Lãnh đạo livestream bán nông sản: Khi chính quyền nhập vai người làm kinh tế số
Lãnh đạo địa phương livestream bán nông sản cho thấy chính quyền đang chủ động kết nối thị trường số, mở ra hướng đi mới trong xúc tiến thương mại hiện đại.
Lãnh đạo địa phương livestream bán nông sản
Sáng 29/6 tại Bắc Giang (nay là Bắc Ninh), một hình ảnh đầy ấn tượng đã xuất hiện trên mạng xã hội. Đó là việc ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh mới), trực tiếp đứng giữa vườn nông sản, cầm micro và livestream để bán hàng. Trong vòng vài giờ, hơn 54 tấn vải thiều đã được “chốt đơn” qua nền tảng trực tuyến.
Sự kiện không chỉ thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi trực tuyến mà còn trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều đáng chú ý, một lãnh đạo cấp tỉnh không chỉ là người định hướng chính sách mà còn trực tiếp đóng vai trò người bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu ngay tại vùng nguyên liệu góp phần rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất và thị trường, đồng thời lan tỏa thông điệp chính quyền đồng hành cùng nông dân bằng hành động cụ thể.

Ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh mới - người mặc áo trắng), bán vải thiều trên livestream. Ảnh: Báo Bắc Giang
Hình ảnh ông Thịnh xắn tay áo, giới thiệu từng chùm vải với giọng nói chân thành, đã tạo nên một chiến dịch truyền thông hiệu quả mà không cần đến kịch bản phức tạp, là một minh chứng điển hình cho đổi mới tư duy lãnh đạo, nơi chính quyền chủ động thích nghi với thương mại điện tử, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản bằng chính sự xuất hiện, uy tín và hành động cụ thể.
Một ví dụ tiêu biểu cho tư duy hành động trong chuyển đổi số ở cấp cơ sở là ông Lê Văn Bính, người từng là tiến sĩ tài chính ngân hàng, thạc sĩ công nghệ, nguyên Chủ tịch huyện Phú Xuyên, và hiện là Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực (Hà Nội).
Thay vì chờ đợi chỉ đạo hay hỗ trợ từ cấp trên khi làng nghề rơi vào giai đoạn khó khăn, ông Bính chủ động bắt tay vào việc. Ông cùng đội ngũ cán bộ địa phương xây dựng kênh truyền thông số, trực tiếp đóng vai trò quản trị viên, biên tập nội dung, quay video và hướng dẫn bà con bán hàng qua mạng.
Nhờ cú hích này, thương mại điện tử ở Phú Xuyên đã có bước nhảy vọt: Từ con số hơn 100 tỷ đồng trong năm 2023, chỉ sau 5 tháng đầu năm 2025, doanh thu đã vượt mốc 4.000 tỷ đồng. Thành quả đó không chỉ là con số, mà là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới trong tư duy điều hành và quản lý địa phương.
Tham gia vào hoạt động thương mại trên mạng xã hội cũng cho thấy lãnh đạo một số địa phương đang chủ động tiếp cận các công nghệ số hiện đại. Họ không đứng ngoài xu thế công nghệ mà còn dùng chính hình ảnh và uy tín của mình để lan tỏa thông điệp, thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá thương hiệu nông sản địa phương. Đây là bước tiến trong nhận thức về vai trò của chính quyền trong thời đại số.
Hoặc, tại lễ khai mạc Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tham gia phiên livestream bán hàng trên Tiktok, mang lại kết quả tiêu thụ khả quan.
Đột phá trong tư duy thương mại điện tử
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Đây là bước đột phá mới trong tư duy về thương mại điện tử. Việc một lãnh đạo cấp tỉnh chủ động tham gia bán hàng bằng hình thức livestream không chỉ là hoạt động truyền thông còn tạo ra tác động thực chất tới hoạt động tiêu thụ nông sản”.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản có tính chất mùa vụ cao như vải, nhãn... áp lực tiêu thụ là rất lớn, việc các nhân vật có ảnh hưởng, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền, tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua nền tảng số là một sáng kiến cần được khuyến khích và nhân rộng. Trong bối cảnh nhiều KOL vướng lùm xùm thiếu chuẩn mực, sự tham gia của lãnh đạo không chỉ tạo niềm tin, mà còn góp phần định hướng lại giá trị tích cực trong quảng bá, truyền thông, tích cực tiêu thụ nông sản qua nền tảng số.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tham gia buổi livestream bán hàng. Ảnh: Nguyễn Thành
“Lãnh đạo các địa phương thường có kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp và hiểu rõ đối tượng khách hàng. Họ kể chuyện sản phẩm hấp dẫn hơn và kết nối thị trường tốt hơn so với bà con nông dân vốn thật thà, chất phác nên truyền cảm hứng tốt hơn”, ông Nguyên chia sẻ.
Theo ông Nguyên, chính sự kết hợp giữa hình ảnh lãnh đạo và nền tảng thương mại số không chỉ giúp bán được hàng trong thời điểm ngắn hạn mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về niềm tin và sự chủ động trong hệ thống chính trị.
Trước băn khoăn về việc một lãnh đạo cấp cao “đứng bán hàng” có thể gây tranh luận, ông Nguyên khẳng định: “Lãnh đạo, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nếu có thời gian rảnh, việc tham gia hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là hành động mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đây cũng là cách lan tỏa hình ảnh chính quyền gần dân, sát thực tiễn và tạo cảm hứng tích cực trong xã hội”.
Về lâu dài, nếu hành động này được thực hiện có chọn lọc, bài bản có thể trở thành một phần trong chiến lược xây dựng “chính quyền kiến tạo” lấy phục vụ làm trung tâm, lấy kết quả thực tế làm thước đo niềm tin xã hội.
Từ góc độ Hiệp hội, ông Nguyên khuyến nghị các địa phương có sản phẩm nông sản thế mạnh và mang tính mùa vụ nên chủ động kết nối với các kênh thương mại điện tử, sử dụng mạng lưới quan hệ để xúc tiến thương mại đa phương. “Tìm đầu ra không chỉ là lên mạng livestream còn cần tận dụng mối quan hệ với các địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế để đưa hàng hóa Việt vươn xa hơn”, ông Nguyên nói.
Khi lãnh đạo gần dân, cùng lắng nghe và hành động từ thực tiễn, sự hỗ trợ không còn là hình thức mà trở thành hoạt động thực chất. Người dân nhận được sự đồng hành cụ thể, còn chính quyền gây dựng được uy tín và củng cố niềm tin xã hội.
Để tiêu thụ nông sản bền vững, cần gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, chuẩn hóa chất lượng và đa dạng hóa kênh phân phối. Người nông dân phải được hỗ trợ nâng cao kỹ năng, áp dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến và bán hàng. Chính quyền đóng vai trò kiến tạo, kết nối thị trường và tháo gỡ rào cản chính sách. Khi từng khâu trong chuỗi giá trị được củng cố, nông sản sẽ không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh bền vững trên thị trường quốc tế.