhận đơn từ chức Bộ trưởng Giáo dục và Phó Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm chống nổi dậy của bà Sara Duterte, dù bà không đưa ra lý do. Tuy nhiên, nữ chính trị gia Sara Duterte (46 tuổi) vẫn sẽ giữ chức Phó Tổng thống Philippines. Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Sara Duterte cho biết mình từ chức “không phải vì yếu kém mà vì quan tâm tới giáo viên và giới trẻ”. Việc này có hiệu lực từ ngày 19-7.
Việc bà Sara Duterte từ chức khẳng định điều mà các nhà quan sát chính trị đã dự đoán từ trước, rằng liên minh giữa gia tộc của ông Marcos và bà Sara sẽ có rạn nứt lớn do những khác biệt về chính trị và chính sách. Giáo sư môn khoa học chính trị Jean Encinas-Franco của Đại học Philippines nói về quyết định từ chức khỏi nội các nữ Phó Tổng thống: “Đó là sự tan vỡ mà tất cả chúng tôi đã dự báo”.
Bà Sara Duterte là con gái của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, bà từng được dự đoán có nhiều khả năng đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2022. Nhưng bà đã quyết định liên danh với ông Ferdinand Marcos Jr và tranh cử chức Phó Tổng thống. Điều này cho phép con trai của cố Tổng thống Ferdinand Emmanuel Edralin Marcos khai thác cơ sở ủng hộ to lớn của gia đình Duterte và dựng lại “triều đại” Marcos. Tuy nhiên, những rạn nứt trong liên minh đã lộ rõ chỉ vài tháng sau khi chính quyền mới nhậm chức. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, từ cuộc chiến chống ma túy đến vấn đề Biển Đông, cũng như khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình với quân nổi dậy. Ông Marcos cũng đã cân nhắc việc tái gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) mà Tổng thống Duterte đã chính thức rút lui vào năm 2019 sau khi công tố viên của tòa án tuyên bố điều tra sơ bộ về việc hàng nghìn người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Ở chiều ngược lại, đầu năm nay, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte cáo buộc các đồng minh lập pháp của người kế nhiệm âm mưu sửa đổi Hiến pháp để dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ và cảnh báo điều đó có thể dẫn đến việc ông Marcos bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy công khai giống như cha ông vào năm 1986.
Theo ông Aries Arugay - thành viên cấp cao tại Viện ISEAS Yusof-Ishak, việc bà Sara từ chức và rời nội các là điều không thể tránh khỏi. Ông Arugay tin rằng, việc bà Sara Duterte từ chức sẽ tạo ra không gian chính trị để chống lại Tổng thống Marcos, điều này có khả năng gây chia rẽ đất nước.
Ông Michael Henry Yusingco - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Ateneo ở Manila cho biết, việc bà Sara Duterte ra đi mang lại cho Tổng thống Marcos quyền lực “không thể tranh cãi” trong nội các. Ông nói: “Tổng thống hiện có toàn quyền kiểm soát tương lai chính trị của ông cũng như của gia đình ông”. Nhưng động thái này sẽ cho phép bà Sara Duterte lên tiếng nhiều hơn trong việc phản đối ông Marcos, bởi đường ranh giới đã được vạch ra.
Giáo sư Jean Encinas-Franco của Đại học Philippines cũng nhận thấy khả năng bà Sara Duterte, với xếp hạng tín nhiệm cao, sẽ tranh cử chức Tổng thống vào năm 2028 và trước hết là củng cố uy tín trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2025. Hiện nay, vai trò Phó Tổng thống của bà Sara Duterte (vốn được bầu riêng biệt với chức vụ Tổng thống) phần lớn chỉ mang tính nghi lễ. Trong khi đó, ông Marcos không đủ điều kiện để tái tranh cử vị trí cao nhất vì Hiến pháp Philippines đặt ra giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống là 6 năm.
“Công chúng sẽ chứng kiến điều đó. Việc chính thức hóa cuộc “ly hôn chính trị” giữa gia đình Marcos và Duterte để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2025 và cuối cùng là cuộc bầu cử tổng thống năm 2028” - ông Bob Herrera-Lim, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn toàn cầu Teneo dự đoán. Cũng theo ông Bob Herrera-Lim, những thay đổi chính trị khó có thể gây ra bất kỳ cuộc khủng hoảng lãnh đạo ngay lập tức nào ở Philippines.
Philippines sẽ tổ chức bầu cử giữa kỳ vào năm 2025 để chọn ra một nửa Thượng viện, bầu ra các nghị sĩ và quan chức địa phương. “Cuộc bầu cử năm 2025 có thể là một cuộc trưng cầu dân ý về việc triều đại nào mạnh hơn. Nó sẽ là dấu hiệu cho thấy gió đang thổi” - học giả Aries Arugay nhận định.
Theo Reuters/SCMP