Luật Nhà giáo là niềm vui của hàng triệu thầy cô và những người quan tâm đến giáo dục

Hơn 800.000 người tham gia góp ý, gần 100 hội thảo, hội nghị quy mô lớn là những con số ấn tượng liên quan đến quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.

.t1 { text-align: justify; }

Chiều ngày 17/7/2025, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra Hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo. Hội nghị không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường hình thành và hoàn thiện một văn bản pháp luật quan trọng, mà còn là cơ hội để tôn vinh những nỗ lực, tâm huyết của các cá nhân, tập thể đã đồng hành, đóng góp trí tuệ trong suốt quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.

Dự hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; đại diện các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục; các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Về phía các đơn vị, tổ chức quốc tế, có sự tham gia trực tuyến của ông Carlos Vargas - Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030.

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Luật Nhà giáo là kết quả của trí tuệ tập thể

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn đối với ngành giáo dục và đào tạo nói riêng và với đất nước nói chung. Đặc biệt, Luật Nhà giáo là niềm vui không chỉ của hơn 1 triệu nhà giáo mà còn là niềm vui chung của tất cả những người quan tâm đến giáo dục.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Tại hội nghị, nhìn lại chặng đường xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc trách nhiệm, đầy tâm huyết sâu sát của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp…; sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ, trách nhiệm từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.

Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các cơ sở giáo dục đại học; Ban soạn thảo, Tổ biên, các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục; sự chung tay góp sức quý báu của tất cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đã đồng sức, đồng lòng, tận tâm, tận lực đóng góp công sức, thời gian, tâm huyết để ngành Giáo dục có được một đạo luật riêng dành cho đội ngũ nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, chủ trương sớm, việc biên soạn và trình Luật Nhà giáo đã được ghi rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 91-KL/TW, tạo căn cứ chính trị vô cùng quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị và trình Luật.

Tại các buổi thảo luận ở Tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những ý kiến lưu ý về việc xây dựng Luật Nhà giáo. Trong đó nhấn mạnh, Luật Nhà giáo ban hành phải đem lại niềm vui, sự động viên, hứng khởi đối với đội ngũ nhà giáo. Đây được xem sự động viên, khích lệ to lớn đối với những người có trách nhiệm xây dựng Luật Nhà giáo.

Khẳng định Luật Nhà giáo là công cụ để phát triển nhà giáo, Bộ trưởng cho biết: “Có những lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua nhưng không thể không phát triển lực lượng nhà giáo. Vì vậy, trong quá trình xây dựng luật thì khẩu hiệu là xây dựng luật để phát triển lưc lượng nhà giáo. Và, điều gì đạt mục tiêu này thì cố gắng làm”.

Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm: “Tôi có niềm tin rất to lớn, không phải chúng ta đưa luật vào cuộc sống mà luật chính từ cuộc sống chắt lọc ra. Vì vậy, với công cụ quan trọng đã có, Luật là công cụ sắc bén, chắc chắn làm chỗ dựa để phát triển đội ngũ nhà giáo”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có gần 100 hội thảo, hội nghị quy mô lớn để xin ý kiến về Luật; 20 cuộc làm việc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp;

Hơn 800.000 nhà giáo tham gia góp ý trực tiếp đối với dự thảo Luật; khoảng 30 cuộc họp giữa Tổ thường trực với các chuyên gia và khoảng 150 cuộc họp của Tổ thường trực.

Chia sẻ về quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng các cách thức khác nhau, với từng giai đoạn cụ thể trong quy trình xây dựng Luật.

 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh: "Luật Nhà giáo là kết quả của trí tuệ tập thể, được xây dựng bằng tâm huyết và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân. Luật thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phát triển đội ngũ nhà giáo và đổi mới giáo dục; đồng thời phản ánh sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi từ Trung ương đến địa phương, từ giới chuyên môn đến cử tri và nhân dân cả nước".

Luật Nhà giáo thể hiện vai trò, trách nhiệm của nhà nước

Cũng tại hội nghị, ông Carlos Vargas, Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 nhận định Luật Nhà giáo là bước ngoặt đột phá, là khung pháp lý toàn diện, mang lại nhiều giá trị phát triển về chuyên môn và sự nghiệp cho đội ngũ nhà giáo.

Ông Carlos Vargas khẳng định, UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng, ban hành các văn bản, điều kiện để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới thông qua việc hoạch định các chính sách, thúc đẩy học tập suốt đời, tăng cường chuyên môn, kết nối mạnh lưới đội ngũ nhà giáo…

Gửi lời chúc mừng đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận định: việc ban hành dự án luật nhà giáo là một thành công lớn nhưng để đưa Luật nhà giáo vào thực tiễn cuộc sống sẽ là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi phải sự phải có sự quyết tâm cao độ.

“Điều này không chỉ tuyên truyền, không chỉ là xây dựng những văn bản hướng dẫn thi hành mà quan trọng hơn là chúng ta phải có những đánh giá từ thực tiễn, có những điều chỉnh kịp thời để chính sách hợp lý nhất đến được với các nhà giáo, giúp cho các nhà giáo phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà”, bà Mai Hoa nói.

 Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội phát biểu. Ảnh: Xuân Phú

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội phát biểu. Ảnh: Xuân Phú

Trong khi đó, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo đã khó, nhưng khi triển khai đưa Luật vào cuộc sống còn là chặng đường khó khăn hơn. Đưa ra ví dụ về sự chồng chéo, không hợp lý của một số Luật đang sửa đổi, bổ sung, ông Tiến lưu ý cần phải bảo đảm tất cả tuân theo một đầu mối để xác định, đảm bảo quyền quản lý thống nhất của ngành Giáo dục đối với đội ngũ nhà giáo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Luật Nhà giáo sẽ trở thành động lực lớn để sinh viên đang rèn luyện dưới mái trường sư phạm phấn đấu lâu dài. Các em sẽ thấy nghề nghiệp của mình được định hình rõ hơn, tương lai ổn định hơn, công việc được tôn vinh nhiều hơn. Từ đó, nhiều học sinh, sinh viên có năng lực, có tư chất sẽ mong muốn trở thành nhà giáo.

Niềm tin vào Luật Nhà giáo sẽ hiệu quả trong thực tiễn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ vinh dự khi đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành Luật Nhà giáo. Quan điểm của ông Vinh về việc tổ chức thực hiện Luật là sau khi ban hành Luật thì sẽ kiến tạo được những gì mới hơn, tốt hơn cho sự phát triển của nhà giáo, tạo thêm bước tiến gì cho nền giáo dục, cho sự nghiệp phát triển con người của đất nước. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của ban hành Luật.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

 Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh về 6 bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, đó là: xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phạm vi đối tượng áp dụng của Luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán và thông suốt; công tác phối hợp phải chủ động, chia sẻ và hết sức thấu hiểu; phát huy trí tuệ tập thể, tham khảo đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng; cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, giải trình một cách thuyết phục, có thực tiễn, có lý luận; triển khai công tác truyền thông hiệu quả.

 Trong ảnh là 3 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng Luật Nhà giáo (từ trái sang phải) gồm: Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ

Trong ảnh là 3 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng Luật Nhà giáo (từ trái sang phải) gồm: Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ

Tại hội nghị, 2 tập thể và 63 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng Luật Nhà giáo.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/luat-nha-giao-la-niem-vui-cua-hang-trieu-thay-co-va-nhung-nguoi-quan-tam-den-giao-duc-post252915.gd
Zalo