Làng nghề sáng tạo để chinh phục thị trường
Làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là trung tâm sản xuất gốm lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, ngay trên sân nhà, gốm sứ Bát Tràng cũng bị cạnh tranh quyết liệt bởi những mặt hàng ngoại nhập, từ hàng gia dụng lẫn đồ mỹ nghệ cao cấp. Trong bối cảnh đó, Bát Tràng vẫn phát triển bền vững nhờ những sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân.
Trước sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng ngoại nhập ngay trên “sân nhà”, các doanh nghiệp gốm sứ ở Bát Tràng luôn phải nỗ lực đổi mới sản phẩm để thích ứng và chinh phục thị trường. Là một người có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề gốm, ông Nguyễn Viết Toàn, doanh nghiệp gốm sứ Tâm linh Vạn Thành An chia sẻ: “Hiện nay, trên thị trường rất nhiều mặt hàng gốm sứ Trung Quốc, từ đồ gia dụng, đồ mỹ nghệ đến đồ tâm linh. Nếu so về giá, gốm Bát Tràng “thua” ngay tức khắc. Bởi họ có sự hỗ trợ về dây chuyền công nghệ nên giá thành luôn rẻ hơn chúng ta. Do đó, để có thể phát triển bền vững thì với chúng tôi, sáng tạo là quan trọng nhất. Sáng tạo ở đây gồm có sáng tạo về kiểu dáng, mẫu mã, sáng tạo về màu men. Những yếu tố này giúp chúng tôi có thể cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập mà vẫn giữ được nét riêng của Bát Tràng”.
Trong nhiều dòng sản phẩm khác nhau, Vạn Thành An tập trung nguồn lực vào các sản phẩm gốm phục vụ tâm linh. Với nhiều mẫu mã dựa trên nền tảng của các bát hương, bình gốm truyền thống và được bổ sung những sáng tạo mới, Vạn Thành An cùng các doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng vẫn gần như thống lĩnh thị trường gốm tâm linh. Ông Toàn chia sẻ thêm về những sáng tạo trong tạo màu men của mình. Thí dụ như có những sản phẩm men hỏa được ông tạo ra là những sản phẩm “không đụng hàng”, được bán với giá thành cao. Hay như việc phối hợp các màu men với nhau hết sức độc đáo cũng là nét riêng biệt của thương hiệu gốm Vạn Thành An.
Doanh nghiệp Gốm sứ Bảo Khánh cũng là một trong những doanh nghiệp có nhiều sáng tạo nổi bật của gốm Bát Tràng. Mới đây, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hòa đạt Giải Nhì cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2024 với sản phẩm Chum sành thổ cẩm. Tác phẩm chum sành của anh có vai vuông, gợi nhớ những chiếc thạp đồng thời Đông Sơn thay vì vai tròn như nhiều loại chum khác. Phần nắp đậy, vai chum và vòng quanh chum được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm mà anh khai thác từ các hoa văn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tác phẩm vừa có nét mới, vừa mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc của anh được nhiều chuyên gia cũng như khách hàng đánh giá rất cao.
Anh Nguyễn Mạnh Hòa chia sẻ: “Là một người gắn bó với nghề gốm hàng chục năm nay, tôi đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm khác nhau. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, tôi nhận thấy, không gì tốt hơn là mình khai thác chính giá trị văn hóa của dân tộc Việt và những dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Điều đó sẽ tạo nên đặc trưng của chính mình và giúp chinh phục thị trường”. Ngoài sản phẩm Chum sành thổ cẩm, anh Hòa còn có nhiều mẫu sản phẩm khác được sáng tác theo phương pháp trên, đó là “làm mới” những nét truyền thống của văn hóa Việt trên sản phẩm.
Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Bát Tràng đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, hiện khoảng 50% số hộ dân đã biết quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Việc người dân ứng dụng công nghệ vào bán hàng khiến việc mua hàng trở nên dễ dàng hơn so với cách bán hàng truyền thống. Trong tương lai Bát Tràng sẽ nghiên cứu xây dựng sàn thương mại điện tử của xã để quảng bá đồng thời quản lý được chất lượng hàng hóa, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm.
Để ngành hàng gốm sứ phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, bên cạnh nỗ lực của các làng nghề cùng tâm huyết của các nghệ nhân, cũng cần có sự hỗ trợ của ngành Công thương và vai trò của hoạt động khuyến công. Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tích cực sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có mẫu mã mới, đẹp, ấn tượng, độc đáo, tiêu biểu, góp phần đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nhất là các sản phẩm làm quà tặng phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Hàng năm, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì tổ chức, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Cuộc thi cũng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, trong đó có ngành hàng gốm sứ. Từ đó, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm, thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.