Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần tạo điều kiện để đại học phát huy vai trò dẫn dắt

Để thay đổi liên quan đến tổ chức hội đồng trường, cần hiểu rõ triết lý về mô hình phát triển giáo dục ĐH trong thời gian tới.

Tại dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, vùng.

Về vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội đồng trường là tổ chức quản trị cao nhất trong nhà trường

. Phóng viên: Ý kiến của Giáo sư như thế nào về những thay đổi liên quan đến tổ chức hội đồng trường trong dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến?

+ GS-TSKH Nguyễn Đình Đức: Quy định về hội đồng trường đã có từ lâu, nhưng tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, quy định và vai trò của hội đồng trường liên quan đến tự chủ đại học đã có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, mang lại tác động rất lớn.

Để nhận định hay đưa ra những thay đổi liên quan đến tổ chức hội đồng trường, cần hiểu rõ triết lý về mô hình phát triển giáo dục đại học trong thời gian qua và xu hướng phát triển trong kỷ nguyên mới.

Căn cứ Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017, các đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới tự chủ, và quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Và chính vì để quản trị theo mô hình doanh nghiệp, cần có một hội đồng trường - có vai trò như hội đồng quản trị, có địa vị pháp lý rất quan trọng, trên ban giám hiệu để quyết những vấn đề lớn của nhà trường. Ban giám hiệu triển khai thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường.

 GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Thời gian qua, kể từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực, hội đồng trường là một trong những trụ cột quan trọng để các trường đại học thực quyền tự chủ. Đây là tổ chức quản trị cao nhất trong nhà trường, quyết định các vấn đề chiến lược. Hội đồng trường được tổ chức và hoạt động hiệu quả thì trường đại học mới thực hiện thành công tự chủ đại học, mới có động lực và nguồn lực để phát triển.

Theo quy định tại Nghị định 99 triển khai Luật giáo dục đại học sửa đổi, hội đồng trường có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, quyết định chiến lược phát triển nhà trường, quyết định chỉ tiêu, học phí, ngân sách đầu tư, nhân sự, chế độ chính sách, phê duyệt vị trí việc làm, thành lập mới cũng như tách, nhập hoặc giải thể các đơn vị trong trường; chủ tịch hội đồng trường chủ trì các phiên họp hội nghị cán bộ chủ chốt của nhà trường... qua đó cho thấy vai trò, vị trí thiết yếu và vô cùng quan trọng của hội đồng trường đại học.

Trong bối cảnh hiện nay, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu. Nhờ tự chủ đại học mà thời gian qua, các trường đã phát huy được vai trò chủ động, năng động của mình, mang lại nguồn lực rất tốt.

Tự chủ đại học có ý nghĩa then chốt và quan trọng, cần phải tiếp tục được phát huy. Vai trò của hội đồng trường trong trường đại học đang ngày càng được khẳng định. Chính vì thế, tại dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi mới đây, đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng là không có cơ sở.

. Giáo sư nhìn nhận như thế nào về việc tổ chức hội đồng trường trong thời gian qua? Theo ông, một hội đồng duy nhất ở cấp đại học quốc gia có thể đảm bảo được việc điều hành hiệu quả cho tất cả các trường thành viên hay không, khi quy mô và đặc thù mỗi trường rất khác nhau?

+ Trên thực tế, việc tổ chức hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục công lập đang gặp 3 tình trạng phổ biến.

Thứ nhất, hội đồng trường và ban giám hiệu đoàn kết, thực hiện đúng vai, khi đó cộng hưởng sức mạnh lãnh đạo và phát huy rất tốt, giúp nhà trường phát triển, bứt phá từng ngày.

Tự chủ đại học trong thời gian qua được nhiều trường công lập thực hiện thành công, thực sự đã như luồng gió mới thúc đẩy giáo dục đại học phát triển, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của hội đồng trường.

Thứ hai, hội đồng trường và ban giám hiệu chưa thực sự đoàn kết, còn có sự mẫu thuẫn. Những trường có tình trạng này khó có thể phát triển được.

Thứ ba, hội đồng trường do một người trong ban giám hiệu được cử ra để làm chủ tịch, thường là phó hiệu trưởng. Trong trường hợp này, vai trò của hội đồng trường hoạt động khá hình thức, khiến hội đồng trường chưa được phát huy đúng mực.

Vấn đề tồn tại hạn chế rất lớn hiện nay nằm ở việc các quy định về bầu, chọn chủ tịch hội đồng trường chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Việc hiểu và ban hành các quy định và vai trò của hội đồng trường và đảng ủy, ban giám hiệu của các bộ ngành chưa thực sự thống nhất.

Do đó, rất cần tổng kết đánh giá để hoàn thiện hơn nữa mô hình tổ chức và hoạt động của hội đồng trường trong thời gian tới.

Việc chỉ tồn tại một hội đồng duy nhất ở cấp đại học quốc gia, bỏ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên trong xu thế tự chủ đại học là không hợp lý, không phù hợp với bối cảnh hiện nay, không tạo điều kiện để các trường đại học thành viên phát triển, đồng thời đi ngược lại với xu thế phát triển chung.

Mỗi trường đại học có một thế mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực, có trường mạnh, có trường chưa thực sự năng động… Trường nào năng động, mạnh thì cần được tạo điều kiện để phát triển, bứt phá trước.

Thực tiễn cho thấy chỉ một hội đồng duy nhất ở cấp đại học, tưởng là để thống nhất, nhưng thực tế không thể bao quát, hiểu sâu sát, hiểu rõ thực trạng, đặc thù để có thể điều hành hiệu quả cho từng trường đại học thành viên.

Thầy và trò Viện Trí tuệ nhân tạo - Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội trong một buổi nghiên cứu đề tài. Ảnh: UET

Thầy và trò Viện Trí tuệ nhân tạo - Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội trong một buổi nghiên cứu đề tài. Ảnh: UET

Cần tạo điều kiện để các trường tự chủ mạnh hơn

. Trong bối cảnh đại học Việt Nam đang chuyển sang tự chủ mạnh, theo Giáo sư, đâu là yếu tố cốt lõi cần giữ vững trong mô hình quản trị?

+ Đối với mô hình đại học 2 cấp, quản trị đại học cần được thay đổi. Các trường đại học thành viên giờ đã phát triển, hoàn chỉnh, có uy tín, vị thế (university), không nên bỏ hội đồng trường để quay trở lại thành trường (college).

Đối với mô hình đại học quốc gia - có sứ mệnh tạo điều kiện đổi mới, kiến tạo cho các trường đại học và các đơn vị thành viên, có vai trò tiên phong và nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của nước nhà, thì càng cần được tạo điều kiện để tự chủ mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa so với thời gian trước đây và so với các đại học khác.

Không thể đánh đồng vai trò, vị trí của đại học quốc gia trong khái niệm đại học nói chung.

Từ năm 2012 đến nay, qua các lần sửa đổi, Luật Giáo dục đại học vẫn luôn có một điều riêng (Điều 8) về Đại học Quốc gia.

Do đó, khi chuyển về trực thuộc Bộ GD&ĐT, đại học quốc gia phải thực hiện theo tất cả các quy chế của Bộ GD&ĐT, thì nội dung này cũng nên được nghiên cứu kỹ hơn.

Để phát triển trong bối cảnh mới, 2 đại học quốc gia cần được trao quyền tự chủ cao hơn trước, như: được quyền ban hành quy chế đào tạo của mình, quyền thực hiện các mô hình đào tạo mới, các chương trình đào tạo mới thí điểm chưa từng có trong tiền lệ… để thực hiện sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt, trụ cột trong hệ thống giáo dục đại học. Nếu bỏ quyền này thì 2 đại học quốc gia khó mà phát triển được.

Theo quy định của Chính phủ, kể từ ngày thành lập đến nay, đại học quốc gia có quyền thí điểm những mô hình đào tạo, phương thức và chương trình đào tạo mới mà chưa có trong danh mục đào tạo chính thức của nhà nước. Nhờ quy định này, 2 đại học quốc gia trong những năm qua cũng đã có những sự phát triển, nhiều ngành học mới được đáp ứng kịp thời.

Trong vấn đề tổ chức nhân sự, đại học quốc gia cũng cần có cơ chế đặc thù: bổ nhiệm cán bộ; giữ chân nhân tài là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành; quy định về mức học phí dựa theo định mức kinh tế kỹ thuật…

Những quy định này đã góp phần giúp hai đại học quốc gia phát triển rất tốt, cần tiếp tục được duy trì.

. Liên quan đến mô hình quản trị đại học, Giáo sư có góp ý, gợi mở nào đối với dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi?

+ Tôi cho rằng điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này không phải là vấn đề bỏ hội đồng trường.

Mà phải đổi mới và đột phá trong tư duy xây dựng luật, Các quy định mới cần được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết 57 khẳng định khoa học công nghệ là then chốt, là chiếc đũa thần để đất nước vươn mình, bứt phá trong kỷ nguyên mới, đồng thời khẳng định rõ vai trò then chốt của nhà khoa học.

Tại Việt Nam, khoảng 90% nhà khoa học làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Chỉ riêng số lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội đã lớn hơn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học có vị trí, vai trò rất quan trọng, cần được thực hiện quyền tự chủ, tạo điều kiện để phát triển. Các trường đại học không cất cánh, giáo dục đại học không cất cánh thì không thể thực hiện thành công Nghị quyết 57.

Do đó, đối với Luật Giáo dục đại học sửa đổi tới đây và các luật liên quan khác, các bộ ngành nên đổi mới tư duy, nhận thức và thống nhất trong các văn bản quy định, để tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học và các giảng viên - nhà khoa học tự chủ, phát huy tốt nhất, nhanh nhất năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 57.

Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục đại học và các nghị định liên quan phải thực sự kiến tạo và dẫn dắt, tạo điều kiện nhanh nhất, thuận lợi nhất cho các trường đại học phát triển, góp phần để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, để nhanh chóng đáp ứng kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ có 5-10 lĩnh vực phát triển thuộc top 30 thế giới; sẽ có những trường đại học của Việt Nam và đại học quốc gia lọt top 50- 100 trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới trong 5-10 năm tới.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

THANH TÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-giao-duc-dh-sua-doi-can-tao-dieu-kien-de-dai-hoc-phat-huy-vai-tro-dan-dat-post859550.html
Zalo