Lao động giỏi - điểm cộng để Hải Dương hút nhà đầu tư
Năm 2023, Hải Dương đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 toàn vùng đồng bằng sông Hồng về chỉ số đào tạo lao động. Có nguồn lao động giỏi, việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Đứng thứ 8 cả nước
Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam hiện có khoảng 11.000 lao động. Hằng năm, công ty thường xuyên có các đợt tuyển dụng lao động vào khu vực sản xuất và lắp ráp hệ thống dây điện trong xe ô tô, dây dẫn trong máy in. Những công nhân có tay nghề cao, không phải qua đào tạo được hưởng nhiều ưu đãi như được hưởng mức lương theo thỏa thuận, được bố trí công việc phù hợp… Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Giám đốc Nhà máy 1, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam cho biết: "Lao động Hải Dương ngày càng có tay nghề, được đào tạo nên khi tiếp nhận công ty không mất nhiều thời gian đào tạo lại".
Năm 2023, chỉ số đào tạo lao động của Hải Dương đạt 6,73 điểm, đứng thứ 8 trong cả nước và đứng thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. So với năm 2022, Hải Dương tăng 1,12 điểm và cũng là năm thứ 2 liên tiếp tăng điểm ở chỉ số này (kể từ năm 2021). Đây cũng là chỉ số có cơ cấu điểm cao, tác động lớn đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chung của toàn tỉnh. Kết quả trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá cao chất lượng dạy nghề của tỉnh. Chất lượng lao động đã đáp ứng lớn nhu cầu của doanh nghiệp.
Chỉ số đào tạo lao động là một trong 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số PCI. Đây là chỉ số có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao chất lượng và cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Chỉ số đào tạo lao động được tính toán dựa trên 11 chỉ số thành phần, trong đó có sự đánh giá của doanh nghiệp về việc tuyển dụng lao động phổ thông, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh có dễ dàng không? chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo lao động trong tổng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp; chất lượng giáo dục dạy nghề tại tỉnh như thế nào...?
Là đơn vị tham mưu, chịu trách nhiệm chính về chỉ số thành phần chỉ số đào tạo lao động (9/11 chỉ số), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều giải pháp cải thiện chỉ số này. Sở thường xuyên tổ chức tuyên truyền và trao đổi thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức trong tuyển dụng lao động; tạo cầu nối doanh nghiệp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp dịch vụ việc làm có uy tín để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động.
Tổ chức điều tra, thu thập, cập nhật thông tin cầu lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó tiến hành phân tích, đánh giá, dự báo thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động. Cùng với đó, sở cũng tăng cường chỉ đạo các cơ sở đào tạo, cung ứng lao động trong tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động. Từ đó, tổ chức các lớp đào tạo nghề sát với nhu cầu nhà tuyển dụng; tư vấn, giới thiệu lao động cho doanh nghiệp, người lao động…
Tiếp tục nâng cao thứ hạng
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm 8 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trên địa bàn tỉnh cũng có 5 trường đại học (Thành Đông, Sao Đỏ, Hải Dương, Kỹ thuật y tế và Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên). Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh cao nhất trong 5 năm gần đây với gần 22.900 thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp, đạt 99,61%, tăng 0,1% so với năm 2023.
Với quyết tâm không để chất lượng nhân lực là điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn lao động, giữa tháng 10/2024, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Tại hội thảo, đồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các trường phối hợp doanh nghiệp đưa học sinh đi thực tập và đào tạo có địa chỉ. Đồng chí cũng thông tin, UBND tỉnh đang triển khai cơ sở dữ liệu dành cho công tác tuyển dụng, đào tạo lao động; đồng thời sẽ trình chính sách hỗ trợ cho người học nghề tham gia lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Tỉnh cũng đã có chính sách dành cho bộ đội xuất ngũ, hỗ trợ cho đối tượng đào tạo sơ cấp. Làm việc với các bộ ngành liên quan có các trường đào tạo nghề đóng trên địa bàn tỉnh để cùng giải quyết các vấn đề về chính sách cho giáo viên, đầu tư máy móc trang thiết bị, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng. Tỉnh cũng giao ngành giáo dục, tài chính, ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu thêm các chính sách liên quan đào tạo nguồn nhân lực.
Năm 2024, ngành lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn... đã tham mưu tổ chức triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu lao động. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tổ chức trên 100 phiên giao dịch việc làm như “Ngày hội việc làm", "Hội chợ việc làm”, “Ngày hội việc làm trực tuyến"... để cung cấp thông tin thị trường việc làm cho người lao động, hỗ trợ nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Các cơ sở giáo dục dạy nghề nghiệp trong tỉnh cũng xác định mấu chốt để nâng cao chỉ số đào tạo lao động là giáo dục dạy nghề tại tỉnh phải có chất lượng tốt. Đại diện lãnh đạo Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng (Chí Linh), cho biết trường nghề rất khó đầu tư trang thiết bị theo kịp doanh nghiệp, để chủ động nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở mời doanh nghiệp cùng tham gia và chương trình thường xuyên thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Về ý thức tổ chức kỷ luật của sinh viên, kỹ năng hoạt động nhóm còn kém, nhà trường đã bổ sung môn học kỹ năng giao tiếp…
Nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận đầy đủ các thông tin lao động, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng cải cách hành chính.
Sở thường xuyên rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính liên quan, tham mưu với UBND tỉnh bãi bỏ danh mục các thủ tục hành chính chồng chéo, không phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết. Năm 2024, sở đã tiếp nhận, giải quyết 5.267 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến đào tạo lao động. Tất cả hồ sơ đều được giải quyết đúng, trước hạn.
Để tiếp tục nâng cao thứ hạng chỉ số đào tạo lao động, thời gian tới, ngành lao động tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bám sát thị trường lao động, từ đó đưa ra cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động, dự báo xu hướng việc làm, nhu cầu của người sử dụng lao động...
Năm 2024, toàn tỉnh tư vấn việc làm, học nghề và pháp luật lao động cho gần 25.000 lao động; tuyển thêm 18.276 người đào tạo giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng 284 người, trung cấp 937 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 17.055 người). Công nhận tốt nghiệp cho 14.466 người (cao đẳng 533 người, trung cấp 1.683, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 12.250 người).