Làm sao để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 không như kỳ vọng?

Chỉ còn vài ngày nữa, cánh cửa đăng ký nguyện vọng đại học sẽ chính thức mở ra, mang theo không ít hồi hộp cho hàng trăm nghìn thí sinh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Với những đổi mới đáng kể trong đề thi năm nay, đặc biệt ở các môn như Toán và Tiếng Anh, nhiều em đang đứng trước bài toán khó: làm thế nào để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển khi điểm số có thể không như kỳ vọng?

Áp lực điểm số và những tính toán chiến lược

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kết quả thi THPT sẽ được công bố vào 8h ngày 16/7, mở ra giai đoạn cao điểm cho việc đăng ký nguyện vọng trực tuyến (từ 16/7 đến 17h ngày 28/7).

Đây là thời điểm nhiều thí sinh, như Hoàng Bách (Trường THPT Trung Văn, Hà Nội) bắt đầu phải "hạ cánh" các ước mơ "top trên" để tìm kiếm những lựa chọn thực tế hơn.

Hoàng Bách chia sẻ: "Môn Toán em làm không tốt nên em sẽ cân nhắc chọn những trường có điểm chuẩn năm ngoái ở mức trung bình để tăng khả năng đỗ".

Tương tự, Trần Ngọc Trâm (Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cũng đang "đau đầu" với việc tính toán lại nguyện vọng 1 sau khi gặp khó ở cả Toán và Tiếng Anh.

Thực tế cho thấy, việc dự đoán điểm thi không như mong đợi đang buộc thí sinh phải linh hoạt hơn trong chiến lược chọn trường, chọn ngành. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Hoàng Bách hay Ngọc Trâm mà là tâm lý chung của không ít sĩ tử năm nay.

Tối ưu cơ hội trúng tuyển

Trong bối cảnh điểm thi khó đoán và nhiều biến động, việc "rải đều các nguyện vọng khác nhau" đang trở thành lời khuyên được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Thầy Đinh Đức Hiền - Giám đốc điều hành Trường phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang lưu ý: "Các thí sinh cần thận trọng trong việc đặt các nguyện vọng, rải đều các nguyện vọng khác nhau, bước nhảy giữa các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng đỗ".

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội.

Về mặt kỹ thuật, TS. Võ Thanh Hải - Phó giám đốc thường trực Đại học Duy Tân đã mang đến một tin vui cho thí sinh: "Năm 2025, tất cả các phương thức đều xét tuyển chung một đợt, từ 16 - 28/7 và các phương thức này đều được quy đổi ra một thang điểm chung. Về mặt kỹ thuật, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh không cần phải đăng ký phương thức hay tổ hợp môn, hệ thống sẽ tự động lựa chọn phương thức và tổ hợp môn nào thí sinh có kết quả cao nhất để xét".

Điều này có nghĩa là thí sinh không cần quá lo lắng nếu điểm thi tốt nghiệp thấp, vì hệ thống sẽ tự động tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển bằng cách chọn phương thức và tổ hợp tối ưu nhất.

Tuy nhiên, TS. Hải cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc kỹ đề án tuyển sinh của từng ngành, từng trường. Điều này giúp thí sinh nắm rõ ngành/trường đó sử dụng những tổ hợp môn và phương thức nào, tránh tình trạng "mất cơ hội" nếu điểm thi đánh giá năng lực rất cao nhưng ngành đó lại không sử dụng phương thức này để xét tuyển.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn "nước rút" này, việc nắm bắt thông tin, hiểu rõ các quy định tuyển sinh và có một chiến lược đăng ký nguyện vọng thông minh sẽ là chìa khóa để thí sinh tự tin chạm tay vào cánh cửa đại học mơ ước.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-de-toi-uu-hoa-co-hoi-trung-tuyen-khi-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2025-khong-nhu-ky-vong-169250703223542146.htm
Zalo