Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Bước đi chiến lược cho điện hạt nhân an toàn và bền vững

Mới đây, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 9 Luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Trong đó đáng chú ý là Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) - một đạo luật quan trọng đặt nền móng pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Luật hóa nền tảng cho phát triển điện hạt nhân

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật, bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Đường sắt; đặc biệt là Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã giới thiệu khái quát nội dung và tinh thần đổi mới của Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Được Quốc hội thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối (99,9%) vào ngày 27/6/2025, đạo luật này không chỉ sửa đổi, bổ sung mà còn tái cấu trúc toàn diện hệ thống pháp lý điều chỉnh lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Luật gồm 73 điều, chia thành 8 chương, điều chỉnh các nội dung từ phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đến bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, quản lý nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, ứng phó sự cố, bồi thường thiệt hại, thanh sát hạt nhân và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước.

Đây là bước thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển điện hạt nhân như một giải pháp điện nền quan trọng, thân thiện môi trường, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Những điểm mới mang tính đột phá

Điện hạt nhân là thành phần chiến lược trong an ninh năng lượng quốc gia

Luật lần đầu tiên khẳng định rõ vai trò của điện hạt nhân như một thành tố chiến lược trong quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Không chỉ là nguồn điện nền ổn định, điện hạt nhân còn được xác định là “điện xanh”, có tiềm năng đóng góp lớn vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Điểm mới quan trọng là Luật đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để tái khởi động các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam, đặc biệt là dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với công nghệ hiện đại như lò phản ứng thế hệ III+, IV và lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) - loại hình đang được quốc tế đánh giá cao về tính linh hoạt và độ an toàn.

Quản lý toàn diện vòng đời nhà máy điện hạt nhân

Luật dành một chương riêng để quản lý toàn bộ vòng đời của nhà máy điện hạt nhân - từ khảo sát địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành cho đến ngừng hoạt động, tháo dỡ. Các quy định này được thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn khắt khe của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đảm bảo Việt Nam hội nhập sâu vào cơ chế giám sát quốc tế.

Tăng cường giám sát, thanh sát độc lập

Một chương riêng về thanh sát hạt nhân lần đầu được đưa vào luật, thể hiện cam kết sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phù hợp với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Luật cũng làm rõ vai trò của Cơ quan An toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia - một tổ chức độc lập với chức năng giám sát kỹ thuật, cấp phép, ứng phó sự cố xuyên suốt vòng đời các cơ sở hạt nhân.

Khuyến khích xã hội hóa và làm chủ công nghệ

Luật mở rộng không gian cho xã hội hóa, đặc biệt trong các ứng dụng năng lượng nguyên tử ngoài phát điện như y tế, nông nghiệp, công nghiệp... Thay vì bao cấp toàn diện, Luật phân loại rủi ro để có chính sách hỗ trợ hợp lý, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học công nghệ.

Một điểm nhấn đáng chú ý là định hướng nội địa hóa và làm chủ công nghệ hạt nhân. Luật nêu rõ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hạt nhân trong nước, ưu tiên đầu tư chế tạo thiết bị quan trắc, đánh giá an toàn, tiến tới làm chủ lò phản ứng SMR và công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới.

Chuyển đổi số toàn diện trong quản lý năng lượng nguyên tử

Luật đặt yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về năng lượng nguyên tử, tạo lập hạ tầng số cho các hoạt động cấp phép, giám sát, thanh tra, báo cáo và kiểm soát xuất nhập khẩu vật liệu hạt nhân. Đây là bước đi tất yếu để hiện đại hóa công tác quản lý, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính minh bạch.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là kết quả của quá trình nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế, phản ánh quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng hiện đại, an toàn, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về phi hạt nhân hóa và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, cùng áp lực về an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, đạo luật này sẽ là công cụ pháp lý then chốt để hiện thực hóa chiến lược phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, một nguồn năng lượng xanh, ổn định và phù hợp với xu thế công nghệ mới.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/luat-nang-luong-nguyen-tu-sua-doi-buoc-di-chien-luoc-cho-dien-hat-nhan-an-toan-va-ben-vung-730003.html
Zalo