Liên minh cầm quyền Nhật Bản đối mặt nguy cơ mất đa số tại Thượng viện
Trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra vào ngày 20 tháng 7, liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Komeito đứng trước nguy cơ đánh mất thế đa số lần đầu tiên trong cả hai viện của Quốc hội kể từ sau Thế chiến II. Cuộc bầu cử lần này bao gồm 124 ghế theo thông lệ ba năm một lần và thêm một ghế bổ sung, nâng tổng số lên 125.

Theo dữ liệu sơ bộ từ NHK, LDP nhiều khả năng giành được từ 27 đến 41 ghế, cộng với 75 ghế hiện tại, trong khi Komeito được dự đoán sẽ bổ sung từ 5 đến 12 ghế. Nếu các dự đoán này trở thành hiện thực, tổng số ghế của liên minh sẽ không đạt được ngưỡng do Thủ tướng Shigeru Ishiba đặt ra để duy trì vị thế chi phối tại Thượng viện. Kết quả thăm dò của Asahi Shimbun cho thấy LDP sẽ bổ sung 34 ghế, còn Komeito chỉ có thêm 7, không đủ bù đắp cho sự suy giảm tổng thể.
Đây là diễn biến nối tiếp thất bại của liên minh trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 10 năm 2024 - một kết quả tuy chưa làm mất quyền lực hành pháp nhưng đã đặt ra nghi vấn nghiêm trọng về sự lãnh đạo của Thủ tướng Ishiba. Giới phân tích, như giáo sư Toru Yoshida của Đại học Doshisha, cho rằng nếu thất bại trong cuộc bầu cử lần này được xác nhận, ông Ishiba có thể buộc phải từ chức để bảo toàn uy tín cho đảng.
Bối cảnh kinh tế - xã hội bất lợi cho đảng cầm quyền
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh người dân ngày càng bất mãn với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là giá thực phẩm thiết yếu. Giá gạo, một mặt hàng biểu tượng của đời sống Nhật Bản, đã tăng gấp đôi chỉ trong một năm, đạt mức 29 USD cho mỗi 5kg, trong khi tiền lương gần như không tăng.
Tình hình càng trở nên nhạy cảm khi Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc đảng LDP, Taku Eto, buộc phải từ chức vì phát ngôn gây tranh cãi rằng ông “chưa bao giờ phải mua gạo” trong bối cảnh giá gạo tăng cao. Người kế nhiệm, ông Shinjiro Koizumi, con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, nhanh chóng triển khai chiến dịch giải phóng kho dự trữ quốc gia để hạ giá gạo. Tuy nhiên, hành động này bị phản ứng trái chiều: nông dân cáo buộc chính phủ thiên vị người tiêu dùng, trong khi giới truyền thông chỉ trích ông Koizumi vì thiếu hiểu biết chuyên môn và có xu hướng dân túy.
Không chỉ đối mặt với áp lực trong nước, Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba còn đối mặt với sức ép thuế quan từ Mỹ. Theo dự kiến, Washington sẽ áp thuế 25% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản từ ngày 1 tháng 8, trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa hai nước chưa đạt kết quả cụ thể. Trong một cuộc gặp gần đây với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, ông Ishiba khẳng định Nhật Bản “không vội thỏa hiệp”. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu của Mỹ là Nhật Bản phải tăng nhập khẩu gạo Mỹ - điều mà Tokyo hiện chưa đáp ứng.
Các đảng nhỏ và cánh hữu tranh thủ gia tăng ảnh hưởng
Một điểm đáng chú ý trong kỳ bầu cử lần này là sự vươn lên mạnh mẽ của các đảng ngoài liên minh truyền thống, đặc biệt là những lực lượng cánh hữu. Đảng cực hữu Sanseito, được thành lập trong thời kỳ đại dịch COVID-19, dự kiến tăng số ghế từ 2 lên khoảng 20. Trong khi đó, Đảng Dân chủ vì Nhân dân, với chủ trương ôn hòa hơn, nhiều khả năng sẽ có thêm ít nhất 16 ghế. Cả hai đều thu hút sự ủng hộ từ cử tri trẻ, thông qua những khẩu hiệu có sức hút như giảm thuế tiêu dùng và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Đảng Sanseito gây chú ý nhờ lập trường bảo vệ bản sắc quốc gia một cách mạnh mẽ và chính sách ưu tiên người dân trong nước. Các thông điệp của đảng tập trung vào việc kiểm soát nhập cư, duy trì các giá trị truyền thống và đảm bảo sự độc lập trong các quyết định đối nội cũng như đối ngoại. Lãnh đạo đảng, ông Sohei Kamiya, từng bày tỏ quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Mỹ và công khai lấy cảm hứng từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đảng này cũng khai thác tâm lý lo ngại của người dân Nhật Bản về dòng người nhập cư - một chủ đề ngày càng gây tranh cãi trong bối cảnh số lượng cư dân nước ngoài chính thức tại Nhật tăng gần 30% kể từ năm 2020, hiện đạt khoảng 4 triệu người, tương đương 3% dân số.
Tương lai chính trị bất định
Theo nhà nghiên cứu Vladimir Nelidov từ Học viện Quan hệ quốc tế Moscow, thất bại hiện tại của liên minh cầm quyền Nhật Bản không chỉ do vấn đề giá gạo, mà còn là hậu quả tích tụ từ các bê bối tài chính, sự thiếu nhất quán trong chính sách kinh tế, và mối quan hệ không thuận lợi với Mỹ. Tuy chưa có dấu hiệu Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ từ chức ngay lập tức - nhất là trong bối cảnh các đàm phán thương mại chưa ngã ngũ - nhưng khả năng thay đổi lãnh đạo trong nội bộ LDP là hoàn toàn có thể xảy ra.
Về phần mình, phe đối lập, đặc biệt là Đảng Dân chủ Lập hiến, vẫn chưa đưa ra chiến lược cụ thể để khai thác triệt để tình hình bất lợi của chính phủ. Mặc dù được kỳ vọng giành được từ 18 đến 30 ghế, đảng này vẫn thiếu một tầm nhìn rõ ràng để định hình vai trò lãnh đạo thay thế.
Trong bối cảnh đó, kết quả bầu cử Thượng viện lần này không chỉ là phép thử cho uy tín của liên minh cầm quyền, mà còn là chỉ dấu cho một thời kỳ bất ổn chính trị mới tại Nhật Bản - nơi cử tri ngày càng nghi ngờ khả năng của các đảng truyền thống trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết.