Lãnh đạo thế giới nghĩ ra chiêu mới lấy lòng ông Trump

Các lãnh đạo quốc tế đang có chiến lược mới để kết thân với Tổng thống Mỹ Donald Trump: Ca ngợi vai trò kiến tạo hòa bình và đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình.

Liên tục trong những tháng qua, nhiều lãnh đạo quốc tế, nghị sĩ, và thậm chí là một bộ tộc bản địa Mỹ đã tuyên bố sẽ đề cử ông Trump nhận giải Nobel Hòa bình, giải thưởng mà theo di nguyện của Alfred Nobel sẽ được trao cho “người có đóng góp lớn nhất hoặc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa các dân tộc, cho việc xóa bỏ hoặc giảm quy mô quân đội thường trực, và cho việc tổ chức, thúc đẩy các hội nghị hòa bình”.

Đề cử tới liên tiếp

Đầu tuần này, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có mặt tại Nhà Trắng để thảo luận về Iran và chiến sự tại Gaza, nhà lãnh đạo Israel đã tặng cho ông Trump một bất ngờ nhỏ. “Tôi muốn trao cho Ngài bức thư mà tôi đã gửi đến Ủy ban Nobel, đề cử Ngài cho giải Nobel Hòa bình - một giải thưởng hoàn toàn xứng đáng và Ngài nên nhận được”, ông Netanyahu nói, đồng thời trao tận tay ông Trump bản sao lá thư.

Nhận thư, ông Trump nói lời cảm ơn. “Việc này rất có ý nghĩa với tôi, nhất là do từ chính Ngài nói ra”, ông đáp lại.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với Tổng thống Trump rằng ông sẽ đề cử nhà lãnh đạo Mỹ cho Giải Nobel Hòa bình vào ngày 25/7. Ảnh: AP.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với Tổng thống Trump rằng ông sẽ đề cử nhà lãnh đạo Mỹ cho Giải Nobel Hòa bình vào ngày 25/7. Ảnh: AP.

Vài ngày sau, đoàn lãnh đạo cấp cao châu Phi đã đến Nhà Trắng, tiếp tục gửi đi thông điệp tương tự. Trong đó, Tổng thống Gabon Brice Oligui Nguema nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình gần đây giữa Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Hai bên đã ký kết thỏa thuận ngay trong Phòng Bầu dục, trước sự chứng kiến của ông Trump.

“Tổng thống Trump đang đưa hòa bình trở lại khu vực tưởng như không thể hòa giải. Tôi tin rằng ông ấy xứng đáng với giải Nobel Hòa bình. Đó là quan điểm của tôi”, ông Nguema phát biểu.

Trong khi đó, một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình vì thành tích đã được kiểm chứng trong việc đảm bảo hòa bình toàn cầu”. Người này cũng bổ sung: “Nhờ sự lãnh đạo của Tổng thống, nước Mỹ được tôn trọng trở lại, góp phần tạo ra một thế giới an toàn và thịnh vượng hơn”.

Việc đề cử và quyết định trao giải được thực hiện kín, theo quy định của Quỹ Nobel. Những người có quyền đề cử bao gồm nguyên thủ các nước hoặc nghị sĩ cấp quốc gia, giáo sư đại học, giám đốc viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, những người từng đoạt giải và thành viên Ủy ban Nobel Na Uy.

Những tổng thống Mỹ từng nhận giải Nobel Hòa bình có Tổng thống Jimmy Carter và Barack Obama. Cả hai đều là đảng viên Dân chủ.

Hiệu nghiệm ngắn hạn

Các đề cử đến tới tấp sau khi ông Trump buông lời than phiền trên mạng xã hội rằng “dù có làm gì đi nữa” ông cũng sẽ không được nhận giải Nobel Hòa bình. “Nhưng người dân biết, và đó mới là điều quan trọng với tôi”, ông viết trong bài đăng điểm lại hàng loạt nỗ lực của mình, từ Hiệp định Abraham giữa Israel và một số quốc gia Ả-rập trong nhiệm kỳ đầu, cho đến việc giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gần đây.

Trước đó, Pakistan từng đề cử ông Trump nhận Nobel Hòa bình sau khi công bố thỏa thuận với Ấn Độ, nhưng chỉ một ngày sau lại lên án ông vì cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân Iran. Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã can dự vào tiến trình hòa giải giữa Iran và Israel, góp phần kết thúc cuộc chiến ngắn ngày giữa hai nước.

 Tổng thống Trump phát biểu trong bữa trưa với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump phát biểu trong bữa trưa với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Trước đây, ông đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự Ukraine ngay trong ngày đầu trở lại Nhà Trắng. Nhưng cho đến nay ông Trump vẫn chưa đạt được bước đột phá nào trong cả xung đột đó lẫn cuộc chiến ở Gaza.

Trong nước, các đồng minh chính trị của ông Trump tiếp tục miệt mài đóng góp vào giấc mơ Nobel của Tổng thống.

Thượng nghị sĩ Bernie Moreno đã kêu gọi Thượng viện Mỹ đề cử ông Trump, trong khi Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn đăng bài kêu gọi người ủng hộ chia sẻ nếu đồng tình rằng ông Trump xứng đáng nhận giải. Hạ nghị sĩ Claudia Tenney tuyên bố đã hai lần đề cử ông Trump và sẽ tiếp tục cho đến khi ông được vinh danh.

Thậm chí, Chủ tịch bộ tộc bản địa Tunica-Biloxi (bang Louisiana), ông Marshall Pierite, cũng tuyên bố ý định đề cử: “Không có lãnh đạo thế giới nào dành nhiều thời gian và công sức cho hòa bình toàn cầu như Tổng thống Donald Trump”.

Theo đánh giá từ các tổ chức nghiên cứu chính trị tại Mỹ, việc nhiều lãnh đạo quốc tế công khai ca ngợi ông Trump và đề cử giải Nobel có thể là cách họ tìm kiếm sự ủng hộ cho chương trình nghị sự của mình, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump đang thúc đẩy lập trường đối ngoại “đổi chác”.

Dù vậy, một số nhà quan sát cảnh báo việc ca ngợi quá mức có thể phản tác dụng, làm lu mờ các chuẩn mực ngoại giao và khiến quá trình hoạch định chính sách bị chi phối bởi động cơ cá nhân.

Tuy nhiên, ít nhất vào thời điểm này, chiến lược “tặng Nobel trên giấy” dường như đang khiến Tổng thống Trump hài lòng. Khi đón tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi tại Nhà Trắng hồi đầu tuần, ông nói đùa: “Tôi không ngờ lại được đối xử tử tế thế này. Thật tuyệt vời. Chúng ta có thể tiếp tục như thế cả ngày cũng được”.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/lanh-dao-the-gioi-nghi-ra-chieu-moi-lay-long-ong-trump-post1567897.html
Zalo