Làm sao để duy trì và phát triển sản phẩm OCOP?

Kon Tum đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để duy trì và phát triển sản phẩm OCOP, khắc phục tình trạng sản phẩm OCOP bị 'chết yểu'.

Sản phẩm OCOP của Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Sản phẩm OCOP của Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, hiện nay toàn tỉnh có 185 sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") của 92 chủ thể còn hiệu lực; trong đó có một sản phẩm đạt chất lượng 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 16 sản phẩm 4 sao và số còn lại đạt chuẩn OCOP 3 sao. Dù số sản phẩm OCOP tăng lên theo từng năm, song số sản phẩm tạo ra thương hiệu, giá trị kinh tế cho các chủ thể là không nhiều.

Thậm chí, một số sản phẩm OCOP ra đời chỉ mang tính nhỏ lẻ, không được đầu tư bài bản dẫn đến "chết yểu". Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-UBND thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với 3 sản phẩm của 3 chủ thể.

* "Chết yểu" do đâu?

Cụ thể, 3 sản phẩm OCOP vừa bị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum thu hồi giấy chứng nhận là các sản phẩm Trà túi lọc Nấm hồng chi của hộ kinh doanh Lê Thị Bưởi; Rượu hoa sâm dây Bà Tâm của hộ kinh doanh cửa hàng Thiên Minh; Rượu cần men lá của Tổ hợp tác rượu cần men lá dân tộc Brâu – Võ Thị Thu Hà. Cả ba sản phẩm này đều được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến việc phải thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP là do các chủ thể chấm dứt hoạt động hoặc ngừng sản xuất sản phẩm.

Được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm Trà túi lọc Nấm hồng chi của hộ kinh doanh Lê Thị Bưởi đạt tổng điểm 52,11 vào năm 2020. Bà Cù Thị Hồng Nhung, phụ trách kinh doanh của hộ kinh doanh Lê Thị Bưởi cho biết, sau khi được công bố sản phẩm OCOP, Trà túi lọc Nấm hồng chi của chủ thể này có chỉ số bán ra khá ổn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên tình hình kinh doanh sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Sau dịch, do chưa theo kịp xu thế của thị trường là kinh doanh trên các nền tảng online, sản phẩm Trà túi lọc Nấm hồng chi càng khó khăn hơn trong việc tìm đầu ra.

"Chúng tôi dừng hoạt động của hộ kinh doanh Lê Thị Bưởi để sáp nhập với Hợp tác xã An Thành. Hiện nay, việc sản xuất Trà túi lọc Nấm hồng chi đang được tạm dừng, chúng tôi sẽ sản xuất lại khi việc sáp nhập với Hợp tác xã An Thành hoàn tất. Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh có những hỗ trợ cho đơn vị trong việc quảng bá sản phẩm để thuận tiện hơn trong việc tiếp cận với người tiêu dùng", bà Cù Thị Hồng Nhung cho biết thêm.

Tương tự, Rượu hoa sâm dây Bà Tâm của hộ kinh doanh cửa hàng Thiên Minh cũng dừng sản xuất vì lý do sáp nhập vào Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Mô Pả. Việc sáp nhập nhằm phát triển sản phẩm Rượu hoa sâm dây, mở rộng sản xuất, tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm. Trước kia, sản phẩm chỉ bán cho người tiêu dùng trong tỉnh, nên giá trị mang lại cho hộ kinh doanh không cao.

Theo đánh giá của bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện nay các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đa phẩn có quy mô sản xuất manh mún, liên kết sản xuất nhỏ lẻ, năng lực quản trị của các chủ thể còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm sản xuất mới chỉ nằm trong giới hạn địa phương, sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều; việc sản xuất sản phẩm OCOP còn yếu, chưa chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường…

"Một số chủ thể vẫn có tư tưởng tham gia phát triển sản phẩm OCOP là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư phát triển sản phẩm. Đặc biệt, nhiều chủ thể chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất theo mùa vụ hoặc chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng và chỉ bán trong phạm vi địa phương. Khi chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn nên một số chủ thể đã phải dừng sản xuất sản phẩm OCOP", bà Y Hằng phân tích.

* Làm gì để OCOP phát triển?

Sản phẩm OCOP của Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Sản phẩm OCOP của Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, trên thực tế, trong giai đoạn đầu triển khai phát triển sản phẩm OCOP, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Do đó, xuất hiện tình trạng chỉ chú trọng vào số lượng sản phẩm OCOP mà chưa thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kon Tum đặt ra các yêu cầu rõ ràng cho các sản phẩm OCOP là phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Các sản phẩm phải cạnh tranh trên thị trường bằng lợi thế về đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, văn hóa và tri thức bản địa…

"Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy, nhận thức về Chương trình OCOP và kiện toàn bộ máy triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn. Bên cạnh đó, sẽ tập trung chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại các ngành theo hướng chuỗi giá trị, phát triển kinh tế xanh, bền vững, phù hợp với lợi thế, điều kiện của địa phương; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh, ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP gắn với đào tạo nghề", bà Y Hằng khẳng định.

Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất của tỉnh Kon Tum; trong đó có 4 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc đạt các tiêu chí OCOP đã khó, song việc duy trì và phát triển sản phẩm còn khó khăn hơn. Vì vậy, để các sản phẩm OCOP phát triển được, các chủ thể cần chú trọng đến nâng cao chất lượng và mở rộng quảng bá trên các kênh thương mại, mạng xã hội.

Cùng quan điểm, bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Tây Nguyên – đơn vị có 5 sản phẩm OCOP mang thương hiệu DATO – cho rằng, để sản phẩm OCOP duy trì và phát triển, các chủ thể cần phát triển về chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh làm thương hiệu, xây dựng các kênh tiêu thụ một cách bền vững. Các chủ thể cần xác định rõ phân khúc khách hàng của sản phẩm, có tính sáng tạo trong từng sản phẩm để tạo ra giá trị riêng biệt.

"Marketing đối với các sản phẩm OCOP là điều rất quan trọng. Với DATO, chúng tôi dành khoảng 40% chi phí phục vụ cho marketting. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo dựng cho sản phẩm của mình những dấu ấn riêng biệt, đặc trưng mà chỉ DATO mới có. Nhờ những điều đó, hiệu nay DATO đã có một hệ thống các kênh tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm. Năm 2022, tổng doanh thu của công ty trên 5 tỷ đồng, thì doanh thu từ các sản phẩm OCOP chiếm trên 50%", bà Lương Thị Mỹ Huệ chia sẻ./.

Dư Toán/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-sao-de-duy-tri-va-phat-trien-san-pham-ocop/303590.html
Zalo