Loạt thảm họa toàn cầu tuần qua
Cháy rừng ở Mỹ, sập hầm ở Los Angeles, lật thuyền di cư ở Dominica, động đất ở Guatemala, tai nạn máy bay tại Ấn Độ... Thế giới trải qua một chuỗi ngày dồn dập những thảm họa, cướp đi sinh mạng và làm tổn thương hàng nghìn gia đình.
Sập nhà tại phố cổ La Habana (Cuba), 3 người thiệt mạng
Một tòa nhà cũ kỹ tại khu phố cổ La Habana đã đổ sập vào rạng sáng 12/7, cướp đi sinh mạng của 3 người, trong đó có một bé gái 7 tuổi.
Theo thông báo từ Hội đồng địa phương, các nạn nhân bị mắc kẹt bên trong công trình, khi vụ sập xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu với những trận mưa lớn kéo dài.
Thành phố với 2,1 triệu dân này đang phải đối mặt với tình trạng báo động khi có tới 185.348 công trình xây dựng trong tình trạng xuống cấp, trong đó 83.878 tòa nhà cần sửa chữa một phần và 46.158 công trình khác cần được cải tạo toàn diện. Tình hình càng trở nên cấp bách hơn khi thành phố cần thêm 43.854 căn nhà để tái định cư cho các gia đình mất chỗ ở do những vụ sập trước đó, cùng với 11.458 căn khác để đáp ứng nhu cầu nhà ở do gia tăng dân số.
Trên phạm vi toàn quốc, Cuba với 9,7 triệu dân hiện có khoảng 3,9 triệu ngôi nhà nhưng 37% trong số đó trong tình trạng kém hoặc rất kém về mặt kỹ thuật. Đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tới 856.500 căn nhà, tương đương khoảng 20% tổng nhu cầu hiện tại. Mặc dù Chính phủ Cuba đã công bố chính sách nhà ở vào năm 2018 với kỳ vọng giải quyết tình trạng thiếu hụt này trong vòng một thập kỷ, nhưng tình hình vẫn tiếp tục xấu đi do nhiều nguyên nhân.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nhà ở của Cuba ngày càng xuống cấp trầm trọng do tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng triền miên và sự thiếu vắng của các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Những vấn đề này là hệ quả của các lệnh bao vây cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, cùng với tác động từ các thảm họa thiên nhiên như bão lớn thường xuyên đổ bộ vào đảo quốc này.
Lật thuyền ngoài khơi CH Dominica, nhiều người thiệt mạng và mất tích
Giới chức địa phương Cộng hòa Dominica ngày 11/7 cho biết, một vụ lật thuyền xảy ra ngoài khơi bờ biển nước này khiến ít nhất 4 người di cư thiệt mạng và khoảng 20 người khác mất tích.
Chiếc thuyền chở khoảng 40 người đã bị lật khi di chuyển trên vùng biển Caribe. Lực lượng cứu hộ kịp thời cứu sống 17 người.
Công tác tìm kiếm và cứu nạn các nạn nhân còn lại vẫn đang được khẩn trương tiến hành.
Cháy rừng ở Mỹ khiến hàng trăm người sơ tán khẩn cấp
Ngày 11/7, một vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại khu vực North Rim của Công viên Grand Canyon (bang Arizona, Mỹ), buộc giới chức phải ra lệnh sơ tán hàng trăm người và đóng cửa một phần công viên nổi tiếng thế giới này.
Đám cháy có tên Dragon Bravo, bùng phát do sét đánh từ ngày 4/7, đã thiêu rụi khoảng 150 mẫu Anh (61 ha) vào tối 11/7 và vẫn chưa được khống chế. Trước diễn biến nguy hiểm, toàn bộ cư dân khu vực North Rim đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp và yêu cầu sơ tán ngay lập tức. Khoảng 500 du khách cũng đã được đưa ra khỏi khu vực vào cuối ngày 10/7.
Cùng thời điểm, một đám cháy lớn khác có tên White Sage, lan nhanh bên ngoài ranh giới công viên và đe dọa khu định cư Jacob Lake - cửa ngõ dẫn vào North Rim. Đám cháy này cũng được xác định là bắt nguồn từ sét đánh trong một cơn giông ngày 9/7 và đã thiêu rụi gần 11.000 mẫu Anh (hơn 4.400 ha) rừng sa mạc. Lực lượng chức năng cảnh báo tình trạng cháy vẫn rất nghiêm trọng do thời tiết khô hạn và gió giật thất thường.
Một khách sạn và nhiều cơ sở kinh doanh tại khu vực này đã được sơ tán. Ông Jon Paxton, người phát ngôn của Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Coconino cho biết, đa số người được sơ tán là khách cắm trại tại khu vực rừng thưa trên cao nguyên sa mạc.
Trước tình hình khẩn cấp, Cục Công viên Quốc gia và Cục Quản lý Đất đai Mỹ (BLM) kêu gọi người dân và du khách không tiếp cận khu vực North Rim cũng như hạn chế đi bộ đường dài trong hẻm núi Grand Canyon, do nhiệt độ cao và khói dày đặc từ đám cháy.
Rơi máy bay ở Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng
Một báo cáo sơ bộ công bố ngày 12/7 cho thấy sự cố trong buồng lái ngay trước khi chiếc Boeing 787 Dreamliner của Air India rơi hồi tháng trước, sau khi hai công tắc ngắt nhiên liệu động cơ gần như đồng thời bị kích hoạt, đã khiến máy bay ngừng cấp nhiên liệu.
Theo Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB), máy bay cất cánh từ Ahmedabad đi London đã mất lực đẩy và rơi xuống ngay sau khi rời mặt đất, trở thành thảm họa hàng không với nhiều người thiệt mạng nhất thế giới trong một thập kỷ.
Báo cáo nhấn mạnh: “Ngay trước vụ tai nạn, một phi công hỏi người còn lại vì sao cắt nhiên liệu. Người kia đáp không làm việc đó”. Tuy nhiên, tài liệu không nêu rõ ai đã nói câu nào hay ai phát tín hiệu khẩn cấp “Mayday, Mayday, Mayday”.
Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, có hơn 15.600 giờ bay và từng là giáo viên huấn luyện của Air India. Cơ phó Clive Kunder, 32 tuổi, có hơn 3.400 giờ bay.
Theo báo cáo, các công tắc nhiên liệu đã gần như đồng thời chuyển từ chế độ hoạt động sang chế độ ngắt chỉ vài giây sau khi cất cánh.
Một chuyên gia Mỹ, ông John Nance cho rằng, khoảng thời gian giữa hai lần chuyển là một giây đúng bằng thời gian cần thiết để gạt tay lần lượt từng công tắc, đồng thời nhấn mạnh phi công không bao giờ tự ý tắt nhiên liệu khi máy bay đang leo độ cao.
Hình ảnh camera cho thấy ngay sau khi máy bay rời khỏi đường băng, nguồn năng lượng dự phòng gọi là turbine khí nén (ram air turbine - RAT) đã tự động kích hoạt, dấu hiệu cho thấy động cơ mất điện.
Tại hiện trường, hai công tắc được tìm thấy ở trạng thái hoạt động, đồng thời có những dấu hiệu động cơ đã khởi động lại trước khi máy bay rơi ở độ cao thấp.
Air India xác nhận đang phối hợp điều tra và từ chối bình luận thêm.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cảm ơn phía Ấn Độ hỗ trợ và cho biết báo cáo không đưa ra khuyến nghị đối với các hãng khai thác Boeing 787 hay động cơ GE.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nhấn mạnh sẽ theo dõi sát để xử lý mọi rủi ro tiềm ẩn. Boeing khẳng định tiếp tục hỗ trợ Air India và cơ quan điều tra, trong khi GE chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Theo quy định quốc tế, báo cáo sơ bộ được công bố trong vòng 30 ngày sau tai nạn, báo cáo cuối cùng dự kiến ra trong một năm.
Pakistan phát hiện thi thể 9 nạn nhân bị bắt cóc
Ngày 11/7, giới chức Pakistan cho biết đã phát hiện thi thể của 9 hành khách xe buýt bị bắt cóc trước đó một ngày tại tỉnh Balochistan ở Tây Nam nước này.
Thông báo cho biết các thi thể có nhiều thương tích do vết đạn bắn và được tìm thấy dọc một xa lộ. Những người này bị một nhóm tay súng bắt cóc từ 2 chiếc xe buýt vào tối 10/7 theo giờ địa phương khi đang trên đường trở về nhà ở tỉnh Punjab. Hiện việc xác định danh tính các thi thể đang được tiến hành để trao trả cho các gia đình.
Cho đến lúc này, chưa có bên nào thừa nhận tiến hành vụ việc.
7 người thiệt mạng do động đất tại Guatemala
Ngày 10/7, Chính phủ Guatemala cho biết những trận động đất mạnh liên tiếp xảy ra tại nước này trong hai ngày qua đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, 9 người bị thương và hơn 370 ngôi nhà bị hư hại.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết đợt động đất hiện tại có cường độ lên tới 5,7 độ, bắt đầu từ chiều 8/7 (giờ địa phương), với tâm chấn nằm gần phía Tây Nam thủ đô Guatemala. Kể từ đó đến nay, đã có tổng cộng 348 dư chấn được ghi nhận.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Guatemala Bernardo Arévalo cho biết viện pháp y nước này mới chỉ xác định được danh tính của năm trong số bảy người thiệt mạng. Ông kêu gọi người dân giữ bình tĩnh trong bối cảnh hoạt động địa chấn vẫn tiếp diễn dù với cường độ thấp hơn.
Cơ quan Phối hợp Giảm thiểu Thiên tai (Conred) ghi nhận hơn 2.400 người bị ảnh hưởng, trong đó gần 600 người phải sơ tán đến các trung tâm tạm trú. Ngoài ra, 9 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, khoảng 370 ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ do hư hại, cùng một cây cầu và 25 tuyến đường bị ảnh hưởng.
Khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất là thị trấn Santa María de Jesús, nơi sinh sống của 27.000 người dân. Theo thị trưởng Mario Pérez, 50% nhà cửa ở đây bị hư hại, bao gồm cả các công trình lịch sử như mặt tiền nhà thờ. Thị trấn này bị cô lập do sạt lở đất chặn các tuyến đường vào, buộc chính phủ phải thiết lập một cầu hàng không để vận chuyển viện trợ nhân đạo.
Hoạt động học tập và làm việc, bị đình chỉ trong ngày 9/7 đã được nối lại tại ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, bao gồm thủ đô Guatemala. Cơ quan Y tế tại các địa phương này đang duy trì trạng thái báo động cao nhất, đảm bảo khả năng ứng phó tức thời của các đơn vị và trang thiết bị.
Sập đường hầm ở Los Angeles, Mỹ
Sáng 10/7 (theo giờ Việt Nam), một đoạn đường hầm công nghiệp tại khu vực Wilmington ở thành phố Los Angeles, Mỹ, đã bất ngờ bị sập, khiến 27 công nhân bị mắc kẹt.
Đoạn đường hầm nói trên, có đường kính khoảng 5,5m, thuộc Dự án Clearwater của hạt Los Angeles nhằm xây dựng tuyến đường hầm dài 11 km để nâng cấp hệ thống thoát nước thải của khu vực. Ngay sau khi xảy ra sự cố, 4 công nhân khác đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ. Theo Sở Cứu hỏa Los Angeles (LAFD), toàn bộ 31 công nhân - gồm cả những người mắc kẹt và đội hỗ trợ, đã thoát ra ngoài an toàn.
Phát biểu họp báo, Trưởng phòng Cứu hỏa Los Angeles - ông Ronnie Villanueva, cho biết các công nhân đã phải di chuyển khó khăn qua một khối đất đá lớn sâu dưới lòng đất để thoát khỏi khu vực sập, sau đó vượt hơn 8 km qua phần đường hầm chưa bị ảnh hưởng để quay trở lại lối ra ban đầu.
Theo Tổng giám đốc Cơ quan Vệ sinh hạt Los Angeles - kỹ sư trưởng Robert Ferrante, nền đất tại đoạn đường hầm nói trên có thể đã bị nén chặt, gây ra hiện tượng lún và sập.
Trên mạng xã hội X, Thị trưởng thành phố Los Angeles, bà Karen Bass, xác nhận toàn bộ công nhân đã được giải cứu thành công.