Lợi ích lớn từ việc tận dụng nhiệt dư trong sản xuất xi măng

Theo tổng hợp của Sở Công Thương Ninh Bình, hiện các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng các trạm phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 82,8 MW để phát điện tự dùng.

Hệ thống phát điện nhiệt dư cung cấp 30-35% lượng điện năng tiêu thụ của nhà máy. Ảnh: Nguyễn Chinh – TTXVN

Hệ thống phát điện nhiệt dư cung cấp 30-35% lượng điện năng tiêu thụ của nhà máy. Ảnh: Nguyễn Chinh – TTXVN

Vận hành hệ thống tận dụng nhiệt thừa phát điện đang được doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng cường áp dụng, góp phần quan trọng giảm tiêu thụ điện năng, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí CO2.
Từ năm 2017, Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng, xã Thanh Lâm đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai Dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 2 để phát điện tự dùng. Điện được sản xuất từ tận dụng nguồn nhiệt khí thải hòa vào lưới 6kV của trạm 110 kV, sau đó cấp trở lại phục vụ cho sản xuất. Việc làm này giúp doanh nghiệp chủ động được một phần điện sử dụng, nhất là trong thời gian cao điểm không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải được thiết kế, lắp đặt không làm ảnh hưởng đến công suất, chất lượng sản phẩm hay làm tăng tiêu hao nhiệt của dây chuyền sản xuất xi măng.
Thấy được những lợi ích thiết thực của dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện, năm 2019, 2021 và 2024, Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng tiếp tục đầu tư lắp đặt trạm phát điện nhiệt dư tại dây chuyền sản xuất xi măng số 3, 4 và 5, nâng tổng công suất phát điện của các trạm phát điện nhiệt dư lên 48 MVA.

Hệ thống phát điện nhiệt dư tại Công ty Cổ phần xi măng Thành Thắng (Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Hệ thống phát điện nhiệt dư tại Công ty Cổ phần xi măng Thành Thắng (Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Ông Lê Xuân Nam, Trưởng phòng Năng lượng, Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng cho biết, dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện mang lại nhiều lợi ích. Dự án không những góp phần quan trọng giảm thiểu phát thải CO2 trong quá trình sản xuất xi măng, giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong bối cảnh giá than ngày càng tăng cao và sản lượng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, việc làm này phù hợp với chiến lược phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của xi măng Thành Thắng.
Tận dụng nguồn khí thải bỏ đi để làm lợi cho sản xuất, tháng 2/2023, Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn, phường Lý Thường Kiệt cùng lúc khởi công xây dựng trạm phát điện nhiệt dư ở cả dây chuyền 1 và 2. Chỉ sau hơn 9 tháng triển khai, đơn vị đã hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình và lắp đặt thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn cho biết, các trạm phát điện nhiệt dư giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 30-35% điện năng tiêu thụ so với trước đây, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Đáng chú ý, công trình đưa vào hoạt động giúp giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi làm cho các quạt công nghệ hoạt động ổn định hơn. Điều này, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện, giảm chi phí sản xuất, kéo dài tuổi thọ các thiết bị. Đối với môi trường, trạm phát điện nhiệt dư là hệ thống phát điện sạch và xanh, làm giảm bụi và phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phòng điều khiển Trạm phát điện tận dụng nhiệt dư tại Công ty Cổ phần xi măng Thành Thắng (Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Phòng điều khiển Trạm phát điện tận dụng nhiệt dư tại Công ty Cổ phần xi măng Thành Thắng (Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Theo tổng hợp của Sở Công Thương Ninh Bình, hiện các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng các trạm phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 82,8 MW để phát điện tự dùng. Qua quá trình hoạt động, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã làm chủ được kỹ thuật vận hành, tối ưu hóa được tính năng, hiệu quả của công nghệ tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện.
Các trạm phát điện nhiệt dư không những góp phần đảm bảo cung ứng điện tốt hơn cho các nhà máy xi măng mà còn giúp giảm được công suất truyền tải, từ đó làm giảm sự cố có thể xảy ra và giảm áp lực cho ngành điện.
Bên cạnh đó, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện còn giúp tận dụng triệt để các nguồn năng lượng, vừa là giải pháp tận thu phát điện giá rẻ, mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần thiết thực giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí CO2. Điều này rất có ý nghĩa trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển ngành công nghiệp xi măng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng sản xuất ngày càng “xanh” hơn.

Nguyễn Chinh/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-ich-lon-tu-viec-tan-dung-nhiet-du-trong-san-xuat-xi-mang/380431.html
Zalo