Lơ là dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, người đàn ông tá hỏa vì suýt đột quỵ
Người đàn ông thường xuyên có các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, nhưng không quá để tâm. Chỉ đến khi nhập viện vì đau đầu, ông mới tá hỏa khi nhận ra mình suýt bị đột quỵ.
Nửa năm trước, ông N.N.D. (66 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) từng nằm viện hơn một tuần vì suýt đột quỵ. Trước đó, ông thường xuyên có các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, nhưng không quá để tâm.
Khoảng 4 năm trước, ông D. phát hiện mình mắc bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường khi đi khám sức khỏe định kỳ. Dù được các bác sĩ chỉ định uống thuốc và hẹn tái khám, ông D. gần như không tuân thủ vì chủ quan sức khỏe mình ổn định.
Chỉ đến khi cơn nhức đầu kéo dài dẫn đến mất ngủ, ông D. mới đi khám và tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo mình suýt bị đột quỵ vì nhồi máu não.
ThS. Lữ Mộng Thùy Linh, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến 8/12, TPHCM có hơn 1,1 triệu người cao tuổi, trong đó, 60,3% thuộc nhóm 60-69 tuổi, 20,8% từ 70-79 tuổi và 10,9% từ 80 tuổi trở lên.
Theo ThS. Linh, trong quá trình triển khai chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi tại TPHCM, Sở Y tế phát hiện toàn thành phố có hơn 200.000 người mắc bệnh tăng huyết áp, gần 56.000 người mắc đái tháo đường.
“Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh tim mạch chạm mức 56,71%, trong khi tỷ lệ mắc đái tháo đường và nghi ngờ đái tháo đường là 22,67%”, ThS. Linh cho biết.
Thống kê của Sở Y tế TPHCM cũng cho thấy tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi càng lớn.
Đối với bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ mắc bệnh trong độ tuổi 60-69 là 46,3%. Tỷ lệ này tăng lên 57,4% ở nhóm 70-79 tuổi và 60,6% ở nhóm trên 80 tuổi.
Về đái tháo đường, 23,3% người trong độ tuổi 60-69 mắc bệnh; 29,2% ở nhóm 70-79 tuổi và 27,9% ở nhóm trên 80 tuổi.
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác. Đây là nguyên nhân chính khiến người bệnh diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Tăng huyết áp thường được ví như “kẻ giết người vô hình” do căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình, không có dấu hiệu báo trước rõ ràng. Người bệnh phát hiện bị huyết áp tăng một cách tình cờ, qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát, bệnh tăng huyết áp có thể dẫn tới các biến chứng như đột quỵ, tổn thương thận, suy tim, biến chứng ở mắt, phình và bóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ…