Lỗi thường gặp khi cập nhật sinh trắc học và cách khắc phục

Trong quá trình cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng, người dùng đôi khi gặp phải một số lỗi nhất định. Dưới đây là một số lỗi thường gặp và cách khắc phục.

Ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết trong quá trình cập nhật sinh trắc học, có thể khách hàng sẽ gặp một ít khó khăn liên quan đến việc đọc chip trên căn cước công dân (CCCD).

Cụ thể, một số thiết bị không hỗ trợ NFC dẫn đến việc ứng dụng ngân hàng không đọc được thông tin trong chip CCCD của khách hàng. Trong trường hợp này, khách hàng cần đến ngân hàng để đăng ký sinh trắc học.

Cũng theo ông Bình, việc tìm kiếm vị trí đọc NFC trên mỗi điện thoại, đặc biệt là điện thoại có hệ điều hành Android đang khiến nhiều người dùng khó khăn. Bởi các dòng điện thoại này đa dạng và phong phú, nên tùy vào từng hãng điện thoại sẽ có vị trí đọc NFC khác nhau. Để khắc phục hạn chế này, Sacombank đã có hướng dẫn cụ thể trên màn hình ứng dụng cũng như các đoạn clip ngắn để thuận tiện nhất cho khách hàng.

 

Để kiểm tra điện thoại có NFC hay không, người dùng vào phần cài đặt của máy và làm theo thao tác dưới đây:

Theo các chuyên gia công nghệ, vị trí thẻ đọc NFC trên các dòng điện thoại iOS mới nhất thường nằm ở mặt lưng, phần đầu, kế bên camera sau như: iPhone XR, XS, XS Max, 11, 11 Pro, 11 Pro Max, 12, 12 Mini, 12 Pro, 12 Pro Max, 13, 13 Mini, 13 Pro, 13 Pro Max, 14, 14 Max.

Vị trí thẻ đọc NFC trên điện thoại Android có thể khác nhau tùy theo từng hãng sản xuất và dòng máy cụ thể. Tuy nhiên, nó thường được đặt ở mặt lưng điện thoại. Đây là vị trí phổ biến nhất để đặt thẻ đọc NFC trên điện thoại Android. Trong khi đó, một số dòng điện thoại Android đặt thẻ đọc NFC dưới pin, thường được che bởi nắp lưng. Và một số ít điện thoại Android khác đặt thẻ đọc NFC bên cạnh cổng sạc.

Bên cạnh lỗi về điện thoại, nhiều trường hợp khó cập nhật sinh trắc học còn liên quan tới chip trên thẻ CCCD, có thể bị bẩn hoặc hư hỏng. Người dùng cần vệ sinh thẻ CCCD hoặc liên hệ ngân hàng để được hỗ trợ.

Xác thực bằng sinh trắc học áp dụng cho các giao dịch trực tuyến (online) trên ngân hàng số với giá trị và hạn mức theo quy định.

Xác thực bằng sinh trắc học áp dụng cho các giao dịch trực tuyến (online) trên ngân hàng số với giá trị và hạn mức theo quy định.

Đại diện Sacombank cho biết với sự hỗ trợ của công hệ hiện đại, khách hàng rất dễ dàng trong việc tự đăng ký sinh trắc học trên ứng dụng Sacombank Pay. Hầu hết khách hàng của ngân hàng này đều có thể tự cập nhật thành công trong ít phút. Một số trường hợp như khách lớn tuổi, khách hàng không có thiết bị hỗ trợ NFC hay trường hợp đặc biệt khác chỉ cần đem CCCD gắn chip/Căn cước đến các điểm giao dịch sẽ được nhân viên của hỗ trợ.

Ông Trần Thái Bình khuyến cáo tất cả khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng nên thực hiện xác thực sinh trắc học bởi theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng một lần hoặc trên 20 triệu đồng trong một ngày, người dân bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học.

Việc xác thực sinh trắc học sẽ giúp người dân chủ động bảo vệ được tài khoản ngân hàng của mình; đồng thời đảm bảo các giao dịch diễn ra liền mạch và thông suốt. Hơn nữa, biện pháp xác thực này sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống lừa đảo, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản do tội phạm công nghệ gây ra.

"Xác thực sinh trắc học trên ứng dụng tài chính tạo thêm một lớp bảo vệ vững chắc cho tài khoản ngân hàng của khách hàng. Điều này có nghĩa là chỉ sinh trắc học đã được xác thực mới có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn, đảm bảo an toàn tài chính tối đa cho khách hàng", ông Bình nhấn mạnh.

Tại Sacombank, các giao dịch chuyển tiền vượt 10 triệu đồng/lần hoặc cộng dồn vượt 20 triệu đồng/ngày cần được xác thực thêm bằng sinh trắc học.

Tại Sacombank, các giao dịch chuyển tiền vượt 10 triệu đồng/lần hoặc cộng dồn vượt 20 triệu đồng/ngày cần được xác thực thêm bằng sinh trắc học.

Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó quy định khách hàng bắt buộc xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử của các ngân hàng như: Chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số...

Nhằm hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin, nhiều điểm giao dịch của ngân hàng mở cửa làm việc cả trong các ngày cuối tuần. Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã bố trí nhân sự hỗ trợ thu thập sinh trắc học vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật (tức 29 và 30/6) tại tất cả các điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc để hỗ trợ khách hàng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết tùy mức độ khách hàng có nhu cầu hỗ trợ cài đặt xác thực sinh trắc học tại từng địa bàn khác nhau mà các chi nhánh sẽ chủ động bố trí nhân sự phục vụ khách hàng tối đa.

Nhân viên ngân hàng BIDV hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học tại quầy trong sáng 29/6. Ảnh: BNEWS phát

Nhân viên ngân hàng BIDV hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học tại quầy trong sáng 29/6. Ảnh: BNEWS phát

Các ngân hàng đồng loạt khuyến cáo để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng tuyệt đối không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác ngoài ứng dụng ngân hàng số chính thức của các ngân hàng.

Ngân hàng cũng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link. Trong trường hợp gặp khó khi cập nhật sinh trắc học, khách hàng có thể tới phòng giao dịch hoặc chi nhánh ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ.

Minh Châu (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-thuong-gap-khi-cap-nhat-sinh-trac-hoc-va-cach-khac-phuc/338982.html
Zalo