Lưu ý quan trọng giúp du khách sống sót khi tàu du lịch gặp nạn

Trang bị kỹ năng ứng phó khi tàu chìm giúp du khách giữ bình tĩnh, xử lý đúng cách và tăng cơ hội sống sót trong các chuyến du lịch bằng tàu thủy.

Khi tham gia các tour du lịch bằng tàu thủy, việc nắm rõ nguyên tắc an toàn là điều tối quan trọng. Không chỉ giúp bảo vệ tính mạng trong trường hợp khẩn cấp, các kỹ năng ứng phó còn giúp du khách giữ bình tĩnh và xử lý tình huống đúng cách.

Trước khi lên tàu: Đừng chủ quan
Theo Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS), du khách cần chủ động tìm hiểu thông tin cơ bản về tàu mình sẽ đi: tàu có bao nhiêu lối thoát hiểm, vị trí của áo phao, xuồng và bè cứu sinh. Đồng thời, nên kiểm tra tình hình thời tiết và cảnh báo của điểm đến trước hành trình.

Một chuyên gia từ đơn vị du lịch TTW lưu ý: “Ngay khi lên tàu, du khách phải đảm bảo áo phao luôn ở gần mình để có thể mặc ngay nếu gặp sự cố.”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong suốt hành trình: Lắng nghe và ghi nhớ hướng dẫn
Khi tàu xuất phát, nhân viên sẽ phổ biến quy tắc an toàn. Du khách cần đặc biệt chú ý đến:

Vị trí thiết bị cứu sinh và lối thoát hiểm.

Khu vực cấm ra vào.

Cách sử dụng áo phao và phao bè.

Khi gặp sóng to, gió lớn, hãy bám chắc tay vịn hoặc vật cố định, giữ bình tĩnh và tránh hoảng loạn.

Khi tàu chìm: Giữ bình tĩnh và hành động theo hướng dẫn
Nếu không may tàu gặp sự cố nghiêm trọng, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh. Nếu đi tàu lớn, thời gian chìm thường kéo dài, cho phép du khách chuẩn bị các vật dụng như áo phao, bè cứu sinh, ván gỗ, can nhựa...

Hãy đứng về phía đối diện bên tàu nghiêng để giữ thăng bằng và kéo dài thời gian tàu bị ngập nước. Nếu đang ở khoang dưới, hãy tìm mọi cách để thoát ra, có thể phá cửa nếu cần thiết.

Khi buộc phải nhảy xuống nước:

Nhảy thẳng theo chiều gió, tránh nhảy ở bên tàu đang chìm.

Bơi ra xa tàu để tránh bị hút vào dòng xoáy, nhưng không nên bơi quá xa vị trí tàu để thuận tiện cứu hộ.

Cố gắng bám vào vật nổi như gỗ, can nhựa, mảnh ván.

Nếu không có thiết bị nổi, có thể tự chế phao cứu sinh bằng quần: buộc chặt hai ống quần, giơ lên cao, vung xuống mặt nước để tạo túi khí giữ nổi.

Gửi tín hiệu cầu cứu
Ngay khi có thể, hãy phát tín hiệu bằng còi, giọng nói, gương, kính, điện thoại hoặc bất kỳ vật phản chiếu nào. Ban đêm, có thể dùng đèn, pháo sáng (nếu có) để tăng khả năng được phát hiện.

Trong lúc chờ cứu hộ, nên giữ ấm bằng tư thế nổi giảm thoát nhiệt (HELP): khoanh tay trước ngực, co đầu gối, ngả người để giữ đầu nổi. Tránh vùng vẫy mạnh vì dễ mất sức, dẫn đến chìm nhanh hơn.

Nếu trôi dạt hoặc mắc kẹt ở đảo hoang
Khi mắc kẹt giữa biển hoặc dạt vào đảo không người, cần bình tĩnh định hướng. Có thể quan sát chim biển để xác định hướng đất liền – đặc biệt là vào buổi chiều khi chim bay về tổ.

Nếu thiếu nước, có thể dùng vải để hứng nước mưa hoặc vắt nước từ cây cỏ. Tuyệt đối không ăn nếu chưa có nước vì cơ thể sẽ càng mất nước nhanh hơn.

Với vật liệu sẵn có như dây giày, kẹp tóc, mảnh nhựa, có thể chế tạo cần câu cá hoặc bẫy bắt chim. Rong biển cũng là nguồn thực phẩm có thể tận dụng.

Hãy luôn tìm cách báo hiệu cho tàu thuyền qua lại: xếp chữ SOS, dùng gương hoặc màn hình điện thoại để phản chiếu ánh sáng, sẵn sàng dùng pháo sáng hoặc khói nếu phát hiện tàu/máy bay gần đó.

Xuân Vũ (T/H)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/luu-y-quan-trong-giup-du-khach-song-sot-khi-tau-du-lich-gap-nan-20302.html
Zalo