Lãnh đạo tỉnh sau sáp nhập và nguyên tắc 'ở đâu cũng là quê hương'

Đội ngũ lãnh đạo địa phương sau sáp nhập là đa số không phải người địa phương. Điều quan trọng nhất là từng cán bộ cần giữ nguyên tắc 'ở đâu cũng là quê hương', từ đó tạo được sự đoàn kết, đồng thuận.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng với Báo Xây dựng về việc lựa chọn nhân sự Bí thư, Chủ tịch UBND lãnh đạo 23 tỉnh/thành mới sau sáp nhập, vừa được công bố ngày 30/6 vừa qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP.HCM tại lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã ngày 30/6. Ảnh: VGP.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP.HCM tại lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã ngày 30/6. Ảnh: VGP.

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng trong việc "chọn mặt gửi vàng" đối với vị trí lãnh đạo 23 tỉnh/thành sau sáp nhập?

Từ trước đến nay, trong các nghị quyết, Trung ương hết sức chú trọng công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là then chốt của xây dựng Đảng, tức là "then chốt của then chốt".

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc", mọi việc thành bại đều do cán bộ tốt hay kém, do đó phải tập trung vào cán bộ và đặc biệt phải hết sức chú ý đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Công tác cán bộ hiện nay đã được lựa chọn theo hướng cụ thể hóa hơn, làm rõ hơn những chuẩn mực đã xác định trước đây, trong đó chuẩn mực về trí tuệ đòi hỏi phải rất cao.

Trong 46 lãnh đạo của các tỉnh/thành mới sau sáp nhập (23 Bí thư; 23 Chủ tịch), có đa số lãnh đạo sinh trong thập niên 1970. Ông đánh giá việc này thế nào?

Việc chỉ định các Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh/thành sau sáp nhập như vậy thể hiện rõ chủ trương về chuẩn hóa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Vương Trần.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Vương Trần.

Việc cán bộ trẻ hóa phù hợp không chỉ với điều kiện hiện nay mà còn hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và của đất nước.

Khái niệm "trẻ" có nhiều khía cạnh. Nói về mặt tuổi tác, trẻ tuổi cũng quan trọng, bởi nếu quá lớn tuổi thì khó có thể tiếp nhận, ứng biến trước các xu hướng mới.

Nhưng quan trọng hơn cả phải là năng lực, trình độ tư duy, sự sáng tạo.

Thực tế, có người tuổi lớn vẫn năng động, sáng tạo song cũng có khi người tuổi trẻ mà tư duy đã cằn cỗi.

Việc trao quyền điều hành các địa phương mới sáp nhập cho đội ngũ lãnh đạo trẻ chính là tạo cơ hội để họ trải nghiệm, thể hiện bản lĩnh, năng lực và sự sáng tạo qua công việc.

Ngày xưa trong kháng chiến, ta nhấn mạnh cán bộ phải được rèn luyện trong thực tiễn, trong thử thách gian khổ, hy sinh. Bây giờ cũng thế, cán bộ phải được trải nghiệm thực tiễn, đặc biệt là thực thi nhiệm vụ.

Lần này, ta đã mạnh dạn giao nhiệm vụ, nhất là khi đã có phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, để qua đó khảo nghiệm, thể hiện năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, từ đó tiếp tục sắp xếp phù hợp, phát huy tốt nhất năng lực cán bộ.

Về trình độ học vấn, trong 46 lãnh đạo được chỉ định, đa số có trình độ là thạc sĩ, tiến sĩ. Theo ông, điều này có lợi gì trong việc thực hiện "bộ tứ Nghị quyết trụ cột"?

Việc lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương có lẽ đã bám sát trên cơ sở lựa chọn những người có đủ khả năng hiện thực hóa "bộ tứ Nghị quyết trụ cột".

Đó là Nghị quyết số 57 về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 66 về cải cách thể chế, đột phá trong xây dựng pháp luật, vốn được coi là động lực giúp đất nước cất cánh.

Cán bộ làm lãnh đạo, quản lý phải rất thạo, rất rành về khoa học công nghệ và phải đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế tư nhân, đột phá về tư duy xây dựng pháp luật cũng như hội nhập quốc tế để lãnh đạo ngành, địa phương mình phát triển.

Nếu không thì sắp xếp bộ máy có gọn mấy, có tốt mấy cũng khó tạo sự phát triển cho ngành, địa phương mình.

Một điểm khác có thể thấy rõ từ đội ngũ lãnh đạo địa phương lần này là đa số không phải người địa phương. Ông có nhìn nhận như thế nào về cách lựa chọn này?

Chủtrương Bí thư, Chủ tịch tỉnh/thành không phải là người địa phương đã được thực hiện từ lâu.

Lần này, chúng ta bố trí lại cán bộ cho hợp lý hơn cũng là để tránh tính cục bộ địa phương, lợi ích nhóm… là những vấn đề rất phức tạp.

Song, điều quan trọng nhất là từng cán bộ phải rèn giũa để tạo ra bản lĩnh, trách nhiệm và phải theo một nguyên tắc "ở đâu cũng là quê hương". Từ đó sẽ tạo được sự đoàn kết, đồng thuận, cùng xây dựng và phát triển địa phương giàu mạnh.

Trên đất nước Việt Nam, đâu cũng là quê hương mình. Dù lãnh đạo ở tỉnh này hay tỉnh kia cũng phải với tinh thần như vậy.

Một điểm đáng chú ý nữa trong danh sách Bí thư 23 tỉnh/thành mới là có không ít bí thư tỉnh ủy không nằm trong danh sách Ủy viên Trung ương. Theo ông, xu hướng này cho thấy điều gì?

Nhiều nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đều bố trí Bí thư tỉnh/thành là Ủy viên Trung ương. Lần này tuy có một số Bí thư không phải là Ủy viên Trung ương, nhưng họ đều nằm trong quy hoạch sẽ vào Trung ương của khóa XV tới. Trước khi sáp nhập, trong 63 tỉnh thành, cũng có những tỉnh, Bí thư không phải là Ủy viên Trung ương.

Việc sắp xếp này thể hiện sự linh hoạt trong bố trí cán bộ và vẫn lấy chuẩn mực cán bộ làm chính. Điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào năng lực thực tế của họ.

Cám ơn ông!

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/lanh-dao-tinh-sau-sap-nhap-va-nguyen-tac-o-dau-cung-la-que-huong-19225070220253947.htm
Zalo