Liên kết sản xuất lúa, tạo sản phẩm gạo chất lượng cao

Trong thời gian qua, huyện Tánh Linh đã đẩy mạnh nhiều chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế tập thể nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Nổi bật trong các chương trình là việc tổ chức liên kết sản xuất trong cây lúa, nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP và thương hiệu 'Gạo Tánh Linh'.

Thương hiệu Gạo Tánh Linh nhìn từ cánh đồng Đức Bình

Về Đức Bình mùa này nhìn cánh đồng Tà Ru lúa đang chuyển màu chín vàng. Những bông lúa nặng trĩu hạt chất lượng cao do HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình liên kết với nông dân trong vùng sản xuất tạo nên sản phẩm OCOP 3 sao gạo ST 25 Đức Lan. Anh Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, cho biết: “HTX sản xuất lúa chất lượng cao 60 ha ở 2 cánh đồng thôn 2 và Tà Ru. HTX liên kết với Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An lấy nguồn giống ST25, liên kết với nông dân sản xuất lúa sạch để xay xát thành gạo ST25, phối hợp với khuyến nông, phòng nông nghiệp xây dựng gạo Đức Lan nằm trong chuỗi thương hiệu “Gạo Tánh Linh” và khâu cuối cùng là liên kết với hơn 10 đại lý nhà phân phối gạo trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trong nước như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... để cung ứng ra thị trường...”.

Thu hoạch lúa ở Đức Bình

Thu hoạch lúa ở Đức Bình

Tôi biết anh Đức cách đây hơn 10 năm về trước, lúc ấy anh mới bắt tay vào làm lúa sạch ở Đức Bình. Hành trình xây dựng gạo Đức Lan của anh khá gian nan và là cả một câu chuyện dài từ việc phải về tận miền Tây học cách làm lúa sạch trên cánh đồng mẫu để xuất khẩu, đến việc về quê nhà huy động người dân tham gia cùng làm để có diện tích đủ lớn để sản xuất trên diện rộng. Rồi việc quản lý đồng ruộng để người dân không lén rải phân bón, bơm thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục quy chuẩn... Và đến nay câu chuyện sản xuất lúa - gạo theo mô hình khép kín với việc liên kết từ đầu vào - sản xuất – đầu ra nên thương hiệu gạo Đức Lan - “Gạo Tánh Linh” được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh là do biết rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất hạt gạo ở vùng miền núi xa xôi Tánh Linh.

Ông Mai Trí Mân - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT Tánh Linh cho biết, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục hướng trọng tâm vào phục vụ lợi ích của xã viên bằng các loại hình dịch vụ liên kết sản xuất ngày càng đa dạng hơn. Một số HTX như HTX DVNN Đức Phú, HTX DVNN Gia An, HTX DVNN Hoàng Nam (Nghị Đức), HTX DVNN Đức Bình, HTX DVNN Nông Lâm Giang (Huy Khiêm) bước đầu đã tham gia vào chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết với doanh nghiệp và các hộ nông dân, tạo ra các liên kết bền vững giữa các đối tượng tham gia chuỗi để tạo giá trị gia tăng. HTX DVNN Đức Bình có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao cấp tỉnh (gạo Đức Lan ST 25, gạo lứt Đức Lan ST 25), sản phẩm sầu riêng của Tổ hợp tác sầu riêng Đức Phú được công nhận 3 sao.

Thu hoạch lúa ở Đức Bình.

Thu hoạch lúa ở Đức Bình.

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững

Trong năm 2024, đã thành lập thêm 3 HTX (HTX Nông Lâm Giang - Huy Khiêm, HTX Sầu Riêng Đức Phú và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bắc Ruộng 1) với số vốn đăng ký trên 1.050 triệu đồng/71 thành viên. Lũy kế đến nay trên địa bàn huyện Tánh Linh có 18 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp được thành lập/12 xã, thị trấn. Theo Phòng Nông nghiệp – PTNT Tánh Linh, huyện đang duy trì và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giữa các HTX là HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia An với 50 ha lúa chất lượng cao/năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Phú 50 ha/năm với Công ty TNHH SX và TM Đại Nhật Phát. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt và đã đi vào thực hiện trên địa bàn huyện từ năm 2022 đến nay. Duy trì dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình 60 ha, sản lượng ước tính đạt 450 tấn. Mới đây huyện Tánh Linh đã thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa thương phẩm của HTX sản xuất DVNN Gia An, dự kiến triển khai vụ đông xuân 2024 - 2025 với quy mô liên kết 128,8 ha/65 hộ (trong đó thành viên HTX là 55 hộ). Ngoài ra, các địa phương còn thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các HTX sản xuất 5.000 ha lúa chất lượng cao trên diện tích lúa quy hoạch cánh đồng lớn giai đoạn 2021-2025, xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” diện tích 79 ha...

Gạo ST25 Đức Lan nằm trong chuỗi thương hiệu "Gạo Tánh Linh".

Gạo ST25 Đức Lan nằm trong chuỗi thương hiệu "Gạo Tánh Linh".

Liên kết sản xuất lúa nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao đang mang đến thu nhập ổn định cho người dân, nhất là trong khâu liên kết rất nhiều bên đều có lợi như đơn vị cung cấp giống, HTX chủ trì sản xuất, nông dân, doanh nghiệp phân phối và cuối cùng là người tiêu thụ sản phẩm có được hạt gạo “sạch”. Liên kết sản xuất đang góp phần để Tánh Linh hoàn thiện các tiêu chí để tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao...

PHÚC THẮNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lien-ket-san-xuat-lua-tao-san-pham-gao-chat-luong-cao-126063.html
Zalo