Lặn lội đá ngầm, lặng thầm mưu sinh với ốc móng rồng
Sáng sớm, khi thủy triều rút, trên bãi đá, nhiều người dân ven biển xã Hải Lộc (Nghệ An) bắt đầu cuộc mưu sinh bằng nghề 'săn' ốc móng rồng – loài ốc nhỏ bé bám chặt trong khe đá.
Video người dân đi dọc bãi đá ngầm cạy ốc, hàu mưu sinh.

Dọc bờ biển xã Hải Lộc (tỉnh Nghệ An), có nhiều dãy đá ngầm rộng lớn. Sáng sớm, khi nước thủy triều rút xuống, rất đông người dân trong và ngoài xã đi dọc bãi đá để kiếm sống từ việc câu cá, cạy các loại sinh vật như ốc, hàu bám ở đá.

"Để tránh nắng, người dân chúng tôi sẽ ra biển sớm. Dụng cụ rất đơn giản chỉ là que sắt dài, nhọn để len lõi vào các kẽ đá ngầm rồi cạy hàu, ốc ra. Cần có bì tải hoặc xô nhựa để đựng. Mình đi thấy hàu thì cạy hàu, thấy ốc thì cạy ốc, thấy cá thì bắt cá. Phần lớn chúng tôi đi cạy ốc mồng gà (ốc móng quỷ, ốc móng rồng - PV). Nhiều hôm cũng được kha khá", anh Nguyễn Đình Tiến (SN 1976, trú xã Hải Lộc) nói.


Những con ốc thường bám trong kẽ đá nhỏ nên muốn cạy được, người dân phải thật tinh mắt.

Theo anh Tiến, những con ốc sinh sống tự nhiên, không phải nuôi nên ăn rất ngon. Người dân địa phương thường bắt về ăn, nếu được nhiều thì bán được thêm tiền trang trải cuộc sống.

"Mình phải thật khéo léo mới cạy được những con ốc ra. Nếu mạnh tay quá, ốc sẽ bị vỡ nát, coi như hỏng", anh Phan Văn Tình (trú xã Hải Lộc) giới thiệu về cách bắt ốc ở bãi đá ngầm ven biển và chia sẻ thêm, việc đi bắt ốc trên bãi đá ngầm cũng rất nguy hiểm vì những tảng đá nhấp nhô, trơn trượt. Nhiều người mải mê bắt ốc dẫn đến việc đi vấp đá ngã bầm tím chân tay.

Loại ốc này được sử dụng làm thực phẩm. Có thời điểm "sốt", loại ốc này được bán với giá từ 400-500 nghìn đồng do số lượng ít và việc bắt ốc gặp nhiều khó khăn.


"Số lượng không nhiều. Có hôm bắt về chỉ đủ ăn. Có hôm nhiều thì vài kg mình mang đi bán", anh Nguyễn Đình Tiến chia sẻ.

Ngoài cạy ốc, bắt cá, người dân khu vực xã Hải Lộc còn ra các bãi đá ngầm để cạy hàu tự nhiên về bán.

Hàu sau khi cạy được người dân đựng trong chiếc hộp nhựa. "Hàu ở đây hoàn toàn tự nhiên - thịt thơm, vị ngọt đậm đà. Nhiều người mua về nấu canh ăn rất bổ dưỡng", bà Nguyễn Thị Lộc (65 tuổi, trú xã Nghi Yên cũ, xã Hải Lộc mới) nói.


Cùng với việc cạy hàu, bà Lộc còn tranh thủ bắt những con ốc biển về cải thiện thêm bữa ăn cho gia đình.

Nhiều người ra các bãi đá ngầm câu cá. Đa số là các loại cá nhỏ, cá vược, cá mú....

Các bãi đá ngầm dọc bãi biển tỉnh Nghệ An góp phần nuôi dưỡng cuộc sống của ngư dân - nơi mỗi con ốc, con hàu, con cá là món quà biển cả dành tặng những con người cần cù, lam lũ.