Lãnh đạo TP Cần Thơ cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế phát triển bền vững ĐBSCL, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư tại TP.
Ngày 29-11, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Quốc tế phát triển bền vững ĐBSCL (SDMD) với chủ đề “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL”.
Phát biểu tại đây, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, diễn đàn là nơi kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế và tổ chức các tọa đàm và diễn đàn thường kỳ nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL. Từ đó, góp phần hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn 2045.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác các bên liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu và phát triển, góp phần phát triển khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội vàmôi trường của vùng.
Đồng thời, xây dựng trung tâm thông tin và khai thác dữ liệu phát triển ĐBSCL nhằm phân tích, tổng hợp dữ liệu và thông tin; tương tác, chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.
Theo ông Hiển, TP Cần Thơ đang tận dụng nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn 2030. TP Cần Thơ tương lai sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo UBND TP cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, TP thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện cho các nhà đầu tư; tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn và ổn định.
Theo lãnh đạo Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên. Phát triển nông - thủy sản xuất khẩu của vùng vẫn dựa trên các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ và chưa gắn kết được giữa khu vực nuôi trồng, khai thác với khu vực chế biến, xuất khẩu; chưa hình thành được các khu, cụm công nghiệp lớn về sản xuất, chế biến nông - thủy sản xuất khẩu.
Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL nói chung vẫn còn hạn chế. Đầu tư hạ tầng phát triển các khu, cụm công nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn và chậm so với yêu cầu phát triển công nghiệp, diện tích lấp đầy chưa cao, thiếu tập trung về không gian, ngành nghề, sản phẩm…
Tại diễn đàn, các tham luận tập trung vào các nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa ĐBSCL - định hướng phát triển, hiện trạng và khuyến nghị; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại TP Cần Thơ tạo động lực cho phát triển vùng ĐBSCL; phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các trung tâm logistics ĐBSCL.
Ngoài ra, diễn đàn còn có phiên tọa đàm bàn tròn cùng chuyên gia về kinh nghiệm từ các quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa các lĩnh vực và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.