Lạng Sơn: Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hoạt động của thôn, tổ dân phố

Sáng 19/3, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn'.

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Các đồng chí: TS. Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, đại biểu một số tỉnh bạn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện một số thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

LỰC LƯỢNG THAM GIA CÔNG VIỆC TẠI THÔN, TỔ DÂN PHỐ ĐÓNG VAI TRÒ ĐẶC BIỆT TRONG VIỆC HUY ĐỘNG, TỔ CHỨC, TẬP HỢP NHÂN DÂN DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh: Trong các nghị quyết của Đảng, luôn quán triệt tư tưởng “Dân là gốc, sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, quan điểm “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện hoạt động ở thôn, tổ dân phố, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện mọi công việc đã trở thành một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng tham gia công tác tại cơ sở; là chìa khóa góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa 13 “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”; Nghị quyết Trung ương 8, khóa 13 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Từ thực tiễn cho thấy, để giành được những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì lực lượng tham gia công việc tại thôn, tổ dân phố đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động, tổ chức, tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ rõ: Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực lượng làm công tác tại cơ sở còn hạn chế về chất lượng trong khi khối lượng công việc thường rất lớn, nên nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính những người hoạt động không chuyên trách, tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố là lực lượng duy nhất thường xuyên ăn cùng dân, ở cùng dân, làm cùng dân, là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất, gắn bó với dân nhất, trực tiếp nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp xã trở lên để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đến với mỗi người dân, trong đó, có các đảng viên, kể cả đảng viên tham gia sinh hoạt hai chiều.

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Để có lực lượng làm công tác tại cơ sở mạnh, hoạt động hiệu quả thì chúng ta dựa chủ yếu vào các chi bộ Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, người làm công tác tại thôn, tổ dân phố làm hạt nhân.

Ngoài ra, chính sách và cơ chế để hỗ trợ, phát huy cho lực lượng này còn thiếu, có nhiều bất cập, chưa thống nhất nên chưa đủ sức động viên, khuyến khích họ...

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này, hội thảo là dịp để một lần nữa chúng ta khẳng định nguyên tắc nhất quán dựa vào dân, lấy “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở thảo luận toàn diện về các nội dung của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, đặc biệt là đại biểu đến từ các tỉnh biên giới, tập trung làm rõ hơn, một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, những vấn đề lý luận của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

Hai là, cơ sở chính trị, pháp lý và kinh nghiệm của các địa phương và một số nước, đặc biệt là Trung Quốc.

Ba là, thực trạng, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra.

Bốn là, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 12 bài tham luận trong tổng số 126 bài đã gửi về Ban tổ chức hội thảo. Các nhà khoa học, đại biểu đã tập trung làm rõ hơn một số nội dung chủ yếu như: những vấn đề lý luận của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; làm rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng không thể thiếu của lực lượng này trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; vai trò trực tiếp thường xuyên gắn bó mật thiết với dân, huy động, tổ chức, tập hợp Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; cơ sở chính trị, pháp lý và kinh nghiệm của các địa phương và một số nước, đặc biệt là Trung Quốc; đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố…

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội thảo

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội thảo

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐẢNG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA CÔNG VIỆC Ở THÔN, TỔ DÂN PHỐ CÁC ĐỊA PHƯƠNG MIỀN NÚI, BIÊN GIỚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Phát biểu kết luận hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Các tham luận tại hội thảo đã làm nổi bật vị trí, vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu, không thể thay thế của thôn, tổ dân phố - nơi lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với từng người dân; vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay. Qua đó làm sâu sắc tính tất yếu phải nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố các địa phương miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Các bài phát biểu cũng đã nêu bật những kinh nghiệm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hoạt động của thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm kiện toàn các chức danh hoạt động không chuyên trách và lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở; kinh nghiệm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ở cơ sở; kinh nghiệm phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thế mạnh con người;… Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý, những cách làm hay, sáng tạo và gợi mở nhiều hàm ý chính sách để Lạng Sơn có thể chọn lọc để xây dựng chủ trương, chính sách và cách làm phù hợp với đặc thù của tỉnh./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Tường Vy

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/lang-son-kinh-nghiem-phat-huy-vai-tro-lanh-dao-cua-to-chuc-dang-doi-voi-hoat-dong-cua-thon-to-dan-pho-153415
Zalo