Lũ tiếp tục lên, nguy cơ sạt lở đất vùng núi từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 9/10, lũ trên sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh), các sông ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lên cao. Lũ ở sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) lên lại.

Cầu An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An (Quảng Nam) bị ngập lũ. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN

Cầu An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An (Quảng Nam) bị ngập lũ. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN

Mực nước tại các sông ở tỉnh Quảng Bình đang dao động ở mức cao. Riêng nước ở các sông ở tỉnh Quảng Nam đang xuống.

Dự báo, từ nay đến hết ngày 9/10, lũ trên sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh), sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và các sông ở Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên. Nước tại các sông ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam tiếp tục xuống.

Cụ thể, vào tối 9/10, mực nước trên sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh) tại Trạm Chu Lễ sẽ lên mức 13,5m, dưới báo động 3 là 0,5m; tại Trạm Hòa Duyệt nước lên mức 8,2m, trên báo động 1 là 0,7m.

Mực nước trên sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) tại Trạm Mai Hóa sẽ xuống mức 3,8m, trên báo động 1 là 0,8m. Nước trên sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) tại Trạm Lệ Thủy sẽ xuống mức 2,6m, trên báo động 2 là 0,4m.

Mực nước trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) tại Trạm Thạch Hãn sẽ lên mức 6,2m, trên báo động 3 là 0,2m; sông Hương (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tại Trạm Kim Long sẽ lên mức 2,0m, ở mức báo động 2.

Mực nước trên sông Vu Gia (tỉnh Quảng Nam) tại Trạm Ái Nghĩa xuống dưới mức báo động 1. Mực nước trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tại Trạm Phú Ốc sẽ lên mức 4,5m, ở mức báo động 3 trong trường hợp Nhà máy Thủy điện Hương Điền xả lũ với lưu lượng 1500-1800m3/s.

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất là cấp 2.

Nước sông Hoài dâng cao gây ra tình trạng ngập sâu ở nhiều nơi trong thành phố Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Hữu Trung - TTXVN

Nước sông Hoài dâng cao gây ra tình trạng ngập sâu ở nhiều nơi trong thành phố Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Hữu Trung - TTXVN

Các chuyên gia cho rằng những biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hòa với biện pháp công trình sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, quy hoạch sử dụng đất.

Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét. Đóng vai trò quan trọng là quy hoạch sử dụng vùng đất hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ lũ quét cao.

Các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch cần được quy hoạch lại kèm lập kế hoạch tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... và nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng./.

Minh Nguyệt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lu-tiep-tuc-len-nguy-co-sat-lo-dat-vung-nui-tu-ha-tinh-den-quang-nam/174049.html
Zalo