Lo ngại về tương lai của giáo dục tư thục ở Hà Nội nhìn từ việc tuyển sinh vào 10

Năm học 2025-2026, mức điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường công lập ở Hà Nội chỉ cần đạt 3 điểm/môn là đỗ.

.t1 { text-align: justify; }

Ngày 16/7, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Hà Nội: Tỉ lệ học sinh học tư thục chưa đạt mục tiêu, làm gì để tạo đột phá?" nêu vấn đề Hà Nội với nhiều thế mạnh huy động xã hội hóa, song, tỉ lệ học sinh tư thục vẫn chưa đạt mục tiêu. Theo một số chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục, thực tế hiện nay, cán bộ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đều xuất phát từ môi trường giáo dục công. Vì vậy, việc thực thi các chính sách, kế hoạch để trường tư phát triển bền vững, công bằng đang gây nhiều băn khoăn.

Có ý kiến đề xuất Hà Nội cần tiên phong thí điểm ký hợp đồng với các chuyên gia, doanh nhân làm nhiệm vụ của quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để có chính sách phát triển giáo dục tư thục mang tính kiến tạo, bền vững hơn.

Thực tế, e ngại của nhà đầu tư giáo dục về việc phát triển bền vững là có căn cứ khi việc tuyển sinh vào 10 của nhiều trường tư ngày càng khó khăn.

Thông tin từ website Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130.000 giáo viên và gần 2,3 triệu học sinh.

Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội được một số chuyên gia nhận định "áp lực" nhất với số lượng thí sinh đông đảo và sự cạnh tranh cao. Những năm gần đây, số trường công lập được xây mới tăng, mở rộng cơ hội học tập cho học sinh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho khối công lập tuyển sinh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường tư thục.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 công lập năm học 2025-2026, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được một số ý kiến bày tỏ tâm tư của lãnh đạo cơ sở giáo dục tư thục.

Theo chia sẻ của một hiệu trưởng một cơ sở giáo dục tư thục tại Hà Nội, trên thực tế, Hà Nội đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục công lập bằng việc cho phép xây dựng thêm nhiều trường trung học phổ thông công lập mới, phát triển các trường công lập chất lượng cao, được đầu tư cơ sở vật chất lớn. Thậm chí, một số cơ sở giáo dục công lập cũng xây dựng, triển khai các "dịch vụ" thu phí nhiều bên cạnh chương trình đại trà, gây cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở giáo dục tư thục.

"Việc Hà Nội mở rộng hệ thống trường công lập, xây dựng mô hình trường công chất lượng cao, giảm điểm chuẩn vào lớp 10 công lập... đã khiến số lượng học sinh lựa chọn trường tư giảm mạnh. Trong khi đó, trường tư thục tự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực, chương trình... tuy nhiên, công tác tuyển sinh lại chưa được hưởng nhiều chính sách tương xứng.

Tại cơ sở tôi quản lý, mặc dù đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm quảng bá, nâng cao hình ảnh, nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh truyền thông và xây dựng uy tín trong cộng đồng, nhưng kết quả tuyển sinh vẫn không như kỳ vọng. Như năm học 2024-2025, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn bổ sung cho 60 trường công lập, hàng chục học sinh rút hồ sơ đã nộp vào trường, khiến nhà trường rất khó khăn.

Sự sụt giảm đáng kể về số lượng hồ sơ nhập học không chỉ gây áp lực tài chính lên nhà trường mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì đội ngũ giáo viên, tổ chức lớp học và đảm bảo chất lượng đào tạo", vị hiệu trưởng tâm tư.

Vị hiệu trưởng cũng bày tỏ những lo ngại về tương lai phát triển của khối trường ngoài công lập, đồng thời mong mỏi có những chính sách điều tiết phù hợp nhằm đảm bảo tính bền vững, đa dạng hóa hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn thủ đô.

Có thể thấy, những năm qua, sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực giáo dục đã và đang đóng góp đáng kể vào việc cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Trong khi đó, Hà Nội có những ưu tiên cho mô hình trường công chất lượng cao khiến nhiều chuyên gia lo ngại việc tạo ra phân tầng trong giáo dục, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và áp lực tài chính.

Trong khi, mục tiêu của 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Chính phủ ban hành là: Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Để có thêm thông tin toàn cảnh về bức tranh tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành thống kê các dữ liệu liên quan.

70 trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, có trường tăng đến 180 chỉ tiêu so với năm học trước

Theo văn bản số 56/KH-UBND ngày 24/2/2025 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026, năm học 2024-2025, dự kiến toàn thành phố có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, số lượng học sinh tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố dự kiến như sau:

Tuyển vào trường trung học phổ thông công lập khoảng 79.000 học sinh.

Tuyển vào các trường trung học phổ thông tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) là khoảng 48.000 học sinh.

Ngày 4/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 568/QĐ-SGDĐT quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường trung học phổ thông công lập và công lập tự chủ năm học 2025-2026.

Theo Quyết định này, Sở giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 cho 122 trường trung học phổ thông công lập và công lập tự chủ với tổng số 1.795 lớp và 79.740 học sinh, cụ thể như sau:

Giao 119 trường trung học phổ thông công lập với 1.763 lớp và 78.400 học sinh, chia ra: Giao 04 trường trung học phổ thông chuyên với 78 lớp và 2.730 học sinh; giao 115 trường trung học phổ thông công lập với 1.685 lớp và 75.670 học sinh; giao 03 trường trung học phổ thông công lập tự chủ với 32 lớp và 1.340 học sinh.

Năm học trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho 127 trường trung học phổ thông công lập và công lập tự chủ tuyển mới 1.742 lớp và 77.250 học sinh.

Qua thống kê của phóng viên, năm học 2025-2026, có 70 trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 so với năm học trước.

 Chỉ tiêu tuyển sinh của 70 trường trung học phổ thông công lập Hà Nội năm học 2025-2026 tăng so với năm học trước.

Chỉ tiêu tuyển sinh của 70 trường trung học phổ thông công lập Hà Nội năm học 2025-2026 tăng so với năm học trước.

Theo đó, năm nay, trường tăng chỉ tiêu nhiều nhất là Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt với 180 học sinh.

Một số trường trung học phổ thông công lập tăng 135 chỉ tiêu tuyển sinh, chẳng hạn: Trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm), Trung học phổ thông Đa Phúc (Sóc Sơn) và Trung học phổ thông Thường Tín (Thường Tín)...

Một số trường trung học phổ thông công lập tăng 90 chỉ tiêu tuyển sinh, có thể kể đến: Trung học phổ thông Trần Phú (Hoàn Kiếm), Trung học phổ thông Kim Liên, Trung học phổ thông Yên Hòa, Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh, Trung học phổ thông Mỹ Đình, Trung học phổ thông Việt Nam - Ba Lan...

Bên cạnh đó, một số trường tăng 45 chỉ tiêu: Trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Đống Đa, Trung học phổ thông Đống Đa, Trung học phổ thông Cầu Giấy, Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái, Trung học phổ thông Thượng Cát, Trung học phổ thông Đại Mỗ....

Năm học 2025-2026 có trường công lập lấy 3 điểm/môn

Phóng viên đã tiến hành thống kê điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 công lập ở Hà Nội hai năm học 2024-2025 và 2025-2026.

Về cách tính điểm xét tuyển, thay vì nhân hệ số 2 cho môn Toán và Ngữ văn như các năm trước, năm học 2025-2026, điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm 3 môn thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ), mỗi môn tính theo thang điểm 10 và không nhân hệ số. Cụ thể, điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 công lập năm học 2024-2025 và năm học 2025-2026 tại Hà Nội như sau:

Từ dữ liệu nêu trên có thể thấy, năm học 2025-2026 có 6 trường lấy điểm chuẩn là 10 điểm, bao gồm: Trung học phổ thông Thọ Xuân, Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn, Trung học phổ thông Minh Quang, Trung học phổ thông Ứng Hòa B, Trung học phổ thông Lưu Hoàng, Trung học phổ thông Đại Cường. Theo đó, học sinh chỉ cần đạt trên 3 điểm mỗi môn là đỗ vào trường công lập.

Nếu tính điểm trung bình/môn, năm học 2025-2026 có đến 3/4 số trường công lập có mức điểm giảm so với năm học trước. Cụ thể:

Theo đó, mức giảm mạnh nhất là Trường Trung học phổ thông Thọ Xuân (giảm 2,82 điểm/môn) và Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (giảm 2,72 điểm/môn).

Các trường giảm trên 1 điểm/môn, có thể kể đến: Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa A (giảm 1,85 điểm/môn), Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa B (giảm 1,27 điểm/môn), Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức A (giảm 1,18 điểm/môn), Trường Trung học phổ thông Thanh Oai A (giảm 1,08 điểm/môn)...

Đáng chú ý, ngày 12/7/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 1738/QĐ-SGDĐT quyết định điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025. Theo đó, 60 trường công lập không chuyên được tuyển bổ sung, trong đó có 2 trường tuyển tràn tuyến.

Theo quyết định này, năm học 2024 – 2025, Trường Trung học phổ thông Minh Quang và Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết - Hai Bà Trưng được tuyển tràn tuyến, tức tuyển sinh trên địa bàn toàn thành phố với những thí sinh không trúng tuyển các nguyện vọng đã đăng ký với điều kiện: thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển vào Trường Trung học phổ thông Minh Quang phải có điểm xét tuyển từ 17 trở lên và thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển vào Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng phải có điểm xét tuyển từ 25,75 trở lên.

Các trường xét tuyển theo điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển bổ sung được giao.

Từ dữ liệu tổng hợp nêu trên có thể thấy, mức điểm chuẩn bổ sung của các trường công lập dao động từ 0,25-3 điểm. Trong đó, Trường Trung học phổ thông Bất Bạt và Trường Trung học phổ thông Minh Quang giảm đến 3 điểm so với mức điểm chuẩn ban đầu.

Tại kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, căn cứ vào số lượng thực tế và chỉ tiêu còn thiếu, Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tổ chức họp xét duyệt điểm chuẩn bổ sung vào các trường trung học phổ thông công lập vào ngày 17/7/2025 (nếu có). [1]

Một số chuyên gia cho rằng, việc điểm chuẩn bổ sung vào các trường trung học phổ thông công lập giảm có thể là yếu tố khiến học sinh đã đăng ký học trường tư bất ngờ rút hồ sơ để quay lại trường công. Điều này khiến trường tư rơi vào thế khó trong tuyển sinh, trong khi đó, họ phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Cũng theo chuyên gia, việc nâng tỷ lệ học sinh vào trường công lập là chủ trương tích cực, phù hợp với mong muốn của đa số phụ huynh. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn hệ thống giáo dục - cả công lập và tư thục, Hà Nội cần có quy hoạch tuyển sinh vào lớp 10 dài hạn, minh bạch, nhất quán về chỉ tiêu. Tránh việc năm nào cũng xảy ra cảnh trường tư đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... rồi lại chứng kiến học sinh rút hồ sơ sang công lập. Hệ thống giáo dục tư thục chỉ phát triển bền vững, góp phần giảm tải áp lực trường công khi các khối được cạnh tranh công bằng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://kinhtedothi.vn/nam-ngoai-co-toi-63-truong-thpt-cong-lap-ha-noi-tuyen-bo-sung-lop-10.768605.html

Cẩm Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lo-ngai-ve-tuong-lai-cua-giao-duc-tu-thuc-o-ha-noi-nhin-tu-viec-tuyen-sinh-vao-10-post252808.gd
Zalo