Lựa chọn 'xanh hóa': Lối đi tất yếu cho doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng

Lựa chọn tất yếu cho những doanh nghiệp Việt đứng đầu chuỗi cung ứng trong lúc này là phải tiên phong chuyển đổi xanh lĩnh vực sản xuất. Nhất là trước các quyết định mua hàng hay trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước và quốc tế ngày càng gây nhiều áp lực về hành động xanh, các doanh nghiệp càng phải dẫn dắt việc cải tiến quy trình 'xanh hóa' một cách mạnh mẽ hơn.

Nói về quá trình tích cực chuyển đổi của doanh nghiệp (DN) Việt để thích ứng các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, ông Hoàng Công Trang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn TH, nói rằng những phương pháp tiếp cận tương tự như ESG (môi trường, xã hội và quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn nữa mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các DN.

Điều cần thiết trước quyết định mua hàng

Liên hệ thực tế ở DN của mình, vị tổng giám đốc này cho biết trong năm 2024 công ty đã đăng ký chỉ tiêu EPR (C&R) là 6.100 tấn bao bì. Còn hồi năm 2023, chỉ số phát thải của công ty giảm 20%/đơn vị sản phẩm, cao hơn mức giảm của năm trước. Bình quân phát thải trên một đơn vị sản phẩm tại nhà máy chế biến sữa giảm mạnh còn 0,09 kg CO2/lít sữa, mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở khu vực Đông Nam Á.

Các nhà thu mua của Nhật Bản dành sự quan tâm đến những sản phẩm tái chế thân thiện môi trường do DN Việt sản xuất.

Như chia sẻ của ông Trang, khi đặt mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế - chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay Quy định Chống phá rừng của EU…

“Các tiêu chuẩn mới đang càng ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường khi đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi quyết định hợp tác, đầu tư. Ngoài ra, những năm gần đây chúng tôi còn tăng cường các hoạt động nhằm giảm phát thải, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng, tăng hấp thụ khí nhà kính, giảm rác thải nhựa thông qua việc lắp pin mặt trời và sử dụng điện mặt trời, trồng cây, vá rừng, thu gom bao bì sau sử dụng”, vị tổng giám đốc của TH nói.

Không riêng gì DN nêu trên, với những DN nội địa đứng đầu trong chuỗi cung ứng thì việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững cũng là lựa chọn tất yếu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó giám đốc, tư vấn chuỗi cung ứng của KPMG Việt Nam và Campuchia, cho rằng việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là điều cần thiết cho DN Việt để đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ và thúc đẩy một ngành công nghiệp xanh.

“Trong đó, việc hoạt động hợp pháp, có đạo đức và có trách nhiệm cao chưa đồng nghĩa với việc có một chuỗi cung ứng bền vững. Việc này đòi hỏi DN phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực môi trường và xã hội”, bà Yến chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo vị phó giám đốc này, việc đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực của nhà cung cấp để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi cần có sự giám sát và cải thiện hiệu suất nhà cung cấp bằng cách xác định KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), đặt mục tiêu hiệu suất và đảm bảo việc tuân thủ của nhà cung cấp về các vấn đề môi trường và xã hội. Hơn nữa, các DN Việt cần phát triển các công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đứng ở góc độ chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Ts. Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học RMIT) nhấn mạnh các DN đứng đầu chuỗi cung ứng ở Việt Nam cần tiên phong thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực sản xuất.

Nhất là khi yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng. Như tại Việt Nam, theo khảo sát của Rakuten Insight hồi năm 2023, cũng có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững.

Dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh

Theo Ts. Hùng, trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có EU đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này. Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố “thắng đơn hàng” khi xuất khẩu.

Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua (hay người đứng đầu chuỗi cung ứng - supply chain leaders) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những DN dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đơn cử, các nhà bán lẻ quần áo lớn như H&M, Zara và Uniqlo đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam sử dụng bông hữu cơ, giảm tiêu thụ nước, năng lượng và thực hiện tái chế chất thải. Điều này đã khiến các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Như với Uniqlo, vị giám đốc vận hành và giám đốc tài chính của nhà bán lẻ thời trang này tại Việt Nam là ông Akiyama Naoki cho biết hoạt động sản xuất tại Việt Nam với việc giảm tác động đến môi trường đã giúp công ty tối ưu hóa dòng sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chẳng hạn nhiều sản phẩm LifeWear (dòng trang phục giúp cuộc sống con người tốt đẹp hơn) trên toàn cầu của nhà bán lẻ Nhật Bản này với trọng tâm, đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như AIRism, UV Parka, Polo, HEATTECH, Fleece đều được sản xuất ở Việt Nam. Không chỉ vậy, tính đến năm 2024, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 60% sản phẩm của Uniqlo tại các cửa hàng trong nước và đang cố gắng tăng tỷ lệ này lên.

Một câu hỏi cũng được đặt ra với các DN nội địa đứng đầu chuỗi cung ứng là nên bắt đầu từ đâu để “xanh hóa” chuỗi cung ứng? Trong chuyện này, theo Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, điều mà họ cần làm là thiết lập các tiêu chuẩn môi trường và xác định kỳ vọng rõ ràng về hiệu quả hoạt động môi trường đối với các nhà cung cấp, bao gồm các lĩnh vực như khí thải, chất thải, sử dụng nước, tiêu thụ năng lượng…

“DN đứng đầu chuỗi cung ứng cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp để phát triển và triển khai các kế hoạch nhằm giải quyết các thách thức về môi trường đang gặp phải. Các bên có thể cùng tiến hành các buổi tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, song song với việc trau dồi năng lực quản lý môi trường”, vị chuyên gia của RMIT lưu ý.

Ngoài ra, DN đứng đầu chuỗi cung ứng thường là các tập đoàn lớn với nhiều nguồn lực hoặc khả năng tiếp cận chương trình đầu tư tốt hơn. Do vậy, họ có thể hỗ trợ các công ty nhỏ hơn (các nhà sản xuất địa phương) đối mặt với thách thức về chi phí thực hiện chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, danh tiếng của những DN Việt đứng đầu chuỗi cung ứng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp của họ tiếp cận nguồn đầu tư xanh, như trái phiếu xanh hoặc các khoản vay phát triển bền vững.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lua-chon-xanh-hoa-loi-di-tat-yeu-cho-doanh-nghiep-dung-dau-chuoi-cung-ung-1100507.html
Zalo