Làng thổ cẩm bên suối Mường Hoa
Thung lũng Mường Hoa dưới cái nắng đầu đông đẹp như bức tranh thủy mặc. Dòng suối nước chảy hiền hòa, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo các sườn đồi, tạo thành hình chảo nghiêng nghiêng. Những chiếc váy hoa, mấy món đồ thổ cẩm rực rỡ được treo lên. Từng đoàn khách nước ngoài trekking nói cười rôm rả, lẫn trong đó giọng người dân bản địa mời khách xem đồ.
Thôn Lao Hàng Chải, xã Hoàng Liên (Sa Pa) - nơi có 100% là người Mông sinh sống, những ngày này tràn đầy tiếng cười và niềm vui. Du khách biết tới thôn người Mông ngày càng đông, tuyến trekking nhộn nhịp trở lại giúp cả làng quên đi những tháng ngày ảm đạm vì dịch Covid-19.
Vừa bước qua cầu, tới đầu thôn, tôi gặp ngay các gian hàng thổ cẩm. Dọc hai bên đường, hàng thổ cẩm nhiều màu sắc được bày bán. Đoàn khách Ấn Độ đang đi trên đường cũng ghé vào xem đồ. Chị Aishwarya - du khách trong đoàn - chọn một chiếc khăn có những hoa văn bắt mắt, ướm thử lên người tỏ vẻ thích thú và mua nó, khoác lên đầu như món đồ vừa trang trí vừa chống nắng để tiếp tục hành trình.
Bán được vài món đồ cho đoàn khách, chị Má Thị La hồ hởi: Người khách vừa rồi khen chiếc khăn rất đẹp. Khi được giới thiệu các hoa văn được vẽ bằng sáp ong, cô ấy nói nhất định sẽ tìm hiểu cách người dân tạo ra các họa tiết đó.
Chị La chia sẻ tiếp: Các gian hàng thổ cẩm dọc tuyến đường trekking nối giữa thôn Cát Cát và thôn Sín Chải nên hằng ngày có nhiều khách du lịch qua lại. Càng về cuối năm khách quốc tế càng đông, hầu hết khách đi qua sẽ ghé xem hàng, mỗi đoàn bán được 1, 2 món đồ là chúng tôi vui lắm rồi.
Tôi đi qua mấy chục gian hàng để đến cuối thôn, tìm đến cửa hàng của nhóm bảo tồn nghề thêu truyền thống thôn Lao Hàng Chải. Cửa hàng không lớn nhưng bày bán đa dạng mặt hàng. Từ thổ cẩm, bà con thiết kế ra các sản phẩm may mặc như mũ, áo, váy, khăn đến các món đồ lưu niệm nhỏ, như ví, túi xách, dây đeo tay hoặc hình mô phỏng con gà, chim...
Chị Tẩn Thị Giả, người đầu tiên thành lập nhóm nay là Chủ tịch HĐND xã Hoàng Liên. Những ngày đầu lập nhóm là cả quá trình dài với nhiều nỗ lực của chị em trong thôn. Năm 2003, chị Tẩn Thị Giả mới 20 tuổi và làm công tác phụ nữ tại địa phương. Nhận thấy trong thôn có nhiều chị em cùng sở thích thêu, may, đồng thời mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc, chị đã tập hợp chị em cùng thêu thùa, may trang phục. Hằng ngày, có thời gian, các chị em lại cùng nhau ngồi dưới gốc cây, bên hiên nhà thêu váy, áo. Nhiều đoàn khách đi qua, thích thú, hỏi mua nhiều nên chị nảy ra ý tưởng mở một cửa hàng bán đồ thổ cẩm.
Năm 2008, cửa hàng đầu tiên được mở. Ban đầu, cửa hàng gặp nhiều khó khăn do các thành viên thạo thêu thùa nhưng ít người biết cắt, khâu, không có máy móc hỗ trợ nên sản phẩm làm ra mất nhiều thời gian.
Từ cửa hàng nhỏ với 10 thành viên, nhóm dần được nhiều người biết tới, nhiều đơn vị, tổ chức chung tay hỗ trợ, giúp đỡ chị em kỹ thuật cắt, may, giới thiệu sản phẩm. Thêm những chiếc máy may, khung dệt truyền thống, khung xe sợi lanh được mang tới tặng cửa hàng. Chị em trong nhóm cũng được đi tham quan, được hướng dẫn kỹ thuật cắt, may vừa đảm bảo yếu tố bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, làm quà lưu niệm cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Đầu năm 2023, UBND xã Hoàng Liên quyết định thành lập Nhóm bảo tồn nghề thêu truyền thống thôn Lao Hàng Chải. Hiện nhóm đã có 30 thành viên. Người dân tự thêu, may, sau đó mang ra cửa hàng trưng bày, mặt hàng của ai bán được thì người đó được hưởng lợi. Nhóm đã có cơ hội được tham gia gian hàng giới thiệu thổ cẩm ở các hội chợ, hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá văn hóa... Nhóm cũng cải tiến khung cửi rộng hơn để dệt được khổ vải rộng, dễ cắt, khâu thành nhiều sản phẩm.
Chị Giàng Thị Mẩy, Trưởng nhóm cho biết: Đa phần chị em ban đầu tham gia nhóm thuộc hộ nghèo. Đến nay, cuộc sống chị em đã thay đổi rất nhiều.
Rời cửa hàng của Nhóm bảo tồn nghề thêu truyền thống thôn Lao Hàng Chải, chúng tôi đi theo một đoàn khách Ấn Độ tới nhà chị Lý Thị Mỵ. Đây là 1 trong 2 hộ làm dịch vụ cho du khách trải nghiệm vẽ sáp ong. “7 năm qua, mặc dù có thời điểm do dịch bệnh, nhà không có một khách lui tới nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề. Nhiều du khách khi mua đồ tò mò muốn biết quy trình tạo ra sản phẩm và tôi giúp họ tìm hiểu, trải nghiệm những điều đó”, chị Mỵ cho biết.
Đa phần các công ty du lịch sẽ đặt lịch trước để chị chuẩn bị, ngoài ra có một số khách trekking qua cũng ghé thăm. Du khách được tận tình hướng dẫn kỹ thuật vẽ, cách buộc vải, nhuộm chàm. Sau khi thực hành, khách được mang về 1 sản phẩm vẽ sáp ong. Chị Mỵ chia sẻ thêm: Du khách rất thích thú khi tự tay tạo ra được sản phẩm. Khách du lịch khâm phục sự sáng tạo của đồng bào Mông cũng như sự khéo léo của phụ nữ nơi đây.
Ở Lao Hàng Chải, ngoài cách bán hàng truyền thống cho khách nước ngoài trekking, cửa hàng của chị Giàng Thị Tang còn quảng bá sản phẩm thổ cẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Từ cô gái tốt nghiệp trường sư phạm nhưng đam mê du lịch và thổ cẩm truyền thống, Giàng Thị Tang đã tận dụng sự phát triển của công nghệ để quảng bá sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Khi đến cửa hàng của chị Tang, dù đã xế chiều nhưng 2 cô gái với bộ trang phục dân tộc Mông và những chiếc điện thoại trước mặt vẫn miệt mài phát trực tiếp trên facebook để bán hàng. Chị Tang tâm sự: Cửa hàng tạo việc làm cho 4 chị em trong thôn, 2 chị chuyên thêu, may và 2 em phụ trách quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Lượng khách của cửa hàng đông nhất hiện nay chủ yếu qua kênh facebook. Khách hàng mua lẻ, mua buôn từ khắp mọi nơi tìm đến chúng tôi.
Quay trở ra những gian hàng thổ cẩm nối dài 2 bên đường cạnh dòng suối Mường Hoa, tôi vẫn gặp từng tốp khách nước ngoài ghé lại các cửa hàng, chọn những chiếc váy hoa, chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu…