Liên tiếp ca nhiễm giun lươn ở TP.HCM, bác sĩ chỉ cách nhận biết, phòng ngừa

TP.HCM liên tiếp xuất hiện nhiều ca nhiễm giun lươn, điểm chung là tiếp xúc nhiều với đất và sử dụng corticoid kéo dài - nguyên nhân dẫn đến suy giảm miễn dịch.

Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP.HCM) vừa ghi nhận loạt ca nhiễm giun lươn hiếm gặp, trong đó nhiều trường hợp được phát hiện ký sinh trùng ngay trong mô dạ dày và tá tràng qua nội soi sinh thiết – điều chưa từng được công bố rộng rãi tại các cơ sở y tế phía Nam.

Dấu hiệu không điển hình

Bệnh nhân NVTN (64 tuổi) nhập BV Nguyễn Trãi vào đầu năm 2025, có tiền sử suy thượng thận do lạm dụng corticoid trong quá trình điều trị bệnh lý xương khớp.

Ngoài ra, ông từng mắc lao phổi cách đây khoảng 25 năm, kèm theo các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp...

 BV Nguyễn Trãi (TP.HCM) vừa ghi nhận loạt ca nhiễm giun lươn hiếm gặp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BV Nguyễn Trãi (TP.HCM) vừa ghi nhận loạt ca nhiễm giun lươn hiếm gặp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhân nhập khoa Lão khoa với các triệu chứng ho mãn tính, chướng bụng và tiêu phân nhầy. Sau khoảng 1-2 tuần điều trị nhưng không cải thiện, bệnh nhân được chuyển sang khoa Tiêu hóa để tiếp tục theo dõi.

Tại đây, qua xét nghiệm máu gợi ý khả năng ông nhiễm ký sinh trùng. Chưa hết, nội soi tiêu hóa cho thấy bệnh nhân có nhiều ổ loét ở dạ dày, tá tràng và cả đại tràng.

Bác sĩ (BS) quyết định tầm soát ký sinh trùng, xét nghiệm huyết thanh học cho kết quả dương tính với giun lươn. Trong phân bệnh nhân cũng phát hiện có cả ấu trùng và giun trưởng thành ở mô tá tràng.

BS chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm giun lươn, được điều trị bằng thuốc kháng ký sinh trùng trong vòng 14 ngày. Sau một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân cải thiện hoàn toàn, hết ho, tiêu hóa ổn định.

Sau hai tuần, bệnh nhân được xuất viện. Một tháng sau tái khám, nội soi cho thấy toàn bộ tổn thương niêm mạc tại dạ dày, tá tràng và đại tràng đều lành.

 BS Hà Phúc Tuyên, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nguyễn Trãi, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Hà Phúc Tuyên, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nguyễn Trãi, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Một bệnh nhân khác là NMT (60 tuổi) nhập BV Nguyễn Trãi vào tháng 5-2025 do đi ngoài phân đen, biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ nội soi phát hiện ổ loét ở tá tràng.

Ban đầu, BS nghi ngờ loét do vi khuẩn HP, nhưng tổn thương quan sát qua nội soi lại không điển hình nên quyết định sinh thiết. Kết quả là bất ngờ phát hiện có giun lươn (ấu trùng và trưởng thành) trong mô tá tràng bệnh nhân.

Điều đặc biệt là chỉ số eosinophil của bệnh nhân không tăng khiến việc định hướng chẩn đoán ban đầu gặp khó khăn. Ở bệnh nhân này, việc phát hiện nhiễm giun lươn nhờ đánh giá nội soi kỹ lưỡng và sinh thiết tổn thương nghi ngờ.

Đáng chú ý, bệnh nhân có tiền sử thoát vị đĩa đệm, từng sử dụng thuốc nam, thuốc bắc chứa corticoid. Đây là những yếu tố thuận lợi khiến hệ miễn dịch suy yếu, điều kiện lý tưởng để giun lươn phát triển.

Kết quả xét nghiệm máu, phân và huyết thanh học cho thấy bệnh nhân nhiễm giun lươn. Bệnh nhân được điều trị bằng Ivermectin trong 2 ngày (dạng nhẹ). Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân không còn xuất huyết, sức khỏe ổn định, đã được xuất viện.

Những ai dễ mắc giun lươn?

BS Hà Phúc Tuyên, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nguyễn Trãi, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, khoa đã tiếp nhận 4 ca nhiễm giun lươn. Trong khi đó, vài năm trước đây không ghi nhận ca giun lươn nào.

Các ca bệnh nhiễm giun lươn đều có điểm chung là tiếp xúc nhiều với đất (đặc biệt là làm nghề nuôi tôm, nông nghiệp) và sử dụng corticoid kéo dài - nguyên nhân dẫn đến suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh nền nặng.

"Những yếu tố này giúp giun lươn dễ dàng xâm nhập và phát triển mạnh trong cơ thể người bệnh", BS Tuyên nói.

 6 tháng đầu năm 2025, khoa Tiêu hóa BV Nguyễn Trãi đã tiếp nhận 4 ca nhiễm giun lươn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

6 tháng đầu năm 2025, khoa Tiêu hóa BV Nguyễn Trãi đã tiếp nhận 4 ca nhiễm giun lươn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng theo BS Tuyên, giun lươn nguy hiểm hơn nhiều so với các loại giun sán hay ký sinh trùng khác. Nguyên nhân vì nó có thể gây ra hiện tượng siêu nhiễm, nghĩa là chỉ mình nó cũng có thể tạo ra một ổ nhiễm nghiêm trọng, trong khi hầu hết các loại giun khác yếu hơn và không gây ra hiện tượng này.

Chu trình xâm nhập của giun lươn là ấu trùng trong đất xâm nhập qua da (đặc biệt qua các vết thương nhỏ ở bàn chân), theo máu đến phổi, sau đó di chuyển lên khí quản và bị nuốt vào đường tiêu hóa. Tại ruột non, chúng trưởng thành, sinh sản và tiếp tục chu kỳ phát tán qua phân.

Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể có thể kiểm soát giun. Tuy nhiên, nếu miễn dịch suy yếu, chúng sẽ sinh sôi mạnh mẽ, xâm nhập các mô, gây loét, nhiễm trùng nặng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Khi nhiễm giun lươn, do triệu chứng rất không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa hay hô hấp thông thường. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu về hô hấp như ho khan kéo dài, ho không dứt dù điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm.

Cạnh đó còn có dấu hiệu về tiêu hóa như tiêu phân nhầy, đôi khi có máu, đau bụng, chướng bụng, mệt mỏi kéo dài. Người bệnh thường xuyên mệt, ăn uống kém, giảm cân.

“Khi các triệu chứng này xảy ra trên người có nguy cơ như làm nông nghiệp, dùng corticoid, ung thư, HIV..., cần được tầm soát ký sinh trùng, đặc biệt là giun lươn để phát hiện sớm và điều trị kịp thời” - BS Tuyên lưu ý.

Theo đó, phương pháp chẩn đoán, tầm soát là xét nghiệm công thức máu - chỉ số eosinophil tăng nhẹ là dấu hiệu gợi ý; Xét nghiệm phân tìm ấu trùng giun lươn qua soi tươi; Xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng giun lươn; Nội soi và sinh thiết giúp xác định chính xác giun trong mô tổn thương.

Khuyến cáo phòng ngừa

Để phòng ngừa mắc giun lươn, cần ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống chưa rửa kỹ; Rửa rau sống bằng nước muối loãng để loại bỏ trứng ký sinh trùng.

Cần mang ủng, tránh đi chân đất, nhất là khi làm việc ở vùng đất ẩm, nuôi trồng thủy sản; Điều trị xổ giun định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt ở vùng có nguy cơ cao.

Ngoài ra, người suy giảm miễn dịch (dùng corticoid, ung thư, HIV...) tuyệt đối không ăn đồ sống, rau sống, tái, nem chua.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lien-tiep-ca-nhiem-giun-luon-o-tphcm-bac-si-chi-cach-nhan-biet-phong-ngua-post858135.html
Zalo