Làng trồng đào phai ở Yên Thành nhộn nhịp người bán người mua
Những ngày cuối năm, làng nghề trồng đào phai ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) không khí lại nhộn nhịp người bán người mua. Các vườn đào đã hé nụ, khoe sắc.
Làng nghề trồng đào phai xã Kim Thành, thuộc vùng miền núi huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép làng nghề chuyên trồng đào với quy mô giống đào phai bản địa theo hướng hàng hóa.
Những gốc đào chớm nở, tạo nên không khí ngày Tết đang đến gần cũng là dịp để các thiếu nữ diện cho mình bộ quần áo mới thả dáng tự tin, tươi trẻ bên những cành đào khoe sắc để chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: PV
Đang bận rộn hướng dẫn khách đến chọn đào tại vườn, ông Phan Quốc Thuật, trú tại xã Kinh Thành, cho biết: "Làng nghề trồng đào chúng tôi mấy năm đầu mới chỉ có một số gia đình trồng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây bà con nắm bắt được thị trường, nhu cầu chơi đào vào dịp Tết của người dân càng tăng cao.
Nhiều hộ dân trong làng chuyển sang trồng đào với quy mô lớn dần cùng với sự siêng năng chịu thương chịu khó, học hỏi và đúc rút được nhiều kinh nghiệm của những năm trước...
Được thiên nhiên ưu đãi cây đào hợp với thổ nhưỡng nên người dân ở nơi đây đã tạo ra những cây đào thế đẹp, hoa nở đều và đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán. Nhờ ưu điểm đó, cây đào mang thương hiệu là đào phai Yên Thành tới đông đảo khách hàng gần xa biết đến".
Theo ông Phan Quốc Thuật, trong xã có nhiều hộ đã trồng được 12-15.000 gốc đào (đã cho xuất bán ra thị trường). Năm nay thời tiết thuận lợi, đào ra hoa đúng dịp Tết, đào đẹp nên đầu tháng chạp đã có nhiều thương lái đến mua với số lượng lớn. Hiện có nhiều gia đình đã xuất bán được khoảng 70% số lượng, thu về được 350-450 triệu đồng.
Còn hộ hộ gia đình ông Phan Tất Giáp, trú tại xã Kim Thành cho hay: "Để đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, các hộ trồng đào phai lại tất bật vặt lá, tỉa cành, tưới nước trước một tháng.
Đầu tháng chạp, khách mua đào từ các huyện đổ về Làng đào xã Kim Thành, để chọn cây, chọn cành đặt cọc. Tầm 15 (al) là tấp nập xe cộ vận chuyển đào về xuôi. Hiện gia đình tôi trồng gần 300 gốc đào, thời điểm năm ngoái gia đình tôi đã bán được 40-50 gốc và cành. Đến 26 (al) là vườn bán gần hết, gia đình mới lo sắm sửa đón Tết".
Tương tự như ông Thuật, ông Giáp… nhiều hộ trồng đào ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành kinh tế khấm khá, có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Phải nói rằng trồng đào với lợi ích cao gấp gần chục lần với những loại cây hàng hóa khác.
Thiếu nữ xinh xắn tạo dáng ở vườn đào phai xã Kim Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: PV
Nhu cầu của người dân ngày càng được nâng cao, chơi đào được xem như là một môn nghệ thuật của con người quê lúa nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.
Khi chưa có đào là chưa thấy hương vị của mùa xuân cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu mà mỗi gia đình, ai ai cũng phải mua sắm trong dịp Tết đến xuân về.
Tháng 11/2022, UBND tỉnh công nhận Làng nghề trồng cây đào phai xã Kim Thành, theo Quyết định số 3469/QĐ-UBND. Toàn xã Kim Thành có gần 500 hộ đầu tư trồng đào với quy mô khoảng 30ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Mỗi năm, xuất bán ra thị trường trên 8.000-9.000 gốc đào, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 30-50 triệu đồng.