Lời khai về việc thực hiện 'luật ngầm' của Chủ tịch Tập đoàn Thuận An
Ở các dự án được trúng thầu, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An đều sẵn sàng chi tiền 'cơ chế' với mức hàng tỷ đồng. Đây dường như là 'luật ngầm' mà doanh nghiệp phải hiểu và thực hiện.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan cho thấy việc “chạy thầu” (bản chất là tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu) là thực trạng rất phổ biến.
Để trúng thầu, đại đa số các doanh nghiệp phải có “quan hệ”, chấp nhận chi tiền “cơ chế” cho lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, xem đấy là phần “tất yếu” của quá trình đấu thầu, thi công dự án.
Điều này được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện gói thầu số 26 dự án Cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ và gói thầu số 13, dự án Đường ven sông Hạ Long- Đông Triều.
Kết quả điều tra cho thấy, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng và ông Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) có mối quan hệ cá nhân từ trước. Thông qua ông Huy giới thiệu, ông Hưng biết và quan hệ với ông Trần Viết Cương (cựu Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang) từ năm 2011.

Ông Nguyễn Duy Hưng
Khoảng tháng 5/2021, khi có thông tin Ban QLDA Tuyên Quang chuẩn bị đấu thầu gói thầu số 26 dự án Cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ, ông Hưng thỏa thuận với ông Huy về việc Tập đoàn Thuận An đứng tên đấu thầu gói thầu số 26 và để cho ông Huy quản lý, thực hiện việc thi công, Tập đoàn Thuận An thu phí ngoài hợp đồng.
Sau đó, ông Hưng thỏa thuận, thống nhất với ông Cương về việc cho Tập đoàn Thuận An liên danh với Công ty Hiệp Phú và Công ty Licogi 14 tham gia đấu thầu, thi công gói thầu số 26.
Theo lời khai của ông Hưng, sau khi thỏa thuận, thông đồng với ông Cương về việc cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu từ trước khi đấu thầu, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới phối hợp làm hồ sơ “quân xanh”, “quân đỏ”, đổi hồ sơ đề xuất tài chính sau ngày đóng, mở thầu để Tập đoàn Thuận An và liên danh trúng thầu.
Quá trình đấu thầu, thi công, ông Hưng thu 4 tỷ đồng tiền ngoài hợp đồng của 2 nhà thầu phụ, đơn vị thi công và gửi giá hóa đơn đầu vào (mua vật tư và thi công nổ mìn) đưa vào hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, thu chênh lệch số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.
Tại CQĐT, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An khai đã chỉ đạo đưa tiền “cơ chế” cho ông Trần Viết Cương tổng số 8 tỷ đồng. Kết luận điều tra cho rằng, ông Cương hưởng lợi 12,5 tỷ đồng, ông Hưng hưởng lợi 4 tỷ đồng của 2 đơn vị thi công, nhà thầu phụ (Công ty Đức Trung và Công ty 459) và gửi giá, thu hơn 5,8 tỷ đồng trên hóa đơn đầu vào đưa vào hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.
Hành vi của ông Nguyễn Duy Hưng giúp Tập đoàn Thuận An và liên danh trúng thầu gói thầu số 26 trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 9,8 tỷ đồng.
Nhận hơn 9 tỷ đồng tiền “cơ chế” gói thầu đường ven sông
Một dự án khác có sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An phải kể đến là gói thầu số 13, dự án Đường ven sông Hạ Long- Đông Triều (Quảng Ninh). CQĐT làm rõ, ông Phạm Thanh Bình (cựu Giám đốc Ban QLDA Quảng Ninh) và Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An) quen biết nhau khi ông Bình còn là Trưởng phòng Kế hoạch, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh.
Cuối năm 2022, khi gói thầu số 13 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An đã cùng ông Hòa đến Ban QLDA Quảng Ninh gặp ông Bình để xin cho tập đoàn được tham gia thi công hạng mục cầu dự án.
Thời điểm đó, ông Bình chưa đồng ý ngay. Sau đó, ông Hưng đưa cho ông Bình 10.000 USD để chúc mừng việc ông Bình mới được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc Ban QLDA từ ngày 7/11/2022.
Theo lời khai của ông Hưng, sau đó bị can chỉ đạo ông Trần Anh Quang (TGĐ Tập đoàn Thuận An) phối hợp với nhà thầu liên danh và Ban QLDA Quảng Ninh làm hồ sơ dự thầu, đảm bảo cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu. Khi trúng thầu, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới chi 5 tỷ đồng tiền “cơ chế” cho ông Phạm Thanh Bình.
Tại CQĐT, ông Bình khai, sau khi liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Cầu 75 - Công ty Huy Hoàng trúng thầu, bị can nhận 9,2 tỷ đồng tiền “cơ chế” từ Tập đoàn Thuận An và các nhà thầu liên danh.
Trong đó, ông Bình đưa tiền cho người có tên Phạm Thế Mỹ để chuyển cho Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh; chi 1 tỷ đồng thưởng tết cuối năm cho các PGĐ Ban QLDA, còn lại hơn 3,4 tỷ đồng ông Bình sử dụng cá nhân và các công việc chung của Ban QLDA Quảng Ninh.