Làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp
Sáng 23.11, thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước) về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ĐBQH nhấn mạnh cần làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp; điều này sẽ dễ quy trách nhiệm pháp lý, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc ban hành Luật mới thay thế là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần quản lý vốn và đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy hiệu quả của nguồn vốn và đầu tư.
Tham gia góp ý cụ thể về Điều 4 - giải thích từ ngữ, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung giải thích về các khái niệm mang tính chuyên ngành như “hội đồng thành viên”, “doanh nghiệp thành viên”, “giới hạn chấp nhận rủi ro”, “quản trị rủi ro”; làm rõ các quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật về “Chủ sở hữu vốn”, “đại diện chủ sở hữu vốn”, “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư”.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ khi Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp thì tư cách pháp nhân của doanh nghiệp như thế nào? Đại diện chủ sở hữu có đồng cùng pháp nhân không? Vì theo quy định tại Điều 11, Khoản 2 của dự thảo Luật về “Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư vốn, kiểm tra, giám sát…” và Điều 12, Khoản 2 quy định doanh nghiệp “tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh…” - như vậy có tình trạng người quản lý vốn, người hoạt động sản xuất kinh doanh, và doanh nghiệp không được chủ động về vốn mà phải đề xuất chủ sở hữu “xin” vốn.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm về quy định này có “trói tay” doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước hay không?
Trong thực hiện cải cách hành chính năm 2018 đã xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương để thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tạo ra "một cửa" quản lý vốn nhà nước. Đại biểu đề nghị có đánh giá tổng kết hiệu quả hoạt động của cơ quan này khi đã thu gọn một đầu mối đại diện chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị, cần làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Cụ thể, đại diện chủ sở hữu vốn là cơ quan quản lý hành chính, thuộc loại pháp nhân phi thương mại, doanh nghiệp là pháp nhân thương mại, khi tham gia giao dịch và hậu quả pháp lý khác nhau về tư cách chủ thể theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015. Việc xác định rõ để quy trách nhiệm pháp lý, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Điều 10 quy định trách nhiệm của 5 loại cơ quan liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị nghiên cứu quy định tập trung cho một số cơ quan quản lý chính, các cơ quan khác phối hợp.
Liên quan đến phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ, điểm b khoản 1 Điều 15 quy định đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước 100% vốn điều lệ thực hiện “trích không quá 3 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động…”.
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), việc quy định trích không quá 3 tháng lương đã được quy định trong thời gian rất dài. Vốn nhà nước chủ yếu được đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, các lĩnh vực then chốt… là những lĩnh vực nói chung có tỷ suất lợi nhuận không cao, bên cạnh đó bị ràng buộc chặt chẽ với cơ chế, chính sách. Điều này vô hình chung làm giảm sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt trên thị trường lao động.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo khảo sát, điều tra, nghiên cứu thêm về định mức này để có thể tăng thêm cho doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi theo tỷ lệ vượt kế hoạch lợi nhuận như quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 53/2016/NĐ-CP để tạo động lực cho người lao động tăng năng suất lao động và hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn (Điều 27), đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn việc luật hóa một số quy định doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phẩn, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trừ doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Cùng với đó, không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Để tạo sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng chính sách, quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định nội dung nêu trên tại Luật này mà có thể tiếp tục quy định tại Nghị định hướng dẫn.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải rà soát, kế thừa những điểm còn giá trị trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gắn với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp.
“Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, song Nhà nước vẫn phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, cần nêu rõ trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư”, đại biểu Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.