Lệnh trừng phạt Nga khiến thế giới muốn 'chia tay' nội tệ Mỹ, BRICS 'chùn bước' vì rất cần USD?

USD là đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ Thế chiến thứ hai, nhưng sự kết hợp giữa các lý do chính trị và kinh tế đang dần làm giảm uy thế của đồng tiền này.

Có nhiều lý do khiến các quốc gia trên thế giới muốn rời xa đồng USD. (Đồ họa: Global Times)

Có nhiều lý do khiến các quốc gia trên thế giới muốn rời xa đồng USD. (Đồ họa: Global Times)

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong dự trữ ngoại hối quốc tế, USD vẫn là đồng tiền được đứng vị trí thứ nhất (chiếm 59,5%). Đây cũng là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại toàn cầu.

Giờ đây, các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang khiến các quốc gia khác cảnh giác. Một số quốc gia, chẳng hạn như Brazil, Argentina, Bangladesh và Ấn Độ, đang tìm kiếm các loại tiền tệ và tài sản dự phòng khác ngoài USD để giao dịch.

Ba lý do

Trang Business Insider nhận định, lâu nay đã có những lo ngại về sự thống trị quá lớn của đồng USD trong thương mại và tài chính toàn cầu. Kể từ năm 1970, các cuộc nói chuyện về phi USD hóa đã được nhen nhóm.

Dưới đây là ba lý do khiến các quốc gia trên thế giới muốn "chia tay" với đồng nội tệ của Mỹ.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng quá nhiều đến phần còn lại của thế giới.

Mỹ là nhà phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới và đây cũng là đồng tiền thống trị trong các hệ thống thương mại và thanh toán quốc tế. Do đó, tháng 5/2023, tổ chức tư vấn của Trung tâm Wilson báo cáo đồng USD nắm giữ ảnh hưởng quá lớn đối với nền kinh tế thế giới và thường được định giá quá cao.

Vị trí này đã mang lại cho Mỹ "đặc quyền cắt cổ" - vấn đề mà cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing từng nhắc đến. Một khía cạnh của đặc quyền này là nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể không rơi vào khủng hoảng nếu không thể trả nợ khi giá trị của USD giảm mạnh bởi vì Washington có thể phát hành thêm tiền.

Điều đó cũng có nghĩa là các quốc gia trên thế giới phải theo sát các chính sách kinh tế và tiền tệ của Mỹ để tránh tác động lan tỏa.

Thứ hai, đồng USD mạnh đang trở nên quá đắt đối với các quốc gia mới nổi.

Đồng bạc xanh mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ trên thế giới đang khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều đối với các quốc gia mới nổi.

Ở Argentina, áp lực chính trị và sự sụt giảm trong xuất khẩu đã góp phần làm giảm dự trữ bằng đồng USD và gây áp lực lên đồng Peso, từ đó thúc đẩy lạm phát. Điều này đã thúc đẩy Argentina bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng Nhân dân tệ.

Các nhà kinh tế tại Allianz, một công ty dịch vụ tài chính quốc tế, đã viết trong một báo cáo ngày 29/6 rằng: “USD mạnh lên sẽ làm suy yếu vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế. Nếu việc tiếp cận với đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn, người đi vay sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế".

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thiết lập các loại tiền tệ thanh toán thương mại thay thế, thậm chí còn khuyến khích Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - nhưng quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tránh xa đồng nội tệ Mỹ.

Thứ ba, thương mại toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ đang đa dạng hóa, khiến đồng USD dầu mỏ gặp rủi ro.

Một lý do chính khiến đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới là các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông đã sử dụng đồng bạc xanh để giao dịch dầu mỏ. Vấn đề này được chính thức hóa vào năm 1945, khi quốc gia dầu mỏ khổng lồ - Saudi Arabia và Mỹ đạt được thỏa thuận lịch sử. Theo thỏa thuận, Riyadh sẽ bán dầu cho Washington chỉ bằng đồng bạc xanh. Đổi lại, Saudi Arabia sẽ tái đầu tư dự trữ USD dư thừa vào các kho bạc và công ty của Mỹ.

Nhưng sau đó, Mỹ đã trở nên độc lập về năng lượng và là nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ, với sự phát triển của ngành dầu đá phiến .

Các nhà kinh tế của Allianz nhận định: "Sự thay đổi cấu trúc trong thị trường dầu mỏ do cuộc cách mạng dầu đá phiến mang lại có thể làm tổn hại vai trò của USD. Các nhà xuất khẩu dầu sẽ tìm kiếm những người mua mới ngoài Mỹ và thanh toán bằng nhiều hình thức khác, thay vì chỉ xoay quanh USD".

Tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS để dần loại bỏ USD. (Nguồn: MTrading)

Tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS để dần loại bỏ USD. (Nguồn: MTrading)

BRICS "chùn bước"?

Thời gian qua, BRICS đã bày tỏ sự quan tâm tới loại tiền tệ mới và phi USD hóa cũng là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên lần thứ 15 diễn ra vào tháng 8 tới.

Tháng 6/2022, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS. Theo đó, đồng tiền mới có thể mang lại lợi ích cho BRICS và các quốc gia khác, chẳng hạn như tăng cường hội nhập kinh tế trong các quốc gia trong nhóm, giảm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, cũng như làm suy yếu vị thế thống trị của đồng USD.

Tuy nhiên, mới đây, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời ông Anil Sooklal, Đại sứ lưu động của Nam Phi về châu Á và BRICS cho rằng, loại tiền tệ mới của BRICS sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.

Ông Anil Sooklal nhấn mạnh: “Chưa có cuộc thảo luận nào về một loại tiền tệ chung mới của BRICS, nó không có trong chương trình nghị sự. Những gì chúng tôi đã nói và chúng tôi tiếp tục trao đổi là giao dịch bằng đồng nội tệ và thanh toán bằng đồng nội tệ".

Bên cạnh đó, tháng 6/2023, Nhật báo The Wall Street Journal đưa tin, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) gần như đã ngừng cung cấp các khoản vay mới và gặp khó khăn trong việc huy động vốn bằng USD để trả nợ.

Định chế tài chính nói trên ra đời vào năm 2014, thông qua nỗ lực của BRICS. Mục đích là nhằm thiết lập một giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính cho vay dựa trên đồng USD và do Mỹ thống trị như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và phù hợp với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn vị thế của đồng bạc xanh.

Hoạt động cho vay của tổ chức này rất tích cực và các khoản vay cam kết đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2017 lên 30 tỷ USD trong năm 2022.

Nhưng để cung cấp vốn cho các nền kinh tế đang phát triển, NDB đã phải vay từ Phố Wall cũng như các tổ chức cho vay Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù sứ mệnh của định chế này là phi USD cho các khoản vay, nhưng khoảng 2/3 khoản vay của tổ chức này lại bằng đồng nội tệ Mỹ.

Bên cạnh đó, sau xung đột Nga-Ukraine, các nhà bảo lãnh Phố Wall không tỏ ra sẵn sàng cho vay ngân hàng mà Moscow sở hữu gần 20% vốn. Nếu không có sự hỗ trợ bằng đồng USD thông thường, tổ chức này đang phải trả các khoản nợ trước đó thông qua các khoản vay đắt đỏ hơn.

Thông tin trên chứng minh, dù nỗ lực phi USD nhưng không thể phủ nhận đồng bạc xanh lại rất quan trọng với NDB và BRICS.

Dù vậy, ông Anil Sooklal khẳng định rằng: "BRICS đã trải qua một quá trình được thúc đẩy do xung đột, các biện pháp trừng phạt đơn phương. Thời của một thế giới lấy USD làm trung tâm đã qua, đó là một thực tế".

(theo Business Insider, Global Finance)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lenh-trung-phat-nga-khien-the-gioi-muon-chia-tay-noi-te-my-brics-chun-buoc-vi-rat-can-usd-235817.html
Zalo