Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp
Một trong những điểm mới của Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Khi trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp sẽ góp phần tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, giúp phát huy và sử dụng hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Giới thiệu về Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật lần này thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) với nhiều nội dung đổi mới, được kỳ vọng sẽ mang lại thay đổi tích cực cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu. Ảnh H. Ngọc
Luật xác định rõ đối tượng áp dụng, trong đó bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp; tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ Ngân hàng chính sách (không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như Luật số 69/2014/QH13).
Đồng thời, tại điều khoản thi hành có quy định tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên được áp dụng Luật này để thực hiện việc quản lý và đầu tư vốn của tổ chức tại doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, quản lý vốn của các tổ chức này.
Luật quy định chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm trên nguyên tắc minh bạch, hiệu quả, theo cách thức thông thường như các chủ sở hữu khác.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng cho biết, Luật xác định Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn nhà nước.
Để khơi thông nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp nhà nước, Luật đã có sự rà soát, bổ sung phạm vi đầu tư vốn nhà nước thành lập doanh nghiệp để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bao quát các lĩnh vực cần đầu tư vốn nhà nước và bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ về phạm vi đầu tư vốn nhà nước trong từng thời kỳ.
Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước dưới mức dự án quan trọng quốc gia và đầu tư từ các nguồn khác. Đồng thời, xác định rõ các hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp cũng như nguồn vốn, tài sản để đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Cắt giảm 30% số thủ tục hành chính
Luật cũng có các quy định tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo đó, đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, luật phân cấp mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, bảo lãnh cho công ty do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vay vốn; ban hành, điều chỉnh chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu nhà nước giao.
Đồng thời, quyết định đầu tư sau khi hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công hoặc pháp luật đầu tư, quyết định dự án đầu tư, khoản đầu tư có giá trị trên 50% vốn chủ sở hữu nhưng không quá mức cụ thể theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người lao động, các chức danh quản lý của doanh nghiệp; thông qua báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp; bổ sung quy định về việc cho công ty con vay vốn và nâng mức trích tối đa vào Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp từ 30% hiện nay lên 50% lợi nhuận sau thuế.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, việc quản lý vốn nhà nước đầu tư được thực hiện thông qua Người đại diện phần vốn nhà nước. Phân cấp cho Người đại diện phần vốn nhà nước chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền, chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.
Thông tin thêm tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước - Bộ Tài chính Nguyễn Thu Thủy cho biết, “theo quy định của Luật mới, quyền của doanh nghiệp được nâng cao thêm một bước”.
Nếu trước đây chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hàng năm do cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành, thì tại Luật lần này, doanh nghiệp được trao quyền chủ động ban hành chiến lược phát triển, có thể 5 năm, 10 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm. Qua đó, tháo gỡ vướng mắc về việc chậm trễ trong ban hành chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hàng năm, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với quyền huy động vốn, Phó Cục trưởng Nguyễn Thu Thủy cũng nêu rõ, Luật mới trao quyền cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tự quyết định phương án huy động vốn và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả. Trường hợp huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo để cơ quan đại diện chủ sở hữu theo dõi, giám sát thay vì phải xin phê duyệt như trước đây.
Về quyền quyết định dự án và khoản đầu tư, Luật đã tháo gỡ vướng mắc hiện nay, đó là khi các dự án đầu tư đạt đến một giá trị nhất định phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để chấp thuận, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc triển khai. Do vậy, Luật đã trao nhiều quyền hơn cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có nhiều quyền hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư.
“Nếu dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư hoặc các luật chuyên ngành (như Luật Dầu khí, Luật Điện lực), thẩm quyền sẽ thực hiện theo các luật đó và không phải báo cáo lên cơ quan đại diện chủ sở hữu, chỉ những trường hợp ngoài các quy định này mới thực hiện theo Luật mới”, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết. Cùng với đó, “khi trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp sẽ góp phần tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, giúp phát huy và sử dụng hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.
Luật xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bổ sung quy định về các hình thức cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bao quát các trường hợp đã phát sinh trên thực tế và dự kiến phát sinh, như: chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản của doanh nghiệp; chuyển giao quyền mua cổ phần, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước từ cơ quan đại diện chủ sở hữu sang doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các trường hợp chuyển giao khác theo quy định của Chính phủ.
Xác định ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp khi giải thể mà nguồn thu không đủ để giải quyết các tồn tại tài chính và chi phí giải thể.
Luật tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng với việc phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Luật bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bổ sung quy định Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty không được tiếp tục làm người đại diện chủ sở hữu trực tiếp khi thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Luật cắt giảm 30% thủ tục hành chính so với Luật số 69/2014/QH13 như: trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo tài chính; chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm; báo cáo cấp có thẩm quyền về việc huy động vốn có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, về khoản vay nước ngoài; cắt giảm các thủ tục thông qua việc tăng cường phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2025.