Lấp khoảng trống xử lý trách nhiệm!

Hôm nay, 26.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, báo cáo về lĩnh vực tư pháp, trong đó có báo cáo về công tác thi hành án. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm, số bản án hành chính tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhìn lại năm 2024 cho thấy, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong thi hành án hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án hành chính vẫn còn những hạn chế. Kết quả thi hành án hành chính xong mới chỉ đạt 45,41%. Số bản án hành chính tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng. Nếu như năm 2022, số việc chưa thi hành xong là 563 việc, năm 2023 là 776 việc thì năm 2024 số chưa thi hành lên tới 1.077 việc. Còn nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án, năm 2023 có 135 kiến nghị; thì đến năm 2024 có tới 175 kiến nghị.

Vẫn biết rằng, án hành chính là vấn đề khó, nhạy cảm bởi còn đâu đó tâm lý “dân kiện quan”. Hầu hết các bản án hành chính chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên hủy xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thi hành bản án hành chính chưa cao.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một số địa phương, cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác thi hành án hành chính trên địa bàn. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của một số cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý.

Câu chuyện chậm, không thi hành án hành chính dường như đã trở thành điểm nghẽn cố hữu được nêu trong báo cáo công tác thi hành án hằng năm. Tình trạng này đã trở thành vấn đề “năm nào cũng nói” được nêu lên rất nhiều trong các phiên thảo luận, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và trên diễn đàn Quốc hội thời gian qua.

Pháp luật hiện hành không thiếu quy định để xử lý những trường hợp không chấp hành bản án hành chính. Luật Tố tụng hành chính đã quy định rất rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án, quyết định buộc thi hành án của tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Ngoài ra, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong Nghị quyết số 110/2023/QH15, Quốc hội yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính…

Tuy vậy, bằng cách này hay cách khác, vẫn có những cơ quan, cá nhân cố tình không chấp hành bản án. Điều đáng nói, dù Ủy ban Tư pháp đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành án hành chính nhưng đến nay cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện được việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không chấp hành án hành chính theo quy định của pháp luật. Chính khoảng trống xử lý trách nhiệm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm. Tình trạng này kéo dài dẫn đến “nhờn” luật!

Câu hỏi đặt ra, vì sao quy định pháp luật đã có, nhưng vẫn có khoảng trống xử lý trách nhiệm trong những trường hợp này? Có khó khăn vướng mắc gì khi xử lý trường hợp vi phạm, hướng xử lý là gì? Đây là điều cử tri, Nhân dân chờ đợi câu trả lời của những người trong cuộc tại phiên thảo luận của Quốc hội về nội dung này.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-khoang-trong-xu-ly-trach-nhiem-post397448.html
Zalo