Lầu Năm Góc dành ngân sách lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự

Trang Task and Purpose cho biết Lầu Năm Góc đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2026 lên đến hơn 1.000 tỉ USD, trong đó 179 tỉ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm và đánh giá.

Số tiền trên không được dùng để mua chiến đấu cơ, xe tăng, tàu chiến hay tên lửa mới, mà để tài trợ cho chương trình hay công nghệ có thể quyết định thắng bại trong chiến tranh tương lai.

Chiếm gần 20% ngân sách quốc phòng, 179 tỉ USD là mức ngân sách cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc - phản ánh rõ tầm nhìn về chiến tranh tương lai của giới hoạch định quân sự Mỹ. Tiền dự kiến dành cho dự án máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, máy bay không người lái yểm trợ thuộc chương trình CCA của không quân, nỗ lực phát triển tên lửa siêu thanh cho mọi binh chủng, trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng tự chủ.

Trọng tâm chính năm nay là hàng không tự hành. Chương trình CCA phát triển máy bay như MQ-28 “Ghost Bat” hay XQ-58 “Valkyrie”, có thể phối hợp cùng chiến đấu cơ F-35, F-22 hay thậm chí máy bay tiếp liệu, máy bay vận tải để triển khai vũ khí, gây nhiễu thiết bị điện tử, mở rộng phạm vi chiến đấu.

Lầu Năm Góc cũng đẩy nhanh chương trình Replicator, trang bị cho các binh chủng khác lượng lớn máy bay không người lái cùng hệ thống tự động hóa giá rẻ dễ dàng áp đảo mạng lưới phòng thủ của kẻ địch.

Máy bay không người lái giờ đây đóng vai trò lớn ngoài chiến trường - Ảnh: Kendall Swank

Máy bay không người lái giờ đây đóng vai trò lớn ngoài chiến trường - Ảnh: Kendall Swank

Một dự án trọng điểm khác là B-21 Raider Máy bay ném bom tàng hình này đem vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân xâm nhập sâu vào không phận địch. Được thiết kế để thay thế B-2 và B-1, B-21 Raider sẽ nằm trong bộ ba hạt nhân của Mỹ. Vài chiếc đang trải qua quá trình thử nghiệm chuẩn bị đi vào hoạt động. Lầu Năm Góc muốn chi thêm 4,7 tỉ USD cho dự án.

Vũ khí siêu thanh cũng quan trọng không kém nên chuẩn bị được "rót" vào khoảng 4,1 tỉ USD. Chúng ít nhất đạt vận tốc Mach 5, vô cùng cơ động nên rất khó đánh chặn. Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng nhiều nước khác đều đang chạy đua phát triển.

Song song với vũ khí siêu thanh là 450 triệu USD cho hệ thống đối phó vũ khí siêu thanh. Loạt hệ thống như Patriot hay THAAD không yếu nhưng chưa rõ có đủ sức đánh chặn vũ khí siêu thay hay không, chúng không được thiết kế để đối phó loại mục tiêu này - đặt ra nhu cầu phải phát triển hệ thống đánh chặn và vệ tinh theo dõi mới.

Khoảng 40 tỉ USD dành cho loạt dự án mật, có thể là máy bay không người lái tiên tiến, hệ thống tác chiến điện tử và tình báo, nền tảng tàng hình thế hệ tiếp theo hoặc tác chiến mạng.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lau-nam-goc-danh-ngan-sach-lon-cho-nghien-cuu-va-phat-trien-cong-nghe-quan-su-235055.html
Zalo