Lo ngại 'giá tăng theo lương', Bộ Tài chính nói gì?

Từ 1/7/2024, người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ sở mới, tăng từ 1.800.000đ lên 2.340.000đ. Điều này khiến người lao động vừa mừng nhưng cũng canh cánh nỗi lo liệu giá cả có 'té nước theo mưa'? Để việc tăng lương là thực chất, công tác điều hành giá phải thực hiện như thế nào?

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, chiều 5/7, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo. Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau Tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.

Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, chỉ số CPI tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát và đề xuất để làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4%-4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.

Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Liên quan đến cải cách tiền lương, Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM - nhìn nhận, trong 20 năm qua, kể từ 2005, chúng ta đã 14 lần tăng lương cơ sở.

Trong đó, 12 lần tăng lương thì lạm phát đều giảm. Cụ thể, năm 2005 khi chúng ta tăng 20,7% thì lạm phát giảm từ 9,5% xuống 8,4%, năm 2006 chúng ta tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5% xuống 6,3%, năm 2012 chúng ta tăng lương cơ sở 26,5% lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%, năm 2016 tăng lương cơ sở 5,2% lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7% và năm 2023 tăng lương cơ sở 20,8% lạm phát chỉ còn là 3,25%.

Theo ông Ngân, có 2 lần tăng lương cơ sở thì lạm phát cũng tăng là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Một lần khác là năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7%, lạm phát đã tăng từ 9,2% lên 18,6%. Tuy nhiên, theo ông Ngân, cả 2 lần này, mức lạm phát tăng không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới, do giá dầu thế giới tăng cộng với tỷ giá trong nước tăng.

Từ đó, ông Ngân cho rằng, khi thực hiện tăng lương cơ sở, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt ảnh hưởng của tăng lương cơ sở đến tình hình lạm phát. Ông Ngân cũng đề nghị, cùng với tăng lương cơ sở, Chính phủ cần có chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát mục tiêu là dưới 4% và giữ ổn định tỷ giá; điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh phải giãn ra, không cùng một lúc và phải cách xa ngày 1/7 - thời điểm tăng lương; phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, "té nước theo mưa" khi tăng lương cơ sở.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị, khi tăng lương cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay. "Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Ta tăng lương cơ sở 30% thì ít nhất mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30%, thậm chí 50% mới là hợp lý", ông Hạ kiến nghị.

Mai Vàng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lo-ngai-tat-gia-theo-luong-bo-tai-chinh-noi-gi-20240705154807502.htm
Zalo