Loạt drama trên sân pickleball khiến mạng xã hội xôn xao

Pickleball, môn thể thao không chỉ mang đến niềm vui cho người chơi mà đôi khi còn là nơi nảy sinh những câu chuyện 'drama' khiến mạng xã hội xôn xao.

Pickleball, môn thể thao kết hợp giữa tennis, cầu lông và bóng bàn, đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Với luật chơi đơn giản, dễ tiếp cận, pickleball nhanh chóng thu hút một lượng lớn người chơi ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ này, những câu chuyện "drama" trên sân cũng liên tục nổ ra, khiến mạng xã hội không ngừng xôn xao bàn tán. Thậm chí nhiều người còn gọi đây là môn thể thao đầy "thị phi".

Gần đây, cộng đồng pickleball Việt Nam liên tục chứng kiến nhiều vụ việc gây tranh cãi, từ những va chạm nhỏ nhặt trong quá trình chơi đến những vấn đề về chuyên môn, thái độ hay thậm chí là chuyện tình cảm phức tạp. Những câu chuyện này nhanh chóng được lan truyền, trở thành chủ đề nóng hổi trên các diễn đàn, nhóm hội những người yêu thích pickleball.

“Đánh dở thì hét nhỏ thôi, nhức đầu vô cùng”

Mới đây, một cô gái gây chú ý trên Threads khi kể rằng cô nhận được tin nhắn làm quen từ một chàng trai chơi ở sân kế bên - ngay sau buổi tập. Tưởng ngôn tình ai ngờ lại là một câu chuyện cũng drama không kém khi đọc đến 2 dòng cuối cùng.

Theo đó, chàng trai tìm info cô gái và nhắn tin với mục đích "nhắc nhở" cô bạn cùng team giữ im lặng khi chơi, vì quá ồn. "Nhắc đội bạn đánh dở (kém) thì la hét nhỏ thôi nhé. Nhức đầu vô cùng" chàng trai nhắn. Dù không chia sẻ nội dung tin nhắn tiếp theo, song nhiều người đoán rằng cô gái này cũng đang "xịt keo", hoang mang khi bị nhắc thẳng thừng như vậy.

Những dòng tin nhắn này, dù có thể xuất phát từ sự khó chịu nhất thời của một cá nhân, nhưng lại chạm đúng vào "điểm nhạy cảm" về văn hóa ứng xử trên sân thể thao. Nó dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu người chơi có nên quá khắt khe với kỹ năng của người khác, và làm thế nào để duy trì một môi trường chơi thể thao văn minh, tôn trọng lẫn nhau.

Bên cạnh đó, một số người cho rằng hành động của chàng trai là vô duyên, thay vì trực tiếp góp ý tại sân thì lại mất công tìm info và nhắn tin riêng, dễ khiến người nhận cảm thấy không thoải mái.

Trái lại, nhiều tài khoản mạng cho rằng việc hò hét, cổ vũ, ăn mừng... vốn là điều tự nhiên khi vận động thể chất. Nhưng sự tự nhiên đó cũng cần đặt trong một giới hạn nhất định, đặc biệt là khi sân tập có đông nhóm chơi cùng lúc, hoặc sân trong khu dân cư. Chuyện “ồn ào ở sân” cần tiết chế, không nên gây ảnh hưởng đến người khác.

Ghen tuông trên sân pickleball

Trước đó ít lâu, trên diễn đàn Reddit, một tài khoản có tên viết tắt là T gây chú ý khi đăng tải bài viết với tiêu đề "Như vậy có phù hợp không?" thu hút sự chú ý của netizen.

Vụ việc này xoay quanh lời chia sẻ của một cô gái về sự khó chịu khi bạn trai cô thường xuyên chơi pickleball và nhắn tin hàng ngày với một người phụ nữ đã có chồng. Đỉnh điểm là hành động bạn trai cô ôm eo người phụ nữ kia để ăn mừng chiến thắng trong một giải đấu, bất chấp việc cô gái đã bày tỏ sự không thoải mái trước đó.

"Bạn trai tôi chơi pickleball hầu như hàng ngày. Anh ấy thường chơi với nhiều người khác nhau, nhưng có một vài người bạn chơi thân thiết, trong đó gần đây có một người phụ nữ đã có chồng mà anh ấy tập luyện cùng thường xuyên hơn. Họ bắt đầu nhắn tin về các chủ đề ngoài pickleball hàng ngày.

Cuối tuần vừa rồi, họ cùng tham gia một giải đấu và giành được huy chương. Tôi không có mặt lúc trao giải, nhưng khi xem ảnh, tôi để ý tay anh ấy vòng qua eo của cô ấy.

Điều đáng nói là trước đó tôi đã nói rõ với anh ấy rằng tôi cảm thấy không thoải mái về người phụ nữ này, nhưng anh ấy trấn an rằng tôi không cần lo lắng.

Liệu bàn tay vòng qua eo có phải là một dấu hiệu cảnh báo (ngoại tình hoặc mối quan hệ mập mờ) hay tôi đang nghĩ quá nhiều?".

Câu chuyện đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng đây chỉ là cử chỉ vô hại trong thể thao và cô gái đang quá nhạy cảm. Tuy nhiên, phần lớn cư dân mạng lại coi đây là dấu hiệu cảnh báo về một mối quan hệ bất ổn hoặc hành vi không đúng mực.

Vụ việc này cũng làm dấy lên tranh luận về "văn hóa partner" trong pickleball, nơi một số người đã có gia đình vẫn chọn chơi cố định với partner khác giới, đặt ra câu hỏi về ranh giới và sự tế nhị trong mối quan hệ.

Drama "thầy dở hơn trò"?

Một câu chuyện khác cách đây không lâu cũng gây chấn động cộng đồng pickleball Hà Nội là câu chuyện về một "thầy giáo dạy Pickleball" bị tố có trình độ chuyên môn yếu kém, không khác gì người mới chơi (newbie), mặc dù thu học phí lên tới 300.000 đồng/giờ và có lịch dạy kín tuần.

Sự việc bắt đầu khi một TikToker tự nhận là newbie khoe đã chiến thắng trước người thầy này tại một giải đấu phong trào. Sau đó, một nữ TikToker khác cũng đăng video khoe thắng 11-0 trước thầy và đồng đội trong một trận đánh đôi. Cộng đồng mạng nhanh chóng nhận ra những kỹ thuật cơ bản như drive, volley, block, smash của người thầy đều không đạt chuẩn.

Câu chuyện này đã làm dấy lên lo ngại về chất lượng giảng dạy và những gì học viên có thể học được từ người thầy này, đặc biệt khi thầy tập trung dạy cho đối tượng người mới bắt đầu và làm nhiều video đăng TikTok.

Mặc dù có nhiều ý kiến chỉ trích, cũng có những quan điểm bao dung hơn cho rằng khả năng sư phạm có thể quan trọng hơn trình độ đánh cá nhân. Hiện tại, người thầy đã lên tiếng không muốn dính vào drama và khẳng định sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để truyền động lực và tình yêu pickleball cho học viên.

Pickleball, ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, đã có nhiều những câu chuyện "thị phi" và drama xoay quanh nó. Từ những tranh cãi về kỹ năng, thái độ ứng xử trên sân, cách ăn mặc sao cho phù hợp, cho đến những vấn đề nhạy cảm hơn về mối quan hệ cá nhân hay chất lượng đào tạo, tất cả đều cho thấy một mặt trái không thể phủ nhận của sự phát triển nhanh chóng.

Những "sóng gió" này, dù đôi khi gây ồn ào và khó chịu, lại vô tình phơi bày những lỗ hổng trong văn hóa thể thao và ứng xử xã hội, đồng thời đặt ra câu hỏi về cách mà một môn thể thao mới có thể thích nghi và phát triển một cách bền vững trong một cộng đồng đa dạng. Quan trọng hơn, đây là lúc mỗi người chơi, mỗi người hoạt động trong lĩnh vực pickleball cần nhìn nhận nghiêm túc để cùng xây dựng một sân chơi văn minh, chuyên nghiệp và thực sự mang lại niềm vui, giá trị tích cực.

Trầm Phương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/loat-drama-tren-san-pickleball-khien-mang-xa-hoi-xon-xao-post1555200.html
Zalo