Lớp học đặc biệt ở Gia Lai: Viết bằng ánh mắt, vẽ bằng trái tim
Không thể nghe, không thể nói, nhưng các em nhỏ khiếm thính ở lớp thư pháp An Yên vẫn đang kể câu chuyện của mình bằng những nét chữ mềm mại, đầy xúc cảm.
Những điều kỳ diệu nở hoa
Chúng tôi ghé thăm lớp học "Thư pháp An Yên" tại phường Pleiku (tỉnh Gia Lai), nơi mở ra "cánh cửa" hy vọng cho những đứa trẻ khiếm thính đang theo học tại Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật An Yên.
Lớp học nhỏ có khoảng 20 em, chăm chú vẽ nên những nét bút đầu đời. Nhưng khác với lớp học thông thường, nơi đây không có tiếng giảng bài, không có tiếng trả lời.
Chỉ có ánh mắt dõi theo, những cái gật đầu nhẹ, đôi tay múa theo thứ ngôn ngữ im lặng đặc biệt. Mỗi em là một câu chuyện riêng, có em mồ côi mẹ từ nhỏ, có em sống cùng ông bà đã già yếu, có em là con của những lao động nghèo. Nhưng các em có chung một thiệt thòi là không thể nghe, không thể nói như bao bạn bè cùng trang lứa.
Trong không gian ấy, sự lặng im không tạo nên khoảng trống, mà trái lại, được lấp đầy bằng yêu thương: một cái ôm, một ánh mắt trìu mến, một cử chỉ khích lệ. Những nét chữ đầu đời được viết ra bằng ý chí phi thường.
Ở lớp học này, lời nói là thứ không cần thiết, bởi chỉ cần hành động chân thành là đủ để cảm nhận, để sẻ chia và để tin rằng những điều kỳ diệu vẫn đang âm thầm nở hoa mỗi ngày.

Lớp học đặc biệt của những học sinh khiếm thính.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Trần Diễm Trinh, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật An Yên, chia sẻ rằng, điều khiến cô trăn trở nhất không phải là khiếm khuyết về ngôn ngữ của các em, mà là những cảm xúc bị dồn nén, không thể giãi bày.
“Các em không thể nghe, không thể nói, nhưng thị giác lại hoàn toàn bình thường. Khi có điều gì không vừa lòng mà không thể biểu đạt, nhiều em trở nên bức bối, ấm ức, lâu dần ảnh hưởng đến tính cách”, cô Trinh nói.
Theo cô, lớp học không chỉ để dạy chữ, mà còn là không gian để các em được giao tiếp, bộc lộ cảm xúc.
Thư pháp, hội họa là những bộ môn tưởng như trừu tượng, lại trở thành “cánh cửa” giúp các em thể hiện nội tâm bằng hình ảnh và đường nét. Ban đầu chỉ là một thử nghiệm, nhưng bất ngờ là nhiều em có năng khiếu và phản hồi tích cực. Dù con đường này còn nhiều chông gai, nhưng kết quả mang lại luôn khiến cô và các cộng sự ấm lòng.
Trong lớp học ấy, em Phạm Thanh Ngọc (14 tuổi) không thể nghe, cũng chẳng thể nói, vẫn miệt mài luyện từng nét chữ thư pháp. Giao tiếp với chúng tôi qua ngôn ngữ ký hiệu, em ánh lên sự tự tin khi diễn tả về mong muốn của mình: “Em sẽ cố gắng luyện tập để viết thật đẹp".

Lớp học không chỉ là nơi truyền chữ mà còn là không gian để các em được giao tiếp, được thể hiện cảm xúc, được dạy vẽ, dạy thư pháp.
Theo cô Trinh, em Phạm Thanh Ngọc sinh ra đã mang khiếm khuyết bẩm sinh và sớm thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Mẹ em mắc bệnh tâm thần, còn cha là ai thì không ai rõ. Tuổi thơ của Ngọc gắn liền với ông bà ngoại nghèo khó. Khi ông bà già yếu, không còn đủ khả năng chăm sóc, em được chuyển vào một cơ sở từ thiện để tiếp tục cuộc sống và học tập.
Cũng là học viên của lớp thư pháp An Yên, em Nguyễn Quách Cao Kỳ (14 tuổi) chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu với ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Em rất thích học thư pháp. Em đi học đều đặn. Có nét dễ, nét khó, nhưng nhờ đó mà em rèn được tính tỉ mỉ và khả năng tập trung tốt hơn".
Lặng thầm lan tỏa yêu thương
Anh Chu Văn Bình, phụ huynh em Chu Lê Quỳnh An (13 tuổi), xúc động chia sẻ: “An là con đầu lòng của vợ chồng tôi. Hai em sinh đôi sau đều phát triển bình thường. Khi An hơn một tuổi, chúng tôi bắt đầu nhận thấy những biểu hiện bất thường và đã đưa con đi khám, chữa trị khắp nơi, nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả".
Anh Bình cho biết lý do đưa con đến lớp học đặc biệt này: “Tôi chỉ mong con được vui vẻ, có bạn bè cùng lứa để chia sẻ sở thích. Nhìn con chăm chú luyện từng nét chữ thư pháp, tôi thực sự xúc động và biết ơn những người đã mở ra lớp học này".

Mỗi học sinh tại lớp học mang một câu chuyện gia đình khác nhau, nhưng tất cả đều chung một nỗi thiệt thòi.
Lớp Thư pháp An Yên do anh Trần Ngọc Dũng cùng một số thành viên của Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku sáng lập và duy trì từ tháng 4/2024 đến nay. Lớp hoạt động đều đặn vào sáng thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần, trở thành điểm đến quen thuộc, giàu yêu thương cho những đứa trẻ đặc biệt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Ngọc Dũng bộc bạch: “Lớp học được duy trì với mong muốn lan tỏa nghệ thuật thư pháp đến nhiều người, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật.
Tôi hy vọng các em có thể tìm thấy niềm vui từ những điều giản dị, từ đó nuôi dưỡng niềm tin, hun đúc ý chí và nghị lực để vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống".
Anh Dũng cho biết, với người bình thường, việc học thư pháp đã là hành trình đầy thử thách; với những em nhỏ khiếm thính, mọi thứ càng gian nan hơn gấp bội. Vì vậy, người dạy luôn phải tìm cách truyền đạt sao cho thật dễ hiểu, dễ thực hành.
“Chúng tôi đến với các em bằng tình yêu thương và chỉ có yêu thương mới đủ kiên trì để đồng hành, để truyền dạy trong những lớp học đặc biệt như thế này", anh Dũng xúc động nói.