Lắng nghe cơ sở
Những ngày đầu vận hành bộ máy mới tuy còn nhiều bộn bề, nhưng lãnh đạo các xã đã nhanh chóng làm quen cơ sở, đến thôn, bản gặp gỡ, lắng nghe nhân dân. Từ việc 'mắt thấy tai nghe', tiếp nhận ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của bà con, những người 'đứng mũi chịu sào' nắm rõ tình hình địa bàn, xác định phương hướng, tìm ra giải pháp, xây dựng kế hoạch khả thi cho chặng đường mới...
Bắt đầu từ những chuyến đi
Nhiều công việc, lịch trình dày đặc, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên Nguyễn Văn Toản vẫn cố gắng tranh thủ mọi thời gian trống để đi từng thôn, bản lắng nghe nhân dân. Đến nay, tân Bí thư Đảng ủy xã đã về với 16/40 thôn, bản trên địa bàn. Vừa in dấu chân trên đường làng ngõ xóm, vừa họp bàn với ban quản lý thôn bản, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Toản hiểu rõ hơn tình hình từng thôn, bản, những vấn đề còn vướng mắc, tâm tư của nhân dân. Xuống thôn bản, lắng nghe nhân dân, cán bộ ghi nhận hàng loạt vấn đề dân sinh, từ nhu cầu nâng cấp đường giao thông, sửa chữa kênh mương thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước chống ngập, đến mong muốn được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng...

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên Nguyễn Văn Toản gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng từ ban quản lý bản U Va.
Không tránh né khó khăn, lãnh đạo xã cam kết tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh lên cấp trên, đề xuất giải pháp và chủ động giải quyết kịp thời với những vấn đề thuộc thẩm quyền, những vấn đề có thể khắc phục ngay. Đồng thời Bí thư Đảng ủy xã cũng mong muốn, đề nghị ban quản lý, tổ tự quản các thôn, bản phát huy vai trò trách nhiệm, hoạt động hiệu quả hơn nữa để xây dựng bản làng phát triển, yên bình, xanh sạch đẹp. Mới đây nhất, sau cuộc “thị sát”, xã chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh tổ chức san đất, đổ sỏi mở rộng mặt đường và hạn chế lầy lội, trơn trượt đoạn đường từ bản On sang thôn Thanh Trường.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Toản chia sẻ: “Cấp cơ sở phải gần dân, lắng nghe nhân dân, thực sự hiểu dân, hoạt động với tinh thần phục vụ nhân dân. Qua các cuộc về thôn, bản, tôi nắm rõ tình hình cơ sở, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế, hiệu quả hơn. Đồng thời xác định định hướng, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế và những điều kiện hiện có, thêm ý tưởng, gợi mở phát triển cho giai đoạn mới”. Tân Bí thư cho biết đang sắp xếp thời gian tiếp tục đến 40/40 thôn, bản trên địa bàn, ghi nhận ý kiến người dân.
Gần dân, sát thực tế
Tại xã Chiềng Sinh, đội ngũ lãnh đạo xã cũng bắt tay ngay vào việc, không chỉ ổn định hoạt động bộ máy mới mà đi thực tế nhiều nội dung, lĩnh vực. Ngày 12/7, Bí thư Đảng ủy xã Hà Cầm Hồng, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Sơn cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế thác nước Mường Thín – điểm đến giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Với phong cảnh nguyên sơ, hùng vĩ, có ruộng bậc thang và bản làng dân tộc Thái xung quanh, địa điểm này kỳ vọng sẽ trở thành mô hình du lịch sinh thái - văn hóa điển hình của địa phương.
Ngay tại buổi khảo sát, lãnh đạo xã đã khẳng định đây là hướng đi trong phát triển kinh tế cần được quan tâm đầu tư. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn, ban ngành liên quan xây dựng đề án chi tiết, tổ chức tập huấn cho người dân về du lịch cộng đồng, phát triển mô hình homestay gắn với bảo vệ tài nguyên và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Sơn kiểm tra tình hình xóa nhà tạm dột nát tại bản Hua Sát.
Không chỉ tìm hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế, đội ngũ lãnh đạo xã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm với người dân vùng khó, trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình xóa nhà tạm; chỉ đạo công tác ứng phó sạt lở tại khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân... Sự có mặt kịp thời của lãnh đạo xã trong mọi tình huống củng cố thêm niềm tin của bà con vào bộ máy chính quyền mới.
Ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chiềng Sinh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã Nà Sáy, Mường Thín, Mường Khong, Chiềng Sinh. Địa bàn rộng, nhiều khó khăn, lãnh đạo chủ chốt của xã được điều chuyển từ huyện cũ về, do vậy chưa thể nắm chắc tình hình thực tế. Vì vậy, ngay những ngày đầu chúng tôi xác định phải về với dân, hiểu dân, để có thể đưa ra các quyết sách phù hợp, lãnh đạo, điều hành hiệu quả”.

Lãnh đạo xã Chiềng Sinh kiểm tra địa điểm có nguy cơ sạt lở tại địa bàn.
Yêu cầu đổi mới
Không riêng 2 xã Thanh Yên, Chiềng Sinh mà đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh đều đang có nhiều hoạt động kiểm tra, khảo sát nắm bắt tình hình, các buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến từ cơ sở... Thực tế cho thấy, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu hành chính, mà là “phép thử” cho năng lực thích ứng của đội ngũ cán bộ cơ sở. Nơi nào có sự đổi mới trong lãnh đạo, được cụ thể hóa bằng hành động gần gũi, thực chất, và đội ngũ cán bộ gần dân, sát dân, thì nơi đó mới có thể chuyển động tích cực và hiệu quả.
Việc điều động cán bộ từ cấp tỉnh, huyện về xã - những người có trình độ, kinh nghiệm và tư duy đổi mới - đang góp phần lan tỏa tinh thần “phục vụ thay vì quản lý”, lấy hiệu quả thực tế và sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng điều hành.

Bí thư Đảng ủy xã Quài Tở, ông Giàng A Dế kiểm tra tình hình phát triển cây cà phê, cây lê tại địa bàn.
Bên cạnh tín hiệu tích cực, vẫn còn đó thách thức không nhỏ. Một bộ phận cán bộ xã vẫn chậm thích nghi, hạn chế trong ứng dụng công nghệ, tư duy hành chính còn lạc hậu. Trước yêu cầu mới, nếu không thay đổi, nguy cơ bị bỏ lại phía sau là rất rõ ràng, nhất là trong bối cảnh rà soát, tinh giản biên chế đang được thực hiện quyết liệt.
Những bước chân xuống bản, những buổi khảo sát giữa núi rừng, những cam kết trước dân - cần trở thành hành động thường xuyên, nền nếp ở các xã. Từ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến làm du lịch, phòng chống thiên tai… đâu đâu cũng cần có sự hiện diện chủ động, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Khi cán bộ thực sự gần dân, nhân dân sẽ tin tưởng và đồng hành, cùng chung sức xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả như kỳ vọng.