Lãnh đạo Nga-Trung hội đàm trực tuyến lần hai, đối phó sức ép từ phương Tây
Lãnh đạo Trung Quốc - Nga thực hiện hội đàm trực tuyến như một cách thể hiện sự đoàn kết giữa hai bên trước một loạt thách thức đến từ phương Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 15/12, trong bối cảnh cả hai nước đối mặt với áp lực ngoại giao ngày càng tăng từ phương Tây.
Cuộc gặp được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm 14/12, là hội đàm trực tuyến lần hai giữa các nhà lãnh đạo trong năm nay. Các nhà phân tích cho rằng điều này nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa Bắc Kinh và Moskva, đặc biệt là trước Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không tiết lộ những gì hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận nhưng cho biết chi tiết sẽ được công bố sau đó.
“Tại cuộc gặp, hai nguyên thủ sẽ đánh giá đầy đủ về quan hệ và hợp tác Trung - Nga trong các lĩnh vực khác nhau của năm nay và đưa ra các thiết lập cấp cao nhất cho sự phát triển của quan hệ song phương trong năm tới”, ông Uông nói.
Hai nước đã nói về mối quan hệ sâu sắc hơn trên một loạt các vấn đề lợi ích chung, bao gồm việc xây dựng một trạm vũ trụ mặt trăng.
Họ cũng chỉ trích hội nghị thượng đỉnh dân chủ do Washington tổ chức vào tuần trước, nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới đối với các chuẩn mực dân chủ - nhưng loại trừ Bắc Kinh và Moskva.
Cuộc gặp Tập-Putin diễn ra sau khi một số quốc gia phương Tây, theo sau Washington, tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông sắp tới của Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Nga vừa tổ chức các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong cuộc gặp trực tuyến với ông Biden, nhà lãnh đạo Nga đã bị Mỹ và các đồng minh châu Âu cảnh báo về "các biện pháp kinh tế và các biện pháp khác" nếu căng thẳng quân sự với Ukraine leo thang. Thông điệp tiếp tục được nhóm G7 nhắc đến khi các nước lên án việc Nga tăng cường quân đội gần Ukraine và kêu gọi Moskva giảm leo thang.
Cuộc gặp trực tiếp giữa ông Putin và ông Modi tại New Delhi dẫn đến những cam kết về mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn và việc sản xuất thiết bị quân sự giữa hai nước, điều mà các nhà phân tích cho rằng sẽ khiến Trung Quốc lo ngại, trong khi nước này đang có mối quan hệ đối đầu kéo dài với Ấn Độ ở dãy núi Himalaya.