Liên kết vùng, siêu đô thị và khát vọng doanh nghiệp Việt
Việc TP.HCM chính thức mở rộng địa giới, hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành một siêu đô thị liên kết vùng là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn đột phá trong định hướng phát triển không gian đô thị và kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây không chỉ là điều chỉnh địa giới đơn thuần, mà còn mở ra một cấu trúc phát triển hoàn toàn mới, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả khu vực.
Đại diện cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi cảm nhận rõ niềm tin và kỳ vọng từ Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào mô hình đô thị liên kết vùng. Trong bối cảnh hội nhập sâu và cạnh tranh toàn cầu, việc hình thành siêu đô thị tài chính - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế biển là bước đi quan trọng, mở ra động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và cả nước.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trước đây, mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, như Bình Dương với công nghiệp và logistics hiện đại, Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ cảng biển trọng yếu và TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước. Khi được quy hoạch đồng bộ, chung định hướng phát triển, nguồn lực và cơ chế vận hành linh hoạt, chúng ta sẽ có một cấu trúc đô thị - kinh tế hoàn toàn mới, tạo ra sự cộng hưởng tích cực.

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Chúng tôi, cộng đồng doanh nhân trẻ, đặt nhiều kỳ vọng vào một môi trường đầu tư minh bạch, hạ tầng kết nối hiện đại, cùng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được thúc đẩy một cách toàn diện. Đó chính là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế và nuôi dưỡng những “kỳ lân” mới của quốc gia.
Dưới góc nhìn của một doanh nhân, tôi cho rằng việc hình thành một “siêu đô thị” sẽ tạo ra hiệu ứng sâu rộng, về chất lượng môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh tổng thể của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ nhất, đây là cơ hội để giải quyết bài toán “phát triển cục bộ” - tình trạng mà mỗi địa phương đều có lợi thế riêng nhưng chưa có cơ chế phối hợp đủ mạnh để tối ưu nguồn lực vùng. Khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch theo một định hướng chung về hạ tầng, chính sách và thị trường, chúng ta sẽ có một thực thể kinh tế đủ lớn, đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Thứ hai, DN sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường kết nối liên vùng. Việc mở rộng không gian đô thị và liên thông hạ tầng giúp việc thu hút, luân chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên thuận lợi hơn; hoạt động vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu cũng thông suốt, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Đây là yếu tố then chốt góp phần nâng cao sức hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, với quy mô đô thị lớn và dân số tăng mạnh, khu vực này sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho ngành bán lẻ, dịch vụ, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Đây là môi trường lý tưởng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quy mô lớn.
Điều kiện cần để phát huy lợi thế liên kết vùng
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội này, cần thiết lập rõ ràng các nguyên tắc điều phối vùng, đặc biệt là xây dựng thể chế quản lý linh hoạt, minh bạch và thống nhất về các quy định liên quan đến cấp phép, thuế, thủ tục hành chính. Chỉ khi môi trường pháp lý và cơ chế vận hành được đồng bộ, DN mới có thể yên tâm đầu tư, phát triển lâu dài.

Tương lai không xa TP.HCM sẽ vinh dự nằm trong top 100 thành phố đáng sống nhất trên thế giới
Việc mở rộng không gian đô thị và hình thành siêu đô thị liên kết vùng không chỉ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về tư duy quản lý hiện đại, cơ chế vận hành thống nhất, linh hoạt và minh bạch. Khi các điều kiện cần thiết được thiết lập đồng bộ, môi trường đầu tư được cải thiện, DN sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn, góp phần đưa khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh và hội nhập sâu rộng trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tôi tin rằng, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đều cần sự đồng hành của một thế hệ doanh nhân mang trong mình khát vọng đổi mới và tinh thần tiên phong. Việc hình thành siêu đô thị liên kết vùng không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho TP.HCM và các tỉnh lân cận, mà còn là cơ hội để cộng đồng DN chung tay kiến tạo một môi trường sống hiện đại, năng động, đáng tự hào.
(*) Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam