Luật Điện lực (sửa đổi): Quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân

Chiều 30/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 91.65% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).

Quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân

Trước đó, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 81 điều (giảm 49 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành).

Trong đó, về phát triển điện hạt nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, chính sách quy định cụ thể về đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân đã được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử.

Do vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu, thống nhất với ý kiến Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân. Các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử, các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại khoản 3, khoản 13 Điều 5, Điều 17.

Trong đó làm rõ việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt của hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nguồn năng lượng tái tạo, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trường hợp khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đáp ứng đủ điều kiện, thì được áp dụng các cơ chế ưu đãi để đầu tư xây dựng điện năng lượng tái tạo theo quy định của Luật này.

Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định, hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm.

Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.

Về quy định chung phát triển điện gió ngoài khơi, UBTVQH nhận thấy, hiện nay trên thế giới chưa có định nghĩa và phân loại thống nhất về ĐGNK. Dự thảo Luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm 2 đối tượng: Dự án điện gió gần bờ và dự án điện gió ngoài khơi.

Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện

Đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, UBTVQH thấy rằng, việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Hiện nay, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Đối với bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện.

Việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (như tiến độ thực hiện và mức độ tái cơ cấu ngành Điện, các chính sách/công cụ về tài chính khả thi để thực hiện giảm bù chéo...), cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể; việc quy định để thực hiện xóa bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi.

Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện.

Luật được thông qua quy định, giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.

Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với nhóm khách hàng sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia, hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện.

Giá bán buôn điện theo hợp đồng mua buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận theo quy định tại điểm e khoản 12 Điều 5 của Luật này.

Theo Luật, Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân...

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/luat-dien-luc-sua-doi-quy-dinh-chung-ve-quy-hoach-phat-trien-dien-hat-nhan-181343.html
Zalo