Lục bình 'bủa vây' kênh, rạch cản trở tưới tiêu, vận chuyển nông sản ở Vĩnh Long

Lục bình phủ kín các kênh, rạch ở xã Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long khiến việc tưới tiêu, vận chuyển nông sản bị gián đoạn nghiêm trọng khi bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu.

Những ngày này, nhiều hộ dân ở xã Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long đang phải gồng mình đối phó với tình trạng lục bình mọc dày đặc, phủ kín các tuyến kênh, rạch - nơi vốn là nguồn cung cấp nước tưới và là tuyến giao thông thủy quan trọng. Đây cũng là thời điểm bà con bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu nên gặp nhiều khó khăn.

Lục bình, thuộc họ Bèo Tây (Pontederiaceae), là loài thực vật trôi nổi trên mặt nước, có tốc độ sinh sản rất nhanh.

Lục bình, thuộc họ Bèo Tây (Pontederiaceae), là loài thực vật trôi nổi trên mặt nước, có tốc độ sinh sản rất nhanh.

Tại xã Châu Thành tỉnh Vĩnh Long, địa phương có hơn 408 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 300 ha là đất trồng lúa. Hệ thống kênh cấp 1, 2 và 3 nối liền các ấp, các xã đã bị lục bình phủ kín, gây tắc nghẽn dòng chảy thủy lợi nghiêm trọng. Cụ thể, tuyến kênh cấp 1 dài khoảng 2.000 m, 5 tuyến kênh cấp 2 dài hơn 1 km và 6 tuyến kênh cấp 3 dài hơn 2 km đều bị lục bình "bủa vây".

Hệ thống giao thông thủy phục vụ mùa màng bị lục bình "bủa vây"

Hệ thống giao thông thủy phục vụ mùa màng bị lục bình "bủa vây"

Lục bình là loài thực vật thuộc họ bèo Tây này có tốc độ sinh sản rất nhanh trong môi trường nước ngọt giàu dinh dưỡng đặc biệt là vùng đồng bằng có nhiều phù sa như miền Tây Nam Bộ.

Người dân địa phương cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng lục bình mọc dày đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, khiến việc lấy nước tưới ruộng phải dùng máy bơm công suất lớn.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bơm cũng gặp khó khăn do lục bình làm tắc ống dẫn, khiến máy phải tắt mở liên tục, giảm hiệu quả tưới tiêu.

Lục bình gây kẹt cứng các con kênh, rạch

Lục bình gây kẹt cứng các con kênh, rạch

Hàng trăm hộ dân ở các ấp như Bàu Sơn đang bước vào vụ lúa Hè Thu. Tại đây, khoảng 105 ha lúa chuẩn bị thu hoạch với các giống Đài Thơm, Gà, Hàm Châu… Tuy nhiên, do kênh bị nghẽn lục bình, ghe chở lúa không vào được ruộng, thương lái lợi dụng tình hình để ép giá.

Chị Thạch Thị Phượng, ngụ ấp Bàu Sơn, chia sẻ: “Tôi có 60 công ruộng sắp thu hoạch nhưng lục bình dày quá, thương lái không vào được, ép giá còn 5.500 đồng/kg, họ nói nếu giao thông tốt họ mới trả hơn".

Chị Thạch Thị Phượng lo lắng trước việc giá lúa giảm do lục bình

Chị Thạch Thị Phượng lo lắng trước việc giá lúa giảm do lục bình

Chị Sơn Thị Kha Mau một hộ dân có 20 công ruộng nói với phóng viên: “Lục bình dày đặc, nước khan, bơm nước không vào được. Đến khi thu hoạch, không có ghe, tôi phải thuê người khiêng từng bao ra ngoài. Tính ra chi phí quá cao, nhiều hộ đành bỏ ruộng”.

Người dân cho biết, một phần nguyên nhân khiến lục bình lan nhanh là do sau mùa khô, nhiều hộ nuôi cá cắm chà giữ lục bình để tạo bóng mát cho cá trú ẩn. Sau khi thu hoạch, họ thả trôi lục bình ra kênh. Cùng với đó, nước thải sinh hoạt và sản xuất từ thượng nguồn đổ về mang theo lượng lớn dinh dưỡng hữu cơ, khiến lục bình sinh sôi mất kiểm soát. Nhiều hộ dân đã áp dụng biện pháp như vớt bằng vợt thủ công, nhưng hiệu quả không đáng kể.

Bà Sơn Thị Sa cố công đánh vật với đám lục bình nhưng cũng chẳng thể khơi thông được đoạn kênh

Bà Sơn Thị Sa cố công đánh vật với đám lục bình nhưng cũng chẳng thể khơi thông được đoạn kênh

Một số người dân tận dụng lục bình để làm thức ăn cho vịt hoặc bán cho các cơ sở đan lát. Bà Sơn Thị Sa Bích (ấp Bàu Sơn) cho biết, mỗi ngày bà cắt được khoảng 10 bao lục bình, mỗi bao 10 kg, bán tươi được 1.000 đồng/kg; nếu phơi khô bó cuộn có thể bán 15.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, các biện pháp tận dụng này chỉ có tác động rất nhỏ, không thể giải quyết được tình trạng lục bình tràn lan toàn tuyến kênh.

Lục bình phơi khô để dệt, hoặc làm dây buộc

Lục bình phơi khô để dệt, hoặc làm dây buộc

Lục bình phơi khô bó cuộn có thể bán 15.000 đồng/kg

Lục bình phơi khô bó cuộn có thể bán 15.000 đồng/kg

Theo ông Thạch Phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Sơn tình trạng lục bình kéo dài khiến nước không thể lưu thông, gây tắc nghẽn tưới tiêu và gia tăng chi phí sản xuất. Một số đoạn kênh gần như bị bít kín, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Ông Phương cho biết: “Mỗi mùa vụ, người dân phải mất rất nhiều công sức vớt lục bình. Nếu thuê ghe nhỏ, chi phí vận chuyển tăng cao. Tình trạng nước ứ đọng còn khiến muỗi phát triển, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và người già”.

Ông Thạch Phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Sơn

Ông Thạch Phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Sơn

Trước thực trạng này, người dân địa phương kiến nghị chính quyền cần vào cuộc hỗ trợ, tổ chức lực lượng thu gom và tiêu hủy lục bình định kỳ, kết hợp tuyên truyền để người dân không xả lục bình ra sông sau mùa vụ. Đồng thời, cần đầu tư thiết bị cơ giới chuyên dụng để vớt và xử lý lục bình quy mô lớn, tránh để người dân phải tự loay hoay xử lý thủ công, kém hiệu quả.

Việc kiểm soát nguồn thải sinh hoạt và sản xuất đổ ra sông, kênh cũng cần được siết chặt, nhằm giảm dinh dưỡng trong nước yếu tố chính thúc đẩy lục bình sinh sôi. Nếu không có giải pháp căn cơ, nguy cơ mất mùa, lúa ứ đọng, thiệt hại kinh tế cho nông dân sẽ ngày càng trầm trọng chưa kể đến những hệ lụy lâu dài về môi trường và đời sống dân sinh.

CTV Trí Trần/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/luc-binh-bua-vay-kenh-rach-can-tro-tuoi-tieu-van-chuyen-nong-san-o-vinh-long-post1217854.vov
Zalo