Lý do không kéo dài giảm thuế VAT đến hết năm 2025

Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, đây cũng là thời điểm kết thúc chính sách giảm thuế VAT 2%.

Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 diễn ra chiều 30/11, báo chí đã đặt một số câu hỏi với ban chủ tọa về vấn đề thuế. Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đại diện trả lời.

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2025. Trả lời câu hỏi vì sao không thực hiện giảm thuế VAT cho cả năm 2025, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, việc giảm 2% thuế VAT theo đề xuất của Chính phủ nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích cầu nền kinh tế. Thời qua qua, Chính phủ đã nhiều lần trình giảm thuế VAT 2% và đã có những tác động tích cực.

Theo ông Tuấn Anh, việc giảm thuế lần này chỉ kéo dài trong 6 tháng đầu năm 2025 vì liên quan đến cân đối ngân sách các địa phương, khi dự toán ngân sách cả năm 2025 đã được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Luật Thuế GTGT) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025. Việc thực hiện giảm 2% thuế VAT đến hết 30/6/2025 phù hợp, thời điểm kết thúc phù hợp với thời điểm thực hiện luật thuế mới.

Liên quan đến đề xuất giảm thuế cho cơ quan báo chí - được nhiều đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 8, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, khi thực hiện sửa đổi Luật Thuế GTGT, Chính phủ đã bám sát chiến lược cải cách thuế, giảm các diện không chịu thuế cũng như thuế suất 5%, để tiến đến thực hiện một mức thuế suất.

“Một số đại biểu Quốc hội đề nghị đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí cần giảm thuế suất. Tuy nhiên, chúng ta cũng xã hội hóa rất nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, báo chí. Qua rà soát, xem xét thì việc thực hiện chiến lược cải cách thuế sau này sẽ áp chung một mức thuế suất, không còn ưu đãi thuế nữa. Thông lệ quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế đã khuyến nghị chúng ta rất nhiều lần là việc ưu đãi thuế không đảm bảo tính công bằng. Do đó việc hỗ trợ thì sẽ không hỗ trợ qua thuế,” ông Tuấn Anh nói.

Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Về đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đã giao cho Chính phủ khi có biến động về CPI trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên đã từ lâu, Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này.

Đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng ý rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay so với thời điểm điều chỉnh trước đây đã có nhiều thay đổi. Trong quá trình làm việc với cơ quan soạn thảo, các cơ quan Quốc hội đã có ý kiến nghiên cứu sửa đổi.

Tuy nhiên thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung vào việc sửa các lĩnh vực vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Luật Thuế GTGT vừa thông qua đã điều chỉnh ngưỡng chịu thuế GTGT từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ đồng bộ để giảm ngưỡng chịu thuế với các hộ, cá nhân sản xuất kinh doanh.

“Liên quan giảm trừ gia cảnh, khi sửa luật sẽ trình các mức điều chỉnh. Tuy nhiên theo thẩm quyền thì Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh,” ông Vũ Tuấn Anh thông tin.

Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, doanh thu tính thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh... trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đối với mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cho rằng các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới. Cơ quan này đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ly-do-khong-keo-dai-giam-thue-vat-den-het-nam-2025-36161.html
Zalo