Lửa hoa núi Pác Rằng

Lần đầu tiên chúng tôi được nghe nói tới người dân tộc Nùng An ở Cao Bằng. Họ ở rải rác trong huyện Quảng Uyên và Trùng Khánh nhưng phần lớn tập trung ở xã Phúc Sen. Riêng ở chân dãy núi Pác Rằng thì toàn bộ dân làng ở đây đều là người Nùng An. Hơn nữa, đây là địa bàn người Nùng cổ nổi tiếng với nghề rèn đúc vũ khí, dao kiếm. Bản làng chạy dài theo dãy núi Pác Rằng, cách thành phố Cao Bằng 30 cây số và có trục đường quốc lộ chạy qua.

Vào làng dao kéo Nùng An

Sau khi vượt đèo Mã Phục 7 tầng gấp khúc, chúng tôi thở phào khi thấy bóng dáng những cô gái thấp thoáng bên đường. Vạt áo chàm thiếu nữ đung đưa theo chiều gió hút dưới chân đèo Mã Phục hòa cùng nhịp chuông trên cổ ngựa vui reo. Những cô gái cùng đoàn ngựa chở hàng sắt thép về thôn Pác Rằng. Phía trước, ánh lửa hừng hực của những lò rèn cùng tiếng quai búa rộn ràng níu chân chúng tôi bên đường. Làng rèn Pác Rằng hiện ra phía trước tựa một dãy phố nghề dọc trục đường Quốc lộ số 3. Đây là địa chỉ trung gian đi về hai hướng đông và tây Cao Bằng. Một đường về thành phố tỉnh và hướng ngược lại lên Trùng Khánh đi Bản Giốc.

Lửa hoa lò rèn Phúc Sen.

Lửa hoa lò rèn Phúc Sen.

Khi dạo qua các cửa hàng, chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì thấy những phụ nữ quai búa bên lò lửa rực cháy. Họ vung tay búa đập xuống những thanh thép đỏ hồng vừa nung qua lò. Người chủ thợ ra những nhịp gõ trên đe để vợ hay con gái đập búa chính xác vào vật rèn. Dần dần những vật dụng thành hình như dao, liềm hay xẻng cuốc… Ít ai có thể lường được sức mạnh của những phụ nữ Nùng An nơi đây. Họ rắn rỏi, mạnh mẽ và làm mọi việc bên lò than rực hồng như những người đàn ông thực thụ.

Chúng tôi càng thêm bất ngờ khi một ông chủ lò rèn biểu diễn tiết mục chém những thanh sắt bằng con dao phay của mình. Trước đó, một người đã lấy con dao bổ rất mạnh xuống một khúc gỗ lớn để thử thách độ sắc lưỡi thép. Vật liệu rèn các công cụ tại Phúc Sen đều là thép (nhíp ô tô) chứ không phải là những vật liệu sắt phế thải nên có độ sắc nước và cứng chắc. Có người còn dùng con dao phay cắt ngang một tờ giấy để khoe độ sắc ngọt của lưỡi dao thép. Kỹ thuật rèn của người thợ Pác Rằng có những bí mật về con mắt đo sắc độ lửa và nước tôi thép mà không nơi nào có được.

Điều thú vị trong mỗi cửa hàng còn là sự nhịp nhàng ăn ý của những người phụ nữ khi quai búa. Họ biết điều tiết lực đập theo tín hiệu của người thợ cả. Đó chính là nhạc điệu của ngọn lửa hồng bập bùng bên chân núi Pác Rằng suốt ngày đêm. Xa xưa, người thợ lò rèn của Nùng An đã từng chế tác dao kiếm cho đội quân của vua Nùng Chí Cao để đánh lại giặc Tống.

Tính ra, nghề rèn đúc ở Phúc Sen có thể đã xuất hiện gần ngàn năm trước. Không gian rừng núi người Nùng An rộng lớn còn lưu dấu những di tích lò rèn cổ hàng trăm năm bên dãy núi Pác Rằng. Khách hàng tới đây đặt làm nông cụ và dao kéo rất sầm uất. Những đoàn xe tải khắp nơi đi qua cất hàng đưa về các vùng miền phía bắc. Đường về Pác Rằng luôn nhộn nhịp với sắc hoa báo hiệu xuân về: "Rừng cây xanh lao xao/ Hoa nở mùa hò hẹn/ Lời giao duyên ngọt tím/ Bên lửa hồng vui reo" (dân ca Nùng).

Những ông "Thạch hoàng" canh giữ bình yên

Chúng tôi được dẫn vào thôn nơi biên ải này với bao điều mới lạ và thú vị. Những nếp nhà sàn cũ với sắc độ thời gian tàn phai gợi cảm trong mỗi bước đi bên suối nước trong veo. Phúc Sen có hơn 2.000 dân sinh sống. Tuy ở khoảng giữa thành phố và thị trấn nhưng người dân Nùng An nơi đây vẫn giữ được cốt cách và phong vị của tập tục quê hương. Họ vừa là nông dân cần cù trên nương rẫy đồng thời là những người thợ rèn tài hoa bao đời nay.

Thêm một bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy ngôi nhà nào cũng có tượng chó đá ở trước cửa. Đó là biểu tượng thần hộ vệ cho cuộc sống bản làng và mỗi gia đình ở đây. Mỗi nhà đều có một tượng "Linh cẩu" hay gọi là "Hoàng Thạch" với kiểu dáng khác nhau. Mọi gia đình tự điêu khắc và tạo hình tượng bằng đá khuân từ trên núi về. Nếu gia đình nào không làm được thì ra chợ mua hay thuê đục tượng "Linh cẩu" theo dáng mình muốn cho hợp với nếp nhà riêng. Sau đó, để tạo dựng nơi trú ngụ cho thần linh canh giữ bình an, mọi người đều mời thầy cúng về làm lễ đặt tượng. Khi đó thần linh sẽ luôn ở bên gia đình bảo vệ cuộc sống bình an cho bản làng.

Người Nùng và Tày ở Cao Bằng luôn coi trọng biểu tượng "Linh cẩu" với tâm niệm: "Chó nhà coi trộm. Chó đá coi ma". Họ luôn coi "Ma mới là linh hồn" của đời người. Khúc mộng ca trong bản đàn tính với hình ảnh linh thiêng nơi biên viễn xa xôi luôn ám ảnh: "Ngôi sao rụng trong cơn mê ngủ/ Chó đá ngồi canh gió rêu xanh/ Trở mình nằm nghe con mắt thức/ Tơ nhện giăng mành dệt mộng trăng". (Mắt đêm). Vậy là thần linh luôn luôn thao thức trấn giữ không cho hồn ma bóng quỷ hiện về.

Cửa hàng dao kéo nông cụ ở Phúc Sen.

Cửa hàng dao kéo nông cụ ở Phúc Sen.

Chính vì thế, chuẩn bị đón cái tết, người Nùng An bao giờ cũng quan tâm tới việc chăm sóc "Hoàng Thạch" đầu tiên. Tình cờ chúng tôi gặp được bà Lương Thị Vin ở Bản Khao trên dọc đường thôn. Bà đang lau chùi cho tượng "Linh cẩu" trước cửa nhà. Bà xởi lởi nói, ngày rằm nào các gia đình trong bản đều thắp hương và cúng thức ăn cho "Linh cẩu". Tuy chỉ là hình thức mang tính tượng trưng nhưng lòng người gia chủ phải hết sức thành tâm dâng hương. Khi đó thần linh mới thiêng và phù hộ cho mọi người trong gia đình.

Bà cho biết trước ngày cuối năm (30 Tết), thần "Linh cẩu" phải được tắm rửa bằng nước suối trên núi sạch sẽ. Sau đó gia chủ còn "mặc áo" cho thần bằng một tấm giấy đỏ dán trên lưng. Tiếp theo là thắp hương dâng lễ mời thần linh về ăn Tết và hưởng lộc với gia chủ sau một năm trời bình yên và no đủ.

Trong các phiên chợ bán tượng chó đá trên chợ đèo Mã Phục hay dọc đường vào cuối năm bao giờ cũng sôi động. Người Nùng An thường dùng những chiếc đục và dao của mình đẽo chó đá rất nuột nà. Hình chó đá thường được tạc dáng ngồi phục với tư thế sẵn sàng vồ mồi. Riêng đôi mắt "Linh cẩu" luôn mở to với thần thái sắc lạnh, canh chừng mọi hiểm nguy. Các chàng trai vừa đục tượng vừa hát đôi với người yêu trong ngày hội. Họ dặn dò bạn tình rằng hãy yên tâm chờ đợi và đừng sợ gì trong đêm tối vì đã có "Linh cẩu" phù hộ. Lời ca thiết tha bên đèo: "Anh đi, hồn anh vẫn mãi mãi ở lại cuối nhà em/ Nếu em có nghe lá rụng thì đừng giật mình em nhé". Nghe như đôi mắt "Linh cẩu" luôn soi rọi quanh vùng canh giữ cho những cuộc hẹn hò tình yêu.

Ký ức một thuở hào hùng

Càng đi sâu vào những thôn liền kề của xã Phúc Sen, chúng tôi càng thêm bất ngờ. Đó là những con đường đá cùng những ngôi nhà đá và giếng đá rải rác khắp nơi. Đáng chú ý, đó còn là dấu tích của hệ thống thủy lợi xây bằng đá từ thời nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng (1593-1677) vẫn được bảo tồn tới ngày nay. Những người Nùng An sớm hình thành tính cách mạnh mẽ và sáng tạo trong quá trình sớm đi vào công nghệ chế tác vũ khí như gươm, giáo, mác. Hơn nữa, vùng đất quanh dãy núi Pác Rằng còn gần với mỏ sắt lớn nên việc cung cấp nguyên liệu đúc rèn hết sức thuận lợi.

Đặc biệt, trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, những người thợ rèn Phúc Sen sớm tham gia chế tác vũ khí cho lực lượng kháng chiến. Chuyện thật khó tin khi vào giai đoạn nóng bỏng của công cuộc cách mạng, người dân Phúc Sen đã chế tác cả súng đại bác. Khi đó, mỗi người thợ rèn Nùng An là một chiến sĩ. Hàng trăm người chia nhau đi khắp nơi thu gom nguyên liệu sắt thép. Ngày ngày họ gùi sắt thép vượt qua đèo Mã Phục để đưa về lò nung.

Đó là khẩu pháo đại bác đầu tiên của lực lượng cách mạng quân đội ta tại chiến khu đông bắc. Đó là chiến công không tưởng của những người thợ rèn Nùng An nơi đây. Những lời ca luôn vang dội trên con đèo hiểm trở với niềm tự hào của người Nùng An: "Mã Phục là đây ta băng qua/ Đoàn xe vượt mọi cánh rừng già/ Luồn qua vách đá và hang núi/ Kéo pháo lên đường trong tiếng ca" ("Qua đèo cao" - Vũ Tiến) .

Vương Tâm

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lua-hoa-nui-pac-rang-i751110/
Zalo