Luật Đấu thầu sửa đổi: Vì sao gọi là 'cuộc cách mạng' trong đấu thầu?

Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ tháo gỡ nhiều 'nút thắt' trong đầu tư công. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho rằng đây là một bước chuyển lớn, tạo ra không gian linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện dự án, nhưng cũng đòi hỏi các chủ đầu tư phải 'nâng mình lên' để đáp ứng yêu cầu mới.

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi thông tin với ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông TPHCM quanh những thay đổi quan trọng sau khi áp dụng Luật đấu thầu sửa đổi.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về Luật đấu thầu sửa đổi vừa chính thức có hiệu lực?

Tôi cho rằng đây là một sự thay đổi rất lớn, có thể xem như là một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực đấu thầu. Có hai điểm nổi bật nhất:

Thứ nhất là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, từ Chính phủ đến các chủ đầu tư, được giao nhiều quyền hơn trong lựa chọn nhà thầu.

Thứ hai, luật Đấu thầu (sửa đổi) tạo ra không gian xử lý công việc linh hoạt hơn, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, điều mà trước đây thường mất rất nhiều thời gian.

Hai thay đổi này hướng đến mục tiêu cuối cùng là để rút ngắn thời gian xử lý công việc, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu.

 Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Vậy những điểm mới nào cụ thể khiến ông gọi đây như là cuộc “cách mạng”?

Có nhiều điểm đáng chú ý, nhưng tôi xin nhấn mạnh mấy nội dung sau:

Trước đây, chỉ định thầu là một cơ chế khá “chặt”, ít tình huống áp dụng. Giờ đây, luật mới đã mở rộng ra 9 loại hình chỉ định thầu và Chính phủ sẽ quyết định những hạn mức cụ thể, linh hoạt.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu cũng sẽ không “đóng khung” mà sẽ thực hiện theo nguyên tắc, giúp chủ đầu tư chủ động hơn rất nhiều trong tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, một điểm rất “đột phá” là bỏ quy định về “số ngày tối thiểu” trong các bước tổ chức đấu thầu. Những điều này giúp cho chủ đầu tư trong thực hiện dự án linh hoạt hơn và mỗi khi dự án dừng thì không phải phải xin ý kiến rồi chờ hướng dẫn này kia như trước đây.

 Nếu vận dụng hiệu quả cơ chế mới, các dự án giao thông tại TPHCM sẽ rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà thầu. Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn

Nếu vận dụng hiệu quả cơ chế mới, các dự án giao thông tại TPHCM sẽ rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà thầu. Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn

Ông có thể chia sẻ rõ hơn những bất cập của quy trình cũ mà luật mới đã tháo gỡ?

Trước đây, để phê duyệt lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải làm quy trình qua nhiều bước: báo cáo sở chuyên ngành, có đơn vị thẩm định, rồi lấy ý kiến, sau đó trình lên UBND TP hoặc sở.

Trong nhiều trường hợp, phải hỏi ý kiến khoảng chừng 5 sở và các địa phương liên quan. Việc này gây mất thời gian, đôi khi có thể kéo dài chừng 2-3 tháng. Trong khi đó, giai đoạn thi công chỉ cần chậm một tháng thôi đã rất vất vả rồi!

Giờ đây, chủ đầu tư được giao quyền phê duyệt lựa chọn nhà thầu, thì chắc chắn quy trình sẽ nhanh hơn nhiều, không để phí thời gian như trước.

Vậy việc phân quyền mạnh mẽ như vậy có đặt ra yêu cầu gì mới cho các chủ đầu tư không, thưa ông?

Chắc chắn có. Khi thẩm quyền được giao nhiều hơn thì trách nhiệm cũng phải cao hơn. Chủ đầu tư không thể làm theo kiểu cũ được nữa.

Trước hết là phải “nâng mình lên” - về năng lực, đội ngũ, quy trình nội bộ. Từ việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, xây dựng tiêu chí, đến cách tổ chức đấu thầu - đều phải chặt chẽ, bài bản, minh bạch.

Tại TPHCM, hiện Ban giao thông chúng tôi đang triển khai 100% đấu thầu qua mạng để đảm bảo tối đa tính công khai và khách quan.

Bên cạnh đó, TPHCM hiện nay cũng đang giao cho các sở cùng với các chủ đầu tư nghiên cứu, xây dựng kỹ hơn những cái khung tiêu chuẩn, những tiêu chí trong quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc nếu sau này chỉ định thầu thì cũng phải chặt chẽ.

Với những thay đổi này, ông kỳ vọng điều gì trong thời gian tới đối với các dự án giao thông ở TPHCM?

Tôi tin rằng, nếu vận dụng hiệu quả cơ chế mới, các dự án giao thông tại TPHCM sẽ rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà thầu. Điều đó sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu lãng phí.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, cơ chế mới là một cơ hội - nhưng cũng là một “áp lực” lớn cho các chủ đầu tư.

Đối với Ban Giao thông TPHCM thì đây là sự thay đổi rất lớn và chắc chắn khi vận dụng trong thực tiễn sẽ giúp rút ngắn hơn rất nhiều quá trình thực hiện các quy trình lựa chọn nhà thầu; chắc chắn hiệu quả sẽ được nâng cao hơn, thời gian triển khai dự án từ đó cũng sẽ được rút ngắn lại.

Xin cám ơn ông!

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luat-dau-thau-sua-doi-vi-sao-goi-la-cuoc-cach-mang-trong-dau-thau-post1763828.tpo
Zalo