Luồng gió mới ở cơ sở

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều cán bộ tỉnh, huyện (cũ) chuyển về các xã, phường mới nhận nhiệm vụ. Thay đổi môi trường, điều kiện làm việc, họ không chỉ mang theo trình độ, kinh nghiệm mà quan trọng hơn đó là tinh thần sẵn sàng phục vụ nhân dân, tạo 'luồng gió mới' cho cơ sở.

Gần dân, sát việc

Trước khi đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh, ông Đỗ Văn Sơn là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo cũ. Đây là xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Nà Sáy, Mường Thín, Mường Khong và Chiềng Sinh; trong đó, 3 xã Nà Sáy, Mường Thín, Mường Khong là những xã đặc biệt khó khăn. Điều kiện hạ tầng, đời sống nhân dân và khả năng tiếp cận dịch vụ công còn hạn chế. Đó là nỗi trăn trở mà ông Đỗ Văn Sơn đã xác định trước khi về địa bàn.

Người dân khu vực Mường Thín bày tỏ sự tin tưởng đối với hoạt động của chính quyền xã Chiềng Sinh mới.

Người dân khu vực Mường Thín bày tỏ sự tin tưởng đối với hoạt động của chính quyền xã Chiềng Sinh mới.

Ngay trong những ngày đầu chính thức nhận nhiệm vụ, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Sơn đã liên tiếp chủ trì các cuộc họp “không bàn nghị sự” để nghe cán bộ, công chức xã, thôn, bản chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; trao đổi về những “cái thuận” và “cái khó” ở địa bàn. Trên cơ sở đó thẳng thắn bày tỏ quan điểm, “hiến kế” cho lãnh đạo địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với thực tế.

Trong hơn 10 ngày qua, ông Sơn cùng tập thể lãnh đạo xã đã liên tiếp tổ chức các đoàn công tác về cơ sở, vừa để nắm địa bàn, mặt khác kịp thời ghi nhận, tháo gỡ các vấn đề “nóng”, như: Tình hình mưa lũ, sạt lở; tiến độ, vướng mắc, khó khăn trong triển khai làm nhà cho hộ nghèo, sản xuất cây trồng; gặp mặt nguyên cán bộ, công chức, người hoạt động bán chuyên trách các xã cũ...

Ông Đỗ Văn Sơn chia sẻ: “Gần như bộ khung lãnh đạo xã Chiềng Sinh hiện nay cơ bản đều được điều chuyển từ huyện cũ về, do vậy chưa thể nắm chắc tình hình thực tế, cũng như phong tục, tập quán tại cơ sở, nhất là địa bàn lại rộng hơn rất nhiều. Với quyết tâm không để gián đoạn công việc, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phải bám, nắm địa bàn. Chỉ có hiểu cơ sở, hiểu dân thì mới đưa ra các quyết sách phù hợp, lãnh đạo, điều hành mới hiệu quả và đặc biệt là tạo dựng được lòng tin với nhân dân”.

Với tư tuy “Dù ở cương vì nào, đã là cán bộ luôn phải xác định là công bộc của dân. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp thì càng phải cần tinh thần này”, ngay khi rời “ghế” Chủ tịch UBND huyện Mường Chà (cũ), về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Pồn, ông Hà Quốc Thịnh đã quán triệt, phổ biến tinh thần này đến toàn thể cán bộ, công chức địa phương.

Không chỉ dừng lại ở việc khảo sát, ông Thịnh đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác xuống các bản để nắm tình hình, lắng nghe người dân và rà soát lại các điểm “nghẽn” phát triển. Điều này giúp lãnh đạo xã không chỉ hiểu đúng vấn đề mà còn nhận diện rõ trách nhiệm cần hành động. Từ nghe dân nói đến làm cho dân thấy - đó là bước chuyển trọng tâm mà Mường Pồn xác định trong phương pháp lãnh đạo giai đoạn sắp tới.

Ông Hà Quốc Thịnh (người đầu ảnh), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Pồn cùng đoàn công tác đi thực tế tại bản Cò Chạy 2.

Ông Hà Quốc Thịnh (người đầu ảnh), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Pồn cùng đoàn công tác đi thực tế tại bản Cò Chạy 2.

Mới đây, Bí thư Đảng ủy Hà Quốc Thịnh cùng đoàn cán bộ xã khảo sát thực tế tại bản Cò Chạy 2. Đường về bản không xa song lại nhiều đoạn cách trở bởi mưa lũ, sông suối. Hình ảnh đoàn cán bộ xã quần xắn cao vượt suối, lưng áo đẫm mồ hôi về bản đã để lại nhiều ấn tượng với đông đảo đảng viên và nhân dân địa phương.

Ông Tòng Văn An, Trưởng bản Cò Chạy 2 tâm sự “Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó trả lời, tháo gỡ một số vướng mắc cho bà con nhân dân, đồng thời định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm. Điều đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận là không còn khoảng cách, những cuộc nói chuyện cởi mở, thăm hỏi, lắng nghe tận tâm của cán bộ xã đã giúp người dân tin tưởng hơn vào bộ máy chính quyền mới”.

Then chốt của then chốt

Tinh thần bắt nhịp mô hình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng “gần dân, sát việc” hiện đang lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh. Bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, cán bộ xã, phường từng bước bám sát cơ sở. Từ những trao đổi tại khuôn viên nhà văn hóa hay trên mô hình sản xuất; khảo sát các tuyến đường, cụm dân cư... đã giúp cấp chính quyền cơ sở nắm bắt cụ thể hơn những vấn đề tồn tại lâu nay, như: Việc triển khai các chương trình, dự án, mô hình phát triển, chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự xây dựng, cải tạo hạ tầng... nhanh chóng được đưa vào kế hoạch xử lý.

Việc điều động cán bộ cấp trên về xã, phường không chỉ là bước sắp xếp lại tổ chức, mà là chuyển biến về tư duy lãnh đạo, từ chỉ đạo hành chính sang phục vụ. Chính sự gần dân, gắn bó với cơ sở là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Mường Mùn tặng quà cho người dân bản Thẩm Táng.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Mường Mùn tặng quà cho người dân bản Thẩm Táng.

Những năm qua, mặc dù đội ngũ công chức cấp xã không ngừng trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của địa phương, nhưng trước đòi hỏi rất cao của cấp xã mới, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã hiện tại phải tự hoàn thiện rất nhiều. Trong số đó, một số người thậm chí còn chưa thành thạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa thành thạo giải quyết công việc trên môi trường mạng. Chưa kể, một số nơi còn nặng tư tưởng, tác phong “lãnh đạo địa phương”, lề lối làm việc chậm sửa đổi. Bởi vậy, tồn đọng nhiều vụ việc chậm giải quyết hoặc gây mất niềm tin trong một bộ phận người dân.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện (cũ) được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó nhiều đồng chí kinh qua các chức vụ, vị trí công tác, có đủ trình độ, kinh nghiệm để gánh vác, vận hành bộ máy cấp xã mới với quy mô lớn hơn, chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc điều chuyển biên chế cấp huyện về cấp xã và tăng cường cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh về thì thực tế nguồn nhân lực ở cấp xã hiện nay cơ bản vẫn là cấp xã cũ. Từ những đòi hỏi khách quan của thời cuộc, thì lãnh đạo nhiều xã mới hiện nay đều cho rằng, cán bộ, công chức cấp xã hiện tại cũng phải nỗ lực “nâng trình” để không bị bỏ lại phía sau và không rời cuộc khi thực hiện rà soát, tinh giản biên chế trong 5 năm.

Muốn phục vụ nhân dân tốt hơn, cần phải có cán bộ tốt. Nhìn vào thực tế thời gian vừa qua có thể thấy, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với tổ chức bộ máy, cán bộ mới, gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn là chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết.

Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/chinh-tri/luong-gio-moi-o-co-so
Zalo