Lạng Sơn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 5 huyện biên giới, 2 huyện nghèo; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông. Trong thời gian qua, Lạng Sơn luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) góp phần nâng cao đời sống người dân và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân ở vùng dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương, của tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành đã xây dựng, ban hành các Quyết định, Kế hoạch để triển khai thực hiện và tăng cường công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với triển khai các phong trào thi đua của Trung ương, của tỉnh phát động....
Quá trình tổ chức, quản lý thực hiện chương trình được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình cấp tỉnh, 11/11 huyện, thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; đồng thời hướng dẫn 181/181 xã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã. Công tác lập kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm; tăng cường cơ chế phân cấp trong huy động nguồn lực, nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện.
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, đúng quy định; trong giai đoạn, ban chỉ đạo chương trình MTQG các cấp đã ban hành các kế hoạch kiểm tra, chương trình công tác của các ngành, của tỉnh. Hằng năm UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình MTQG kết hợp với việc kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tổng kế hoạch vốn giao thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tỉnh được giao là 4.178.824 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 3.974.964 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng 203.860 triệu đồng.
Trên cơ sở nguồn vốn kinh phí được giao, tỉnh đã phân bổ giai đoạn 2022-2024 là: 2.859.173 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương 2.722.991 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 1.588.505 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 1.134.486 triệu đồng), ngân sách địa phương đối ứng 136.182 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 79.444 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 56.738 triệu đồng).
Từ nguồn vốn được phân bổ, các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành đã triển khai thực hiện giải ngân theo đúng mục đích của Chương trình đề ra. Đến nay, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2024 đã giải ngân (tính đến hết tháng 9/2024) là: 1.604.676 triệu đồng, đạt 56% so với kế hoạch vốn đã giao, trong đó: ngân sách trung ương 1.580.769 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 1.226.845 triệu đồng, vốn sự nghiệp 353.924 triệu đồng), ngân sách địa phương đối ứng 23.907 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 18.349 triệu đồng, vốn sự nghiệp 5.558 triệu đồng). Ước giải ngân đến hết năm 2024 đạt 86% so với kế hoạch vốn đã giao.
Qua 4 năm tập trung triển khai thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển khá toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, dự kiến giai đoạn 2024-2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%. Đến thời điểm này đã có 11/47 xã đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 23% so với kế hoạch giai đoạn; dự kiến đến hết năm 2025 có 47/47 xã, 47/47 thôn thuộc xã khu vực I, II và 268/268 thôn thuộc xã khu vực III thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 100% chỉ tiêu so với kế hoạch giai đoạn.
Từ các nguồn vốn của Chương trình đã thực hiện đầu tư cứng hóa mới 241,49/193km đường đến trung tâm xã, đường liên xã (vượt 25% kế hoạch giai đoạn); xây mới 02, cải tạo; sửa chữa 12 trạm y tế xã; xây mới 01 chợ và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 08 chợ; duy tu bảo dưỡng 159 công trình các loại; đầu tư xây dựng 71 phòng công vụ giáo viên; 102 phòng ở cho học sinh; hỗ trợ 65 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 155 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng...
Tỉnh tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Trong đó, ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở bị dột nát, hư hỏng. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn cho các hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng10/2024, tỉnh đã thực hiện Dự án 1 hỗ trợ đất ở cho 03/142 hộ (đạt 2% kế hoạch giai đoạn); hỗ trợ nhà ở cho 1.040/2.015 hộ (đạt 52% kế hoạch giai đoạn); hỗ trợ đất sản xuất cho 0/139 hộ (đạt 0% kế hoạch giai đoạn); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.887/5.000 hộ (đạt 38% kế hoạch giai đoạn), hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề 52.986 triệu đồng với 1.120 lượt hộ vay; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 6.933/11.000 hộ (đạt 63% kế hoạch giai đoạn); đầu tư xây dựng 48/24 công trình nước sinh hoạt tập trung (vượt 100% kế hoạch giai đoạn).
Tỉnh dự kiến thực hiện Dự án 1 đến hết năm 2025 chỉ đạt 80% kế hoạch vốn giai đoạn giao. Tiến độ thực hiện các nội dung thuộc dự án không đồng đều do không có quỹ đất thực hiện hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng, nội dung chuyển đổi nghề trùng lặp với đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đối tượng hộ nghèo đăng ký hỗ trợ nhà ở ít, định mức hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo thấp (40 triệu đồng/hộ); Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành văn bản thực hiện nội dung sửa chữa nhà dẫn đến một số nội dung, chỉ tiêu thực hiện đến hết giai đoạn khó đạt mục tiêu giai đoạn đề ra.
Đối với Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tỉnh đã thực hiện 08/09 dự án ổn định dân cư, đạt 89% kế hoạch giai đoạn (trong đó: 02 dự án tại huyện Tràng Định, 02 dự án tại huyện Chi Lăng, 03 dự án tại huyện Bình Gia, 01 dự án tại huyện Lộc Bình). Các dự án đang trong quá trình thi công các hạng mục công trình, tiến độ triển khai tốt; đã thực hiện sắp xếp, hỗ trợ di dời cho 225 hộ (Lộc Bình 18 hộ, Bình Gia 207 hộ). Dự kiến thực hiện đến hết năm 2025 đạt 100% kế hoạch vốn giai đoạn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình còn có những khó khăn, hạn chế Kết quả thực hiện một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra: số lượng hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1; diện tích thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng sản xuất thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 3...
; tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo còn cao; mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 giảm 50% xã, thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn chưa bảo đảm tính khả thi.
Để triển khai thực hiện tốt Chương trình trong giai đoạn tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể, tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho chương trình; phát huy vai trò của cán bộ trong triển khai, thực hiện chương trình, nhất là cán bộ cấp cơ sở.
Cùng đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của chương trình; tuyên truyền huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trung ương, địa phương hoạt động trên địa bàn, chú trọng làm tốt công tác đối thoại với Nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở. Đồng thời, xác định mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở; linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện, trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng để họ thực sự là chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo.